LTS: Từ câu chuyện của gia đình người bạn thân thiết, chia sẻ về tâm lý của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh sau khi không đạt được kết quả tốt trong kì thi trung học phổ thông quốc gia, tác giả Thảo Ly đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cả mấy gia đình đã đặt xe, đã chuẩn bị cho một chuyến du lịch ngắn ngày ở một địa điểm khá lý tưởng để thư giãn, nạp thêm năng lượng sau một năm làm việc, học tập vất vả (theo cách nói của mọi người).
Thế mà sáng nay, nhà chị Minh lại xin vắng mặt “chương trình đi dã ngoại lần này, nhà em xin rút. Mong các anh chị thông cảm cho”.
Mới nghe thế, nhiều người đã lên tiếng phản ứng: “Không được! Mọi thứ đã chuẩn bị cả rồi, xe cũng đã thuê, đồ ăn nhậu cũng đã đủ. Nay vắng một nhà đi chơi cũng mất vui”.
Mặc cho mọi người phản đối, chị Minh vẫn không hề lay chuyển.
Tôi biết gia đình chị chắc có chuyện không vui nên mới thế.
Bởi chuyến đi chơi này do nhà chị khởi xướng. Chị cũng là người nhiệt tình hăng hái nhất trong việc chuẩn bị, lo toan. Vậy mà…
Trước sự truy hỏi của đám bạn về nguyên nhân, chị Minh đành lên tiếng:
“Con bé Linh nhà em thi làm bài không tốt. Mấy hôm nay, anh ấy suốt ngày rượu bia về mắng chửi con.
Con bé buồn chán, xấu hổ nên đóng cửa nằm bẹp suốt ngày trong phòng. Nhà em từ bữa con đi thi về cứ buồn như đưa đám thì còn lòng dạ nào mà đi chơi”.
Nghe thế, anh Hùng lên tiếng “cháu nó cũng đã cố gắng hết sức, lẽ ra cô chú nên động viên cháu thì lại quay qua sỉ vả con. Không thấy biết bao bi kịch xảy ra sau mùa thi đó sao?”.
Lời nói của anh Hùng như thước phim tái hiện lại câu chuyện đau lòng nhiều năm về trước đã xảy ra với gia đình một người bạn học cũ.
Cũng vì sĩ diện khi con luôn được mọi người ca tụng là học giỏi, là tấm gương để nhiều bạn bè học tập noi theo.
Thế nên, khi cô bé trượt nguyện vọng 1 trong kỳ thi đại học đã phải hứng chịu những trận “tổng sỉ vả” mỗi ngày từ chính ba mẹ.
Phải hứng chịu những ánh mắt tò mò, những lời đàm tiếu sau lưng. Và một phần cũng do thất vọng và buồn chán chính bản thân mình nên cô bé đã không thể vượt qua cú sốc ấy.
Em đã tìm đến cái chết để lại sự đớn đau, ân hận và nuối tiếc cho ba mẹ em suốt đời.
Nếu kết quả bài thi không tốt thì vẫn còn rất nhiều con đường để lập nghiệp. ảnh minh họa: TTXVN. |
Buồn, thất vọng vì con thi trượt đại học nhưng không phải phụ huynh nào cũng có cách xử sự khéo léo ít gây tổn thương cho các em.
Một số phụ huynh còn vì lòng sĩ diện của bản thân nên tỏ ra tức giận quay sang mắng chửi, chì chiết con suốt ngày.
Họ không chấp nhận việc “con mình học giỏi sao phải học trường đại học tư” mà không chịu hiểu rằng có nhiều học sinh thành danh sau này đều có khởi đầu học tập khá thấp.
Lớp học của tôi thời phổ thông vốn là lớp chuyên Toán của một trường trung học phổ thông khá nổi tiếng của thị trấn.
Sau 30 năm gặp lại ở buổi họp lớp gần đây, điều làm chúng tôi khá bất ngờ là những bạn thành công nhất lại không phải là những học sinh giỏi, học sinh thuộc tốp đầu của lớp.
Điển hình nhất là cậu bạn có tên là Th. Nói về lực học, bạn đứng gần cuối lớp chuyên.
Kỳ thi đại học năm ấy, Th. không vào được đại học nên đi học trung cấp. Ra trường, vừa đi làm cậu vừa học thêm để lấy bằng đại học.
Ai cũng phải cảm phục sự chịu khó, kiên cường của Th. Giờ thì Th đã trở thành giáo sư có tên tuổi, phó tham mưu ở một bộ ngoài trung ương.
Ngược lại, một số bạn đậu đại học chính quy lúc ấy, nay cũng chỉ là một công chức “làm công ăn lương” bình thường hay là một giáo viên trường làng.
Một học sinh đã từng nói với tôi: “Em chỉ mới 18 tuổi thôi! Cuộc đời của em hãy còn dài phía trước. Rồi em sẽ nhận ra trượt đại học chẳng có gì là to tát lắm đâu.
Cánh cửa đại học khép lại nhưng nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra và đến với em, chỉ cần em đủ mạnh mẽ, đủ quyết tâm và nghị lực để đối diện với nó.
Đáp án đề thi chỉ có một, nhưng đáp án cuộc đời em lại rất nhiều. Và em chính là người phải nắm chắc trên tay chìa khóa thành công của cuộc đời đó bằng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng.
Em sẽ luôn khắc ghi, trượt đại học không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời, mà đơn giản nó chính là dấu ba chấm để tiếp tục chặng đường dài sau đó…”.
Ước gì ai cũng hiểu được như em sẽ ít có nỗi buồn, sự bi thương, ít nước mắt rơi sau kỳ thi trọng đại ấy.