Tại sao nhiều thầy cô từ chối nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

05/06/2018 06:32
THIÊN ẤN
(GDVN) - Do quá dị ứng và cực khổ với sáng kiến nên không ít nhà giáo sẵn sàng chối từ đề nghị nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hội đồng thi đua, khen thưởng.

LTS: Vì không muốn phải làm sáng kiến kinh nghiệm, nhiều giáo viên dù xuất sắc trong công việc nhưng cũng từ chối nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đây là thực tế được thầy giáo Thiên Ấn phản ánh trong bài viết sau đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Theo Nghị định 88/2017/CP-NĐ chỉ sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức (giáo viên) ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện phải:

Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...”.

Như vậy, về đánh giá và xếp loại, nhiều giáo viên ở các bậc học được “thoát” làm sáng kiến, song diện giáo viên được đánh giá và xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm vẫn phải làm sáng kiến.

Nhiều giáo viên sợ nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì phải làm sáng kiến kinh nghiệm. Ảnh: TTXVN
Nhiều giáo viên sợ nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì phải làm sáng kiến kinh nghiệm. Ảnh: TTXVN

Còn khi đăng ký và được xem xét công nhận các danh hiệu thi đua như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… đối với cán bộ, giáo viên vẫn phải làm sáng kiến. 

Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng...” theo các Luật, Nghị định, Thông tư, các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về công tác thi đua, khen thưởng. 

Tại Thông tư 21 năm 2010, Thông tư 43 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sáng kiến là một yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên. 

Tại sao nhiều thầy cô từ chối nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ? ảnh 2Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì?

Trường hợp được tính thay thế cho sáng kiến với điều kiện các thầy cô giáo có những thành tích, đạt giải cao ở các kỳ thi, hội thi… từ cấp tỉnh trở lên theo Thông tư 35 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đang thực hiện đúng theo tinh thần, yêu cầu của Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ, tức là tất cả công chức, viên chức (trong đó có đội ngũ nhà giáo các bậc học) nếu được tập thể bình bầu, đánh giá, xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đều phải làm và nộp sáng kiến để hội đồng sáng kiến cấp cơ sở thẩm định và công nhận.

Thực ra, số lượng, tỉ lệ cán bộ, giáo viên được xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là thuộc về quy định, cách đánh giá của từng đơn vị trường học.

Có trường đưa ra tỉ lệ 20%, có trường 40%, thậm chí có trường trên 50%.  

Mới năm đầu tiên, nhiều thầy cô giáo rất phấn khởi, tự hào khi bản thân mình được tập thể tổ, nhà trường bình bầu, xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhưng đến các năm sau, nhiều giáo viên lại không mấy hào hứng, vui vẻ khi đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì phải làm và nộp sáng kiến.

Họ có chung bức xúc: "Các giáo viên đăng ký các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh… phải thực hiện sáng kiến đã đành (nếu không có thành tích thay thế theo Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) còn nay chúng tôi chẳng đăng ký thi đua, khen thưởng gì trong năm học sao lại tiếp tục bị “khổ”, bị “đọa đày” bởi sáng kiến nữa.

Sáng kiến ở ngành giáo dục lâu nay nhiều vô kể, hàng năm có tới hàng chục vạn, trăm ngàn cái sáng kiến được sản sinh song phần lớn chỉ là hình thức, đối phó, vô bổ, tốn kém nhiều công sức, tiền bạc của giáo viên và kinh phí nhà nước.

Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại quy định ở mức  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải bắt buộc có sáng kiến đối nhà giáo."

Do quá dị ứng và cực khổ với sáng kiến nên không ít nhà giáo sẵn sàng chối từ đề nghị và công nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hội đồng thi đua, khen thưởng của nhà trường đối với mình.

Trong quy chế chi tiêu nội bộ của nhiều cơ sở giáo dục còn phân loại cán bộ, giáo viên, nhân viên thành 4 mức khác nhau (ứng với 4 mức quy định tại Nghị định 56 của Chính phủ) để tính tiền tiết kiệm tăng thêm vào cuối năm (nếu có dư từ nguồn kinh phí cấp).

Cách biệt nhau từng mức, chỉ vài ba trăm ngàn đồng cũng không trở thành động lực chính để mọi nhà giáo thi đua, phấn đấu đạt mức cao nhất: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tại sao nhiều thầy cô từ chối nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ? ảnh 3Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm 

Vào cuối năm học, có giáo viên rỉ tai tôi nói:

"Anh nhớ cho em ở mức hoàn thành hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi nhé. Chứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm sáng kiến ngán ngẩm quá đi mất.

Giáo viên (viên chức) không mặn mà, không muốn nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (xứng đáng với đóng góp, cống hiến của bản thân và ghi nhận, xếp loại của tập thể, tổ chức nhà trường), rõ ràng là có nhận thức, tư tưởng chưa đúng đắn về quy định của nhà nước.

Nhưng, họ có cái lý của họ, khi nhìn vào thực trạng phổ biến, hầu hết sáng kiến của nhà giáo sản sinh hàng năm chẳng để làm gì cả, chấm điểm, cộng nhận xong, chất đống cho vào tủ cất, hết chỗ cất, đem cân giấy vụn.

Theo nhiều nhà giáo tâm huyết với nghề, nếu chất lượng và hiệu quả của việc làm, nộp và công nhận sáng kiến ở lĩnh vực giáo dục  vẫn ở tình trạng đáng buồn như lâu nay thì tốt nhất Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên “khai tử” mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt buộc phải có sáng kiến đối với nhà giáo.

THIÊN ẤN