Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

05/05/2018 07:49
Bùi Nam
(GDVN) - Việc đánh giá phân loại giáo viên chỉ dựa vào đạt kết quả sáng kiến kinh nghiệm, thì nó bộc lộ hàng loạt bất cập, bất công, kìm hãm sự phát triển của giáo dục.

LTS: Tiếp tục đưa ra những quan điểm về việc viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục, tác giả Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ.

Đồng thời, tác giả cũng đưa ra những đề xuất về việc chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần đến giai đoạn cuối năm học 2017-2018, ngoài việc chuẩn bị hoàn tất các loại hồ sơ sổ sách, điểm số cuối năm học, một vấn đề quan trọng nhất và được mọi giáo viên quan tâm là xếp danh hiệu thi đua giáo viên cuối năm.

Nó là cơ sở để phân loại giáo viên cũng như được xét các danh hiệu khen thưởng cao quý khác như: Bằng khen Ủy ban nhân dân Tỉnh, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động...

Xếp danh hiệu thi đua giáo viên cuối năm (Ảnh minh họa: laodong.com.vn).
Xếp danh hiệu thi đua giáo viên cuối năm (Ảnh minh họa: laodong.com.vn).

Việc xét tặng các danh hiệu chiến sĩ thi đua hay các danh hiệu thi đua cao quý cấp nhà nước là một trong những ghi nhận về thành tích, những đóng góp của giáo viên trong quá trình phấn đấu trong giảng dạy, giáo dục cũng như hoàn thành tốt công tác phong trào như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Nhưng, vấn đề xét danh hiệu thi đua trong đó có việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập thậm chí là bất công tạo nên sự chán nản, thờ ơ trong lực lượng giáo viên hiện nay.

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” là danh hiệu rất quan trọng đối với giáo viên

Việc đánh giá phân loại viên chức căn cứ theo nghị định 02/2017/VBHN – BNV của Bộ Nội vụ hợp nhất Nghị định 56/2015/NĐ - CP và Nghị định 88/2017/NĐ – CP.

Theo đó, giáo viên (viên chức) được đánh giá phân loại theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình...  cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm  ảnh 2Nếu bỏ sáng kiến kinh nghiệm ngành giáo dục lấy chuẩn gì để đánh giá thi đua?

Để được đánh giá là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo viên phải có ít nhất 1 công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật (sau này gọi chung là sáng kiến kinh nghiệm).

Nó không chỉ quan trọng trong việc đánh giá phân loại giáo viên cuối năm mà nó còn là cơ sở để xét các danh hiệu cao quý khác như:

Bằng khen Ủy ban nhân dân Tỉnh (2 năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), Bằng khen Thủ tướng chính phủ (5 năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), Huân chương lao động (7 năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ),…

Ngoài ra, nếu giáo viên 2 năm liền xếp không hoàn thành nhiệm vụ thì buộc thôi việc hay 1 năm hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho tinh giảm biên chế,…

Từ đó, nó không chỉ quan trọng trong đánh giá, xếp loại, khen thưởng mà còn là căn cứ để tinh giảm biên chế hay buộc thôi việc giáo viên.

Do đó, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở là danh hiệu rất quan trọng đối với giáo viên.

Nó thể hiện giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở là một trong những giáo viên ưu tú nhất của trường được lựa chọn gắt gao, kỹ càng phải vừa dạy giỏi và có uy tín, thương hiệu,…

Vì hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chiến sĩ thi đua trong cơ quan, đơn vị không quá 15% trên tổng số giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Nhưng sự thật lại không phải như vậy?

Tất cả mọi cố gắng đều không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

Việc lựa chọn ra giáo viên tại các trường học hiện nay không lựa chọn ra các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, có nhiều đóng góp cho trường, cho ngành mà chỉ dựa vào tiêu chuẩn duy nhất là các giáo viên nào đạt sáng kiến kinh nghiệm từ cấp Huyện trở lên thì hầu như được xếp đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua nếu đủ chỉ tiêu 15%.

Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình...  cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm  ảnh 3Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác?

Nhưng việc đánh giá phân loại giáo viên chỉ dựa vào đạt kết quả sáng kiến kinh nghiệm, thì nó bộc lộ hàng loạt bất cập.

Nó tạo thêm bất công, chán nản, kìm hãm sự phát triển, cố gắng phấn đấu của giáo viên.

Nếu tính cả nước chỉ riêng ngành giáo dục mỗi năm học có cả hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm xếp loại đạt cấp Huyện trở lên.

Nhưng sau đó, những sáng kiến bị xếp xó, thậm chí là sau đó chỉ để bán đồng nát, ve chai mà hầu như không có ứng dụng gì cả, cũng như không mang lại hiệu quả gì.

Một số giáo viên hám danh, hám lợi sẵn sàng lợi dụng việc quen biết, xin xỏ hay thậm chí có nghi vấn để mua chuộc ban giám khảo,…để đạt được mục đích đạt sáng kiến kinh nghiệm để được khen thưởng mà không cần cố gắng gì cả.

Bên cạnh đó, ban giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng là một dấu hỏi lớn.

Có người chưa biết sáng kiến là gì, có người chưa từng viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được trưng dụng chấm sáng kiến kinh nghiệm giáo viên khác.

Có người không giữ được tâm trong sáng khi chấm, nhiều giám khảo liên kết với nhau khi chấm thì đa số những sáng kiến của ban giám khảo thì đạt hết, còn lại của giáo viên khác thì chấm đa số không đạt.

Nên giáo viên khác rất ngại khi viết sáng kiến kinh nghiệm, mà nói đúng ra giáo viên cũng không đủ trình độ để chấm sáng kiến kinh nghiệm chỉ dựa vào ý nghĩ chủ quan của mình để đánh giá thì khó mà khách quan.

Do đó, có rất nhiều giáo viên cuối năm dù rất cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thi đạt giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt nhiều (công sức bỏ ra rất lớn), trực tiếp nhiều phong trào văn nghệ, thể dục – thể thao hay bồi dưỡng nhiều học sinh đạt các phong trào của ngành, địa phương.

Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình...  cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm  ảnh 4Mỗi năm một sáng kiến mới sinh ra dối trá

Giáo viên luôn cố gắng cao để đạt những thành tích tốt nhất hay được đồng nghiệp, nhà trường đánh giá rất cao, học sinh yêu mến...

Nhưng, nếu không đạt hoặc không thực hiện sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên chỉ xếp mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở xuống.

Trong khi đó, một giáo viên “tàn tàn”, không có nỗ lực, không có thành tích gì nổi bật, cũng không gọi là giảng dạy tốt,…nhưng cuối năm đạt sáng kiến kinh nghiệm cho dù kinh nghiệm đó hầu như không áp dụng gì cả.

Hay thậm chí chép trên mạng hay lấy của đồng nghiệp nơi khác thì nghiễm nhiên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đương nhiên cuối năm nghiêm nhiên cuối năm xếp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và thậm chí còn được nâng lương trước niên hạn, được khen thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Đây là một bất công, bất cập rất lớn Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục, nhà trường và giáo viên đều biết và ngao ngán và phải làm theo nhưng sao Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tiếp thu, khắc phục để đánh giá đúng thực chất, năng lực, phẩm chất và những cống hiến của giáo viên.

Biết đến bao giờ việc xét chọn danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được trao cho người thật sự có tâm, có tầm và là người ưu tú nhất.

Một vài đề xuất…

Việc đánh giá giáo viên cả một quá trình hay trong một năm học bằng việc chỉ đạt kết quả sáng kiến kinh nghiệm thật sự đã không còn phù hợp trong giai đoạn mới, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Dù Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành thông tư 35/2015/BGDĐT.

Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình...  cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm  ảnh 5Sáng kiến kinh nghiệm chỉ nuôi lớn sự giả dối, lãng phí, Bộ còn giữ đến lúc nào?

Theo đó, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi hay bồi dưỡng học sinh giỏi hạng I, II, III cấp Tỉnh,…được tính như đạt sáng kiến kinh nghiệm đây là một trong những giải pháp tình thế hay có thể áp dụng được được nhưng đến nay không triển khai tại các đơn vị.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho kiểm tra việc thực hiện thông tư 35 ở các đơn vị và trả lời cho chúng tôi biết vì sao đến nay hơn 3 năm mà thông tư trên chưa được triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn hiện nay, với việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở tôi đề xuất nên giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và do các trường tự đưa ra chỉ tiêu, đánh giá, tín nhiệm,…để chọn ra các giáo viên ưu tú nhất, đạt các thành tích thật để xếp đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Do đó, số lượng giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong nhà trường là không nhiều, để lựa chọn người ưu tú nhất thì nên giao cho nhà trường.

Chỉ có nhà trường, giáo viên và học sinh mới đánh giá đúng, thực chất giáo viên là ưu tú hay không.

Tuy nhiên để đạt các danh hiệu cao hơn như: Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, Bộ hay Bằng khen Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thủ tướng chính phủ,…vẫn rất cần những sáng kiến kinh nghiệm thực chất.

Tôi đề xuất khi chấm sáng kiến kinh nghiệm trên phải do giáo viên trình bày trước hội đồng đánh giá, phản biện.

Khi chấm cần công khai, rộng rãi, nếu sáng kiến hay có thể mang lại hiệu quả tốt cho giảng dạy, giáo dục hay lợi ích về kinh tế có thể mua lại bản quyền và cho triển khai rộng rãi trong Tỉnh thậm chí cả nước,…với mục đích phổ biến rộng rãi những sáng kiến, những cải tiến ưu việt của giáo viên vào mục đích nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình...  cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm  ảnh 6Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Nếu phát hiện giáo viên nào “đạo”, sao chép sáng kiến hay cố tình “ăn cắp” sáng chế thì lập tức thu hồi các danh hiệu đã đạt được, xử lý nghiêm khắc giáo viên cố tình vi phạm vi phạm.

Việc làm trên không những tận dụng những sáng kiến, cải tiến tốt nhất của giáo viên trong cả nước mà còn khắc phục những tồn tại, bất cập của việc thực hiện đánh giá, triển khai sáng kiến như hiện nay.

Nếu sáng kiến phù hợp còn áp dụng được thì nên bảo lưu mà không phải thực hiện lại sáng kiến mới.

Huy động ý tưởng, trí tuệ, công sức của giáo viên giỏi, nhiệt tình trong cả nước nếu làm hiệu quả và đồng bộ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.

Những ý tưởng, sáng kiến của giáo viên nếu được trân trọng sẽ mang lại cú hích không chỉ trong việc giảng dạy mà còn góp phần vào việc thành công trong thực hiện phương pháp giáo dục tích cực trong giai đoạn hiện nay.

Bùi Nam