LTS: Tham gia vào việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới.
Ông muốn trình bày một số suy nghĩ xung quanh việc biên soạn sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp liên môn từ góc độ môn Ngữ văn.
Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Chương trình mới không đặt ra vấn đề tích hợp môn Ngữ văn với các môn khác ở cấp độ chương trình hay cấp độ môn học để tạo thành môn học mới như đối với Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội / Lịch sử và Địa lí.
Mà môn học này cần sử dụng một tỉ lệ nhất định các văn bản thông tin về các vấn đề tự nhiên và xã hội.
Vì vậy, việc sử dụng các văn bản viết về các vấn đề tự nhiên và xã hội vừa phù hợp với định hướng đổi mới của môn học, vừa tăng cường khả năng kết nối môn Ngữ văn với các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Khi sử dụng các văn bản như vậy, học sinh không chỉ rèn luyện năng lực đọc hiểu, viết, trình bày, thảo luận như những năng lực cốt yếu của môn Ngữ văn mà còn biết cách vận dụng các khái niệm, thuật ngữ và thông tin được học từ các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vào hoạt động giao tiếp trong giờ học Ngữ văn.
Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Để làm được điều này, các tác giả sách giáo khoa, nhất là sách Tiếng Việt ở Tiểu học, khi lựa chọn văn bản thông tin để dạy đọc hiểu và tạo kiến thức nền cho học sinh viết, nói và nghe, cần tham khảo nội dung dạy học của các môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội để có một số văn bản “đồng hướng” về đề tài, thể loại, giúp tăng cường khả năng kết nối, tích hợp giữa môn Tiếng Việt (Ngữ văn) với các môn khác.
Ngoài ra, trong các tác phẩm văn học thường có những nhân vật, sự kiện, tình huống có liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi quan tâm của các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chẳng hạn ước mơ của nhân vật về cuộc sống ở một hành tinh xa xôi; bi kịch của nhân vật sau một thảm họa thiên nhiên; quan niệm của nhân vật, một tay buôn động vật hoang dã, về thế giới loài vật,…
Những vấn đề “đồng hướng” như vậy tạo ra cơ hội cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên mở rộng, liên hệ câu chuyện trong tác phẩm văn học với những kiến thức, thông tin mà học sinh có được từ các môn học khác.
Về phía các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mục đích dạy học cũng không phải chỉ giới hạn trong phạm vi các kiến thức và kĩ năng đặc thù của môn học.
Chương trình và sách giáo khoa các môn học này cần có những yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết và phương tiện giao tiếp đa phương thức (multimodal literacy).
Khi học các môn khoa học, học sinh cần có khả năng tìm kiếm và đánh giá các nguồn thông tin, dữ liệu; biết phân biệt nguồn thông tin, dữ liệu nguyên cấp và thứ cấp (primary and secondary sources);
Và biết tổ chức, sử dụng, thể hiện các thông tin và dữ liệu trong một báo cáo khoa học hay bài thuyết trình; biết mô tả, giải thích, tường thuật hay trình bày qui trình thực hiện và kết quả của một thí nghiệm hay khảo sát.
Học sinh cũng cần hiểu và sử dụng chính xác các thuật ngữ.
Với yêu cầu này, sách giáo khoa các môn khoa học và giáo viên cần chú ý giải thích các thuật ngữ khó, mới xuất hiện trong văn bản.
Sách giáo khoa các môn như Lịch sử hay Địa lí hiện hành có phụ lục ở cuối sách, giải thích nghĩa của các thuật ngữ.
Cách làm này không thực sự hiệu quả. Học sinh ít khi sử dụng những phụ lục này.
VNEN chưa xong lại đến chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên khó xoay sở |
Trong sách giáo khoa mới nên giải thích các thuật ngữ ngay bên lề sách, gần vị trí mà thuật ngữ xuất hiện để học sinh tiện theo dõi và có ý thức về sử dụng thuật ngữ.
Giáo viên cần coi việc giải thích kĩ lưỡng các thuật ngữ là cách giúp học sinh hiểu chính xác nội dung bài học, vì vậy là một phần tất yếu của hoạt động dạy học.
Và cần tạo điều kiện để học sinh có cơ hội tự dùng được những thuật ngữ đã học thông qua trao đổi, thảo luận.
Ngoài hệ thống thuật ngữ, văn bản trong mỗi chuyên ngành khoa học còn có những đặc trưng về cấu trúc ngữ pháp và cấu trúc văn bản, về cách sử dụng các phương tiện giao tiếp đa phương thức như hình ảnh, kí hiệu, biểu đồ, đồ thị, bản đồ, số liệu thống kê,…để biểu đạt các thông tin và ý tưởng.
Sách giáo khoa và giáo viên cần có những hướng dẫn để học sinh biết đọc và viết phù hợp với những đặc trưng đó.
Ngoài ra, việc mở rộng mục tiêu môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, bao gồm cả năng lực giao tiếp đa phương thức còn là cơ hội để tích hợp việc phân tích ngôn ngữ trong môn Ngữ văn với hình ảnh, đường nét, màu sắc trong môn Mĩ thuật.
Ví dụ, phân tích hiệu quả tác động “cộng hưởng” của bài thơ về chú chó ở Trường Sa và bức hình đi kèm vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 8 năm 2016 sẽ thấy được phần nào khả năng tích hợp này.
Nhìn thấy tấm ảnh những chú chó ở Trường Sa quyến luyến với người chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự rời đảo trở về đất liền của cựu chiến binh Lê Bá Dương, anh Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, Khánh Hòa) đã xúc động làm bài thơ “Bơi vào đi” và đưa lên trang cá nhân của mình.
Tấm ảnh những chú chó ở Trường Sa quyến luyến với người chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự rời đảo trở về đất liền của cựu chiến binh Lê Bá Dương |
Nội dung bài thơ như sau:
Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng…
Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…
Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày mất ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về.
Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.
Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay.
Về đi mày, đừng bơi nữa, mắt cay…
Thực sự, khi bức ảnh kèm theo với “cấu trúc ngữ pháp” riêng của nó đã thực sự làm cho hiệu quả biểu cảm tăng lên nhiều lần.
Nhân vật trong bức ảnh: Hai con chó vàng (có lẽ là giống chó thuần Việt) và những người lính xong nghĩa vụ (đội mũ cối bộ đội).
Hình người lính có kích cỡ to nhất cho nên là một điểm nổi bật trong bức ảnh, tuy nhiên lại đặt ở vị trí bên lề, do đó không phải là trung tâm. Nằm ở vị trí trung tâm chính là hai con chó và đồn gác ở phía sau.
Tiết lộ cấu trúc sách giáo khoa môn Ngữ văn trong chương trình mới |
Bối cảnh: Giữa biển, gần một hòn đảo có bộ đội đóng quân (do phía xa nhìn thấy cờ Việt Nam), thời gian là ban ngày.
Màu sắc chủ đạo: Màu vàng của con chó trên nền xanh của nước biển, làm cho hình ảnh hai con chó trở nên rất nổi bật.
Hoạt động: Hai con chó bơi và nhìn theo những người lính, những người lính ngồi trên thuyền, ngoái đầu lại nhìn hai con chó.
Vị trí đặt máy ảnh: Hai con chó được chụp ở vị trí thấp hơn hẳn so với người cầm máy, tôn thêm vị thế yếu đuối, đáng thương của nó.
Tiếp xúc: Mắt hai con chó nhìn trực tiếp vào người lính, nó có vẻ như đang không muốn rời xa người lính.
Tiêu điểm: Người xem có cảm giác mình chính là nhân vật người lính trong bức ảnh và giao tiếp trực tiếp với con chó, đồng cảm với cảm xúc của nhân vật người lính trong bức ảnh.
Con chó ở gần thuyền có ánh mắt tiếp xúc trực tiếp với con người, bày tỏ sự thân mật và tình cảm của chó đối với người.
Con chó ở phía xa thuyền rướn cao đầu lên để cố gắng tiếp xúc gần hơn với con người vì nó ở vị trí xa hơn nhiều.
Đánh giá: Mắt con chó nhìn người trông rất buồn, có cái gì đó như rất tuyệt vọng.
Nội dung bài thơ và các chi tiết trong bức ảnh hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau như các thành tố của một chỉnh thể. Khó có thể nói bài thơ giải thích cho bức ảnh hay ngược lại, bức ảnh minh họa cho bài thơ.
Chương trình Ngữ văn của nhiều nước hiện nay coi khả năng phân tích hình ảnh cũng là một phần quan trọng của năng lực giao tiếp, cần được chú ý hình thành và phát triển trong môn Ngữ văn.
Việc xác định năng lực giao tiếp như một năng lực cốt lõi, xuyên môn theo nghĩa rộng của nó, bao gồm cả năng lực giao tiếp đa phương thức trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ góp phần tăng thêm khả năng kết nối, tích hợp giữa môn Ngữ văn với các môn học khác.