Người tố cáo mòn mỏi chờ công lý
“Tại sao sự việc rành rành như vậy nhưng thanh tra đến giờ vẫn chưa có kết quả…hả em?” – bà Phạm T.T.A – Giáo viên trường Trung học Phổ Thông Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội mở đầu câu chuyện với phóng viên bằng câu hỏi buồn như vậy!
Nhìn vào ánh mắt của bà T.A cho thấy sự mòn mỏi của một trí thức đau đáu, dám đấu tranh để giữ gìn môi trường học đường trong sáng, lành mạnh không có tiêu cực.
Dường như sau thời gian dài chờ thông tin từ Thanh tra Thành phố Hà Nội thì niềm tin trong bà với cấp trên đã vơi đi rất nhiều.
Đã hơn 6 tháng trôi qua, đơn thư của bà Phạm T.T.A vẫn chưa có kết luận (ảnh do bạn đọc cung cấp). |
Theo phản ánh của bà Phạm T.T.A, đơn thư tố cáo ông Nguyễn Thế Hưng Hiệu trưởng Trường Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thụ lý giải quyết tố cáo vào ngày 9/1/2018 nhưng đến nay ngày 9/7 bà vẫn chưa nhận được kết quả.
Trong khi, quy định thời hạn giải quyết tố cáo tại Điều 21, Luật Tố cáo (2011), thì thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo;
Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
“Tôi lo lắng lắm, vì mãi không có kết quả thanh tra. Không lẽ nào người ta bưng bít…?” – bà Phạm T.T.A lo lắng không yên.
Câu chuyện đấu tranh chống tiêu cực của bà Phạm T.T.A đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh trong bài viết:"Chuyện buồn ở Phạm Hồng Thái, ngôi trường có bề dày truyền thống ở Thủ đô" và “Phản đối thanh tra, giáo viên tiếp tục tố cáo Hiệu trưởng trường Phạm Hồng Thái”.
Theo đó, bà Phạm T.T.A đã tố ông Nguyễn Thế Hưng - Hiệu trưởng nhà trường không thực hiện đầy đủ chính sách đối với giáo viên như vấn đề khám sức khỏe định kỳ hàng năm;
Chỉ đạo tổ chức dạy thêm và học thêm trái quy định;
Hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014 cùng nhiều nội dung liên quan đến công tác nhân sự khác.
Những tưởng vụ việc này sẽ nhanh chóng đi đến hồi kết thì đến 11/2017, bà Phạm T.T.A lại tiếp tục phản ánh về kết quả giải quyết tố cáo của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở) ký vì kết luận chưa chính xác.
Phản đối thanh tra, giáo viên tiếp tục tố cáo hiệu trưởng trường Phạm Hồng Thái |
Theo đó, bà Phạm T.T. A. tiếp tục có ý kiến lên cấp Thành phố về việc Hiệu trưởng Nguyễn Thế Hưng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp từ năm 2011 đến năm 2014.
Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường không đúng quy định.
Quản lý cơ sở vật chất và tài sản không đúng quy định.
Những bằng chứng biết nói
Ở nội dung đơn thư mà bà Phan T.T.A phản ánh về việc ông Nguyễn Thế Hưng, tổ chức chỉ đạo thực hiện việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường không đúng quy định, bà Phạm T.T. A đã cung cấp cho phóng viên hồ sơ thu tiền chuyên đề của lớp 10D6, năm học 2012-2013 - một minh chứng cho việc dạy thêm trá hình có thu tiền.
Trong đó có ghi chữ ký nhận tiền 2.889.000 đồng của cô Hoàng A. giáo viên dạy Toán, chữ ký nhận 2.889.000 đồng của cô Ng. dạy tiếng Anh.
Mới đây, ngày 7/7, bà Phạm T.T.A đã cung cấp thêm cho phóng viên bản khai ký nhận của 5 giáo viên thừa nhận việc tham gia tổ chức dạy chuyên đề có thu tiền trong các năm học 2012 – 2013; 2013 – 2014; 2014 – 2015;
Đây là những bằng chứng thuyết phục cho thấy trường Phạm Hồng Thái có tổ chức dạy thêm trá hình dưới hình thức dạy chuyên đề thu tiền trong các năm học 2012 đến 2015.
Chuyện buồn ở Phạm Hồng Thái, ngôi trường có bề dày truyền thống ở Thủ đô |
Về nội dung tố cáo Hiệu trưởng chỉ đạo ngầm việc tổ chức đưa học sinh khối 10 mới tuyển sinh học tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 33 Linh Lang (tháng 7,8 năm học 2015 – 2016) và tại trường Trung học Cơ sở Thăng Long (tháng 7,8 năm học 2016 – 2017), bà Phan T.T.A đã cung cấp cho phóng viên bản viết xác nhận của nhiều học sinh học tập tại trung tâm này.
Theo đó, sau khi nhập học vào lớp 10, các em đã tham gia học các môn toán, hóa, lý do giáo viên trong trường Phạm Hồng Thái trực tiếp dạy học tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Cao, ở 33 Linh Lang, Hà Nội.
Một giáo viên cũng thừa nhận được phân công giảng dạy tại Trung tâm này và nhận 40% tổng số tiền thu trên tiết dạy.
Qua các bằng chứng cho thấy, nội dung tố cáo ông Nguyễn Thế Hưng có chỉ đạo ngầm trong việc tổ chức đưa học sinh khối 10 mới tuyển sinh vào học tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Cao – 33 Linh Lang và tại Trường Trung học Cơ sở Thăng Long là có cơ sở xác đáng.
Hiện đã có giáo viên và học sinh đã thừa nhận được học và dạy ở hai trung tâm này với nhiều dấu hiệu cho thấy có tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp từ việc đưa học sinh mới nhập học vào lớp 10, cùng giáo viên trong Trường Phạm Hồng Thái ra Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Nguyễn Cao và Trường Trung học Cơ sở Thăng Long.
Trong bối cảnh phát sinh nhiều bất cập liên quan đến đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục như tham nhũng vặt, gian dối, phe cánh… thì đơn thư của bà Phạm T.T.A cần thiết phải được đi đến tận cùng đúng sai để trả lại sự trong sạch cho môi trường sư phạm.