Kết thúc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, nhiều chuyên gia nhận định, đề thi môn Toán khó, không phù hợp.
Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, muốn biết đề thi chuẩn hóa và phân hóa tốt hay chưa thì phải chờ đến khi công bố phổ điểm mới có đủ cơ sở.
Cũng theo ông Khuyến, đây là năm thứ 2 môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang trong quá trình nỗ lực đổi mới thi cử nên rất cần sự điềm tĩnh, công tâm, khách quan từ dư luận trong mọi đánh giá, đặc biệt là khâu ra đề thi.
Tuy vậy, ông Khuyến cũng thừa nhận, với một kỳ thi “2 trong 1”, vừa để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học, việc đề thi đảm bảo được hoàn toàn tuyệt đối cho cả 2 mục tiêu sẽ khó.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, muốn biết đề thi chuẩn hóa và phân hóa tốt hay chưa thì phải chờ đến khi công bố phổ điểm mới có đủ cơ sở. (Ảnh: Thùy Linh) |
Do vậy, ông Khuyến cho rằng, Bộ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi, đặc biệt là khâu thử nghiệm độ khó, dễ của đề thi.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào đề thi được thử nghiệm trên một số lượng học sinh đủ lớn, đối tượng học sinh đa dạng và nội dung đề thi được dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra của học sinh trung học phổ thông thì đề thi mới có thể đạt được mức độ chuẩn hóa.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Toán, trao đổi với phóng viên, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội đánh giá, đề thi môn Toán có phân hóa mạnh hơn so với năm 2017.
Về cấu trúc, đề thi có 20% kiến thức lớp 11 và 80% kiến thức lớp 12. Một số câu được thiết kế giao thoa cả hai khối lớp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thi quốc gia 2018 nghiêm túc, nhẹ nhàng và thành công |
Về nội dung tương tự cấu trúc đã công bố ở đề tham khảo, mức độ phân hóa với tỉ lệ 60 + 40 (6đ + 1 đ + 1đ + 2đ).
Trong đó, 6 điểm đầu tiên ở mức độ dễ, dùng để xét tốt nghiệp (30 câu đầu) ở mức cần nhận biết, thông hiểu.
Học sinh nắm vững kiến thức và bản chất vấn đề có thể hoàn thành một cách nhanh chóng trong khoảng 45 – 60 phút. 4 điểm tiếp theo ở mức độ khó, nhằm mục tiêu xét tuyển vào đại học (20 câu tiếp) ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, yêu cầu học sinh có tư duy và kĩ năng tốt.
Đề thi có 10 câu khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn nhiều cho học sinh.
Theo thầy Tùng, so với đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó, mức độ khó tăng lên.
So với đề thi năm 2017, độ khó cũng tăng lên (cấu trúc của đề năm 2017 là 70 + 30, chỉ có khoảng 5 câu thực sự khó, khoảng 15 câu bấm máy tính ra đáp số, rất nhiều câu có thể thử lại đáp án).
Thầy Tùng dự đoán điểm thi năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017. Học sinh trung bình được khoảng 5 điểm. Học khá được khoảng 6 điểm. Học sinh giỏi khoảng 7, 8 điểm. Điểm 9 không nhiều và điểm 10 sẽ rất hiếm.
Trước đó, trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi, Tiến sĩ Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay độ khó của đề thi phải căn cứ nội dung. Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng quy định và những gì đã thông báo tới giáo viên, học sinh.
Theo thầy Thiên Ấn, kì thi quốc gia “hai trong một” thế là ổn |
Tất cả nội dung nằm trong chương trình lớp 12 và 11, trong đó kiến thức lớp 12 chiếm 80%-85%, lớp 11 chiếm 15%-20%. Nội dung hoàn toàn không vượt quá chương trình các em được học.
Cấu trúc đề thi, vẫn gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao.
Năm 2018 đề thi phải được phân hóa theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia. Vì vậy, nếu so sánh với năm 2017, độ khó tăng lên "là điều hiển nhiên vì nội dung kiến thức mở rộng thêm lớp 11".
Cũng theo ông Hồng, một lý do khác khiến thí sinh thấy đề khó hơn, đó là năm 2017 công bố đề thử nghiệm và tham khảo nên các em được tập luyện nhiều hơn.
Năm nay, Bộ chỉ ra đề tham khảo để học sinh biết cấu trúc đề như thế nào.