Trong bài báo, "Chuyện buồn ở Phạm Hồng Thái, ngôi trường có bề dày truyền thống ở Thủ đô" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi phản ánh đơn thư của bà Phạm Thị Tú A. (người tố cáo xin được giấu tên) - giáo viên trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) tố cáo ông Nguyễn Thế Hưng - Hiệu trưởng nhà trường.
Trong bài viết đề cập việc bà Phạm Thị Tú A. tố cáo lãnh đạo nhà trường không thực hiện đầy đủ chính sách đối với giáo viên như vấn đề khám sức khỏe định kỳ hàng năm;
Chỉ đạo tổ chức dạy thêm và học thêm trái quy định;
Hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014 cùng nhiều nội dung liên quan đến công tác nhân sự khác.
Bà Phạm Thị Tú A. cam kết những tố cáo của mình đúng sự thật (ảnh Trinh Phúc). |
Mới đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được đơn thư khiếu nại và tố cáo của bà Phạm Thị Tú A. về vụ việc này.
Bà Phạm Thị Tú A. cho rằng, sau 9 tháng kể từ khi gửi đơn tố cáo những sai phạm của ông Nguyễn Thế Hưng, ngày 16/11/2017 bà nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở ký).
Trong đơn thư, bà Phạm Thị Tú A. cho rằng, kết quả giải quyết đơn tố cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là chưa chính xác.
Theo đơn thư, bà Phạm Thị Tú A. chỉ đồng ý với nội dung thứ nhất là: “Không tổ chức và thực hiện đúng quy định về chế độ, chính sách cho cán bộ giáo viên trong nhà trường mà cụ thể là “Không khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ giáo viên 2 năm học 2014- 2015; 2015-2016” – Thanh tra sở kết luận nội dung tố cáo đúng.
Chuyện buồn ở Phạm Hồng Thái, ngôi trường có bề dày truyền thống ở Thủ đô |
Còn lại, bà Phạm Thị Tú A. cho rằng, tất cả các nội dung tố cáo trong đơn thư bà đã đưa ra đầy đủ các bằng chứng thế nhưng thanh tra Sở vẫn kết luận: “Nội dung tố cáo sai”, “Nội dung đơn tố cáo không có cơ sở”…
Chính vì lẽ đó mà bà Phạm Thị Tú A. tiếp tục có ý kiến về việc, ông Nguyễn Thế Hưng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp năm 2011 đến năm 2014.
Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường không đúng quy định.
Quản lý cơ sở vật chất và tài sản không đúng quy định (cho thuê cơ sở vật chất của nhà trường để gửi ô tô...).
Kèm theo đơn thư, bà Phạm Thị Tú A. còn cung cấp cho phóng viên hồ sơ thu tiền chuyên đề của lớp 10D6, năm học 2012-2013 - một minh chứng cho việc dạy thêm trá hình có thu tiền.
Trong đó có ghi chữ ký nhận tiền 2.889.000 của cô Hoàng A. giáo viên dạy Toán, chữ ký nhận 2.889.000 của cô Ng. dạy tiếng Anh.
Sổ ghi tiền thu chi học chuyên đề do bà Phạm Thị Tú A cung cấp (ảnh Trinh Phúc). |
Một bảng phân phối chương trình dạy hè của Trung tâm bồi dưỡng Văn hóa Nguyễn Cao, ở 33 Linh Lang của học sinh lớp 9 vào lớp 10 trong năm học 2015-2016.
Cùng bảng lương tháng 01 năm 2014 có chữ ký nhận tiền của ông Nguyễn Thế Hưng.
Trong bối cảnh phát sinh nhiều bất cập liên quan đến đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục như tham nhũng vặt, gian dối, phe cánh… thì đơn thư của bà Phạm Thị Tú A. cần thiết phải được đi đến tận cùng đúng sai để trả lại sự trong sạch cho môi trường sư phạm.
Thiết nghĩ, bản thân người tố cáo - bà Phạm Thị Tú A. là giáo viên trong trường, vị trí yếu thế, phải đấu tranh trong thời gian dài nên luôn chịu nhiều áp lực đè nén. Chính vì vậy đơn thư trên cần thiết phải được xử lý một cách tường minh, kịp thời.
“Một nữa sự thực sẽ không còn là sự thực”, trong khi những bằng chứng mà bà Phạm Thị Tú A. cung cấp chi tiết, có căn cứ vậy tại sao việc đi tới tận cùng sự thật lại khó như vậy?