Trong bài báo "Thẩm định chương trình, viết sách giáo khoa: Còn nhiều việc để lo" đăng ngày 2/6/2018, Báo Tuổi Trẻ hỏi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới:
"Có thông tin nơi này, nơi khác đã chuẩn bị sẵn bộ sách giáo khoa mới để "đón trước" khi chương trình được ban hành?", Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời:
"Việc nghiên cứu, viết thử, tôi nghĩ là có. Tôi được biết có nhà xuất bản đang chỉ đạo làm một lúc 5 bộ sách.
Nhưng theo tôi hiểu, đây chỉ là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, tập dượt. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Nhưng khi chương trình chưa ban hành thì cho dù sách có viết ra cũng không đủ điều kiện thẩm định.
Kể cả có tổ chức, cá nhân nào nói là đã viết được sách từ lớp 1 đến lớp 12 thì đó vẫn không phải sách giáo khoa.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: Xuân Trung. |
Các bản thảo chỉ trở thành sách giáo khoa khi được hội đồng thẩm định thông qua và được bộ trưởng phê duyệt." [1]
"Cả làng toét mắt"
Cho đến giờ này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn không ai đưa ra được bằng chứng thuyết phục bác bỏ thông tin quý thầy tham gia viết sách giáo khoa cho công ty tư nhân khi đang làm nhiệm vụ:
"Hiện nay có tới 46/56 (80%) tác giả Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là tác giả biên soạn sách giáo khoa của Công ty."
"...(VEPIC đã) tổ chức cho tác giả biên soạn sách giáo khoa mới từ khi bắt đầu có Chương trình tổng thể đã ban hành và sau đó là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 9/2017)."
"...Đến nay, bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý."
Ông Thuyết, ông Thái và ông Tuấn có tên trong danh sách 46/56 tác giả ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong Công văn số 09/CV-VEPIC ngày 2/5/2018.
Ông Ngô Trần Ái xin Đoàn giám sát mấy phút để chiếu danh sách các tổng chủ biên viết sách giáo khoa cho VEPIC từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018 trong cuộc họp ngày 7/5/2018. Ảnh: GDVN. |
Câu trả lời Báo Tuổi Trẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mà chúng tôi dẫn trên đây đã hé lộ mấy vấn đề.
Thứ nhất, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã không tự tin khẳng định chính những gì mình đã và đang làm khi nói rằng "việc nghiên cứu, viết thử (sách giáo khoa), tôi nghĩ là có".
Bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 do Giáo sư làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên mà ông Ngô Trần Ái trình Đoàn giám sát hôm 7/5 là "chắc chắn có", chứ đâu còn "nghĩ là có"?
Thứ hai, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói rằng, ông biết có nhà xuất bản đang chỉ đạo làm một lúc 5 bộ sách (giáo khoa).
Chúng tôi xin bổ sung thêm, đó chính là nhà xuất bản mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã không dưới 3 lần vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo giao việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới của Bộ cho họ (chỉ định thầu) khi ông chưa làm Tổng chủ biên.
Đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Điều này được ghi rõ tại mục 1. Công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới, Thông báo Kết quả hội nghị định hướng kế hoạch năm 2018 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số 1369/TB-NXBGDVN ngày 13/10/2017:
VEPIC là sân sau của ai? |
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ trì tổ chức biên soạn, xuất bản 5 bộ sách giáo khoa mới:
(1) Bộ sách giáo khoa biên soạn bởi các tác giả khu vực miền Bắc do Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội làm đầu mối.
(Đây) là bộ sách giáo khoa ưu tiên số 1 và sẽ được sử dụng để tham gia đấu thầu dự án của Ngân hàng Thế giới.
(2) Bộ sách giáo khoa biên soạn bởi các tác giả khu vực miền Nam do Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định làm đầu mối.
Đây là bộ sách giáo khoa biên soạn theo hướng bám sát với đặc thù giáo dục và đào tạo của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
(3) Bộ sách giáo khoa theo mô hình trường học mới (VNEN) do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội làm đầu mối tổ chức biên soạn.
(4) Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do Trung tâm Công nghệ giáo dục làm đầu mối tổ chức biên soạn.
(5) Bộ sách giáo khoa do Công ty Cổ phần Sách giáo dục Hà Nội làm đầu mối tổ chức biên soạn.
Ông Vũ Bá Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội báo cáo Đoàn giám sát chiều 7/5, ảnh: Trọng Quỳnh / quochoi.vn. |
Điều này đã được ông Vũ Bá Khánh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, đơn vị phát hành sách VNEN tiếp tục khẳng định khi báo cáo Đoàn giám sát chiều 7/5/2018.
Theo thông báo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thành viên tại cuộc họp về biên soạn sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số 212/TB-NXBGDVN ngày 13/2/2018 thì:
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị tập trung mọi nỗ lực, ưu tiên để đẩy mạnh việc biên soạn sách các môn lớp 1, ngày 30/6/2018 biên soạn xong bản thảo và dạy thử tất cả các môn ở lớp 1.
Thông tin Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ, "có tổ chức, cá nhân nào nói là đã viết được sách từ lớp 1 đến lớp 12", đó chính là bộ sách VNEN (tên gọi mới: cùng học để phát triển năng lực).
Trong cuộc họp báo cáo Đoàn giám sát chiều 7/5, ông Vũ Bá Khánh cho biết:
Nếu bên VEPIC mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên môn Tiếng Việt - Ngữ văn, thì công ty ông mời Giáo sư Lê A, ông Thuyết và ông A đều đào tạo từ Nga (Liên Xô) về.
Cách biên soạn bộ sách VNEN mới (để tham gia thị trường sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014/QH13) cũng giống y chang những gì ông Ngô Trần Ái mô tả cách Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã làm;
Ông Vũ Bá Khánh thuật lại:
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
“Tất nhiên là hiện chúng tôi mới soạn theo chương trình giả định. Tới đây, khi bộ ban hành chương trình môn học, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp." [2]
Sách VNEN hiện hành chép lại sách giáo khoa hiện hành (còn gọi là sách giáo khoa 2000, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên môn Tiếng Việt, Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9).
Còn cách làm sách giáo khoa mới của VEPIC được ông Ngô Trần Ái gợi ý các tác giả, chưa có chương trình thì giả định một chương trình xem sao, lấy sách Tiếng Việt cũ (2000) ra soạn theo "phương pháp mới."
46/56 thành viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về đầu quân cho VEPIC, 10 người còn lại đi đâu về đâu?
Trong số này, ít nhất có Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, 1 trong 18 thành viên ban phát triển chương trình tổng thể (dự án RGEP gọi là Hội đồng kỹ thuật chính) làm tổng chủ biên cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ca dao Việt Nam có câu:
"Toét mắt là tại hướng đình,
Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu."
Chúng tôi nhận thấy, đối chiếu thực trạng làm sách giáo khoa hiện hành lẫn sách giáo khoa mới với câu ca dao nói trên, dường như có một sự "trùng hợp" lạ kỳ.
Nói cách khác, chẳng riêng gì VEPIC và nhóm Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn "cầm đèn chạy trước chương trình", mà các tổ chức cá nhân khác cũng vậy.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại phạm vào cái ông từng phàn nàn trên Báo Infonet về thói quen "đổ lỗi cho Quốc hội" khi ông giải thích những việc làm trái khoáy và không khác nhau bao nhiêu của các nhóm làm sách giáo khoa hiện nay, rằng:
"Nhưng theo tôi hiểu, đây chỉ là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, tập dượt. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng? |
Quốc hội đã tạo điều kiện tối đa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa, có thể giãn tiến độ đến 2 năm để làm cho tốt;
Chính quý Bộ, quý thầy khước từ thiện chí này của Quốc hội, mà vẫn khăng khăng phương án chỉ hoãn 1 năm.
Sao giờ thầy Thuyết lại nói "có như vậy mới đảm bảo tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra", chẳng phải là quý thầy đổ lỗi cho Quốc hội sao?
Quan trọng hơn, vấn đề nằm ở chỗ Sổ tay thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới đã quy định rõ:
Để tránh xung đột lợi ích, không một thành viên nào của Hội đồng kỹ thuật chính (ban phát triển chương trình tổng thể, 18 thành viên) được vừa tham gia xây dựng chương trình vừa biên soạn sách giáo khoa.
38 thành viên các Hội đồng kỹ thuật môn học (ban phát triển chương trình môn học) có thể tham gia viết sách giáo khoa sau khi đã hoàn thành công việc do Hội đồng kỹ thuật chính giao.
Như vậy cả thầy Thuyết, thầy Thái, thầy Tuấn, thầy Hùng cùng các thành viên "chưa bị lộ", nếu tham gia viết sách giáo khoa cho VEPIC, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại dự án RGEP, là trái với nguyên tắc tránh xung đột lợi ích nói trên.
Bình mới, rượu cũ
Ngày 28 tháng 12 năm 2014, đại biểu Quốc hội khóa 13 Hoàng Hữu Phước thuộc đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Mình, đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đề nghị:
"Tham chiếu Tờ trình tóm tắt số 407/TTr-CP ngày 15-10-2014 về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Xin kính trình bày ý kiến sau:
Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa |
1- Trong phần 4 Nhiệm Vụ và Giải Pháp, mục “c” về tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, tôi kính kiến nghị Bộ cân nhắc không mời tham gia biên soạn những vị đã từng tham gia biên soạn trước đây;
Vì thực tế minh chứng rằng các bộ sách trước đây đều có những khiếm khuyết khiến các chương trình cải cách giáo dục đều chưa đem lại kết quả mong muốn.
Đồng thời, tôi kính kiến nghị Bộ công khai danh sách:
a) Các vị sắp tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa cho Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, và
b) Các vị trong ban thẩm định công trình." [3]
Tuy nhiên, cho đến nay chẳng những dư luận không biết danh sách đầy đủ các vị tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các vị trong hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa 2000 và ai phải chịu trách nhiệm chính, mà ngay cả chương trình, sách giáo khoa mới củng chỉ có một vài gương mặt xuất hiện thường xuyên trên truyền thông;
Nhưng chắc chắn một điều, những "con chim đầu đàn" trong việc biên soạn chương trình mới, lại chính là những "gương mặt thân quen" tham gia biên soạn chương trình - sách giáo khoa 2000 vừa làm xong đã đòi thay, mà ông Hoàng Hữu Phước đã đề nghị không mời họ tham gia làm chương trình, sách giáo khoa mới.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng bình luận về chương trình 2000:
"Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [4]
Tất nhiên cho đến nay chẳng có ai bị "truy cứu" vì sự lãng phí gây ra cho ngân sách nhà nước, túi tiền người dân, đặc biệt là cơ hội của tuổi trẻ, của dân tộc do lần thay sách giáo khoa hiện hành gây ra.
Nhiều người từng đóng vai trò quan trọng trong việc thay sách giáo khoa năm 2000 tiếp tục tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới ở cương vị quan trọng hơn.
Riêng sách Ngữ văn 8, tập 2 của chương trình 2000 cũng đã có 3 vị hiện nay làm tổng chủ biên 3 bộ sách ngữ văn mới của VEPIC, HEID và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh chụp màn hình. |
Có điều, khi làm chương trình sách giáo khoa 2000, quý vị ấy "cùng hội cùng thuyền". Còn bây giờ làm chương trình, sách giáo khoa mới, mỗi người "phò" mỗi chủ.
Ngày 26/9/2014 Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, trong đó thầy nhận định:
"Xây dựng chương trình theo định hướng phát triển năng lực là cách tiếp cận mới đối với Việt Nam.
Năng lực của các nhà chuyên môn đóng vai trò quyết định đối với chất lượng chương trình.
Và chắc hẳn những người xây dựng chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm tập huấn và đào tạo lại cho giáo viên phổ thông.
Nhưng chính họ cũng phải được tập huấn và đào tạo lại." [5]
Quý thầy làm chương trình còn phải được "đào tạo lại" khi nhiều người đã ở tuổi nghỉ hưu, liệu các thầy có theo kịp? Ai sẽ "đào tạo lại" được quý thầy?
Những người đào tạo lại (Tây / chuyên gia quốc tế) có được chấm điểm sản phẩm của quý thầy không, hay lại chọn những người "ngoại đạo" về chương trình phát triển năng lực, đi thẩm định chương trình này?
Bởi lẽ, nếu những người ngồi ghế hội đồng thẩm định quốc gia chương trình tổng thể và các chương trình môn học đủ trình độ "thẩm định", thì có lẽ không cần mời chuyên gia tư vấn quốc tế để "đào tạo lại" người viết chương trình.
Nguồn:
[1]https://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm
[2]https://www.vietnamplus.vn/se-co-bo-sach-giao-khoa-vnen-theo-chuong-trinh-giao-duc-moi/459003.vnp
[3]https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/21/thu-goi-bo-truong-bo-giao-duc-dao-tao/
[4]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html
[5]https://tuoitre.vn/sach-giao-khoa-moi-nen-ban-dau-gia-ban-thao-650965.htm