LTS: Tháng Sáu mùa thi đã trôi qua nhưng vẫn đủ để khơi gợi những kỷ niệm của một thời học sinh.
Trong bài viết này, bạn đọc Đào Vân Việt chia sẻ những cảm xúc suy nghĩ cá nhân về sự trung thực của các kỳ thi.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong ký ức của cậu bé lên 10, tôi không bao giờ quên kỳ thi tốt nghiệp cấp I của mình (mà bây giờ gọi là tiểu học).
Một ngày sát kỳ thi, thầy hiệu phó vỗ vào vai tôi khi đang đứng ngoài hành lang lớp học.
Thầy dặn dò, nhắn nhủ tôi rằng trong kỳ thi sắp tới, cố gắng giúp đỡ các bạn bên cạnh càng nhiều càng tốt.
Có thể là bảo bài hoặc cho các bạn chép bài gì đấy với hết mức có thể.
Ái chà, tự hào ra phết đấy! Tận thầy hiệu phó phải đích thân nhờ mình “giúp” các bạn cơ mà.
Mà giúp các bạn nghĩa là giúp trường. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà chắc còn một số bạn được thầy “gửi gắm” niềm tin như thế.
Mong lắm những mùa thi nghiêm túc, những mùa thi làm người. Ảnh mang tính minh hoạ: hutech.edu.vn |
Khi đủ lớn thêm vài tuổi nữa, dù vẫn là trẻ con, nhưng tôi bỗng lờ mờ nhận ra có lẽ cái việc làm trước đây của ông thầy hiệu phó có cái gì đó rất xấu xa.
Đó là sự gian dối. Và chính tôi đã ngây thơ góp công cho sự gian dối đó.
Phải rồi, chính các thầy cô giáo, chính mái trường đã dạy chúng ta phải biết trung thực cơ mà, vậy mà sao lại gian dối vậy?
Có lẽ những bài học về đạo đức chỉ là “trò vui” nói cho có, chứ thực tế cuộc đời đâu có hay ho như trang sách.
Lên cấp II, hầu như trước một kỳ thi học kỳ nào, chúng tôi thường được các thầy cô giáo tổ chức các buổi dạy thêm phụ đạo, để “tự tin” hơn trong thi cử. Tất nhiên là phải đóng tiền.
Thực chất của những buổi phụ đạo ấy là những buổi giới hạn tối đa nội dung ôn thi, hoặc giải bài mẫu tương tự như bài kiểm tra sắp tới.
Nếu là các môn có công thức như Toán, Lý, Hóa, thì hôm thi chỉ việc thay con số là “ngon lành”. Các môn xã hội thì đã được giới hạn hết mức có thể.
Nếu không, hôm thi cũng được “làm ngơ” cho chép bài.
Nhà trường buộc chỉ tiêu cứng nhắc, sao có thể “chống bệnh dối trá”? |
Những người học dốt mà đi phụ đạo cũng “ngon ơ”, học khá mà không đi phụ đạo, không khéo cũng méo mặt.
Để được điểm cao mà học hành nhàn hạ, chẳng dại gì mà không đi phụ đạo.
Kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp II ấy, khá nhiều thầy cô giáo bộ môn “mách lối”, chỉ đường cho chúng tôi cách coi cóp ra sao, dùng tài liệu thế nào để không bị phát hiện.
Đặc biệt, các thầy cô còn dặn dò rất kỹ về tính bản lĩnh và lòng “gạn dạ”.
Đó là học sinh chúng tôi nếu có mang tài liệu trong người, thì đừng dại gì mà bỏ ra khi có giám thị phát hiện, vì cứ yên tâm là không ai được khám người khác cả.
Đừng sợ giám thị “dọa” mà “non gan” bỏ tài liệu ra. Vì đó là quyền bất khả xâm phạm của con người.
Tôi thấy buồn kinh khủng. Không phải vì không được hiệu phó nhà trường “nhờ vả” như hồi cấp I, mà là sự sụp đổ niềm tin ở tuổi mới lớn về những giá trị đạo đức xã hội.
Không chỉ là buồn, mà đó là nỗi thất vọng xót xa cho sự gian dối.
Và lúc đó, tôi đã lờ mờ nhận ra nhưng năm tháng tiếp theo của cuộc đời, mình sẽ phải đối diện, phải sống trong một xã hội gian dối và giả tạo còn hơn như thế rất nhiều.
Một xã hội gian dối mà có thể nó có bắt nguồn không nhỏ từ giáo dục. Từ những kỳ thi mà sự trung thực, nghiêm túc hầu như rất thấp.
Cứ thế bước lên những môi trường giáo dục cao hơn, sự gian dối cũng chẳng khác đi là mấy.
Xung quanh trường luôn đầy ắp những quán photocopy tài liệu với muôn vàn kiểu dáng kích thước.
Hầu như rất hiếm khi có một kỳ thi nào đó nghiêm túc.
Cái điều mà tôi rất khát khao.
Cái khát khao không chỉ vì sự công bằng cho thi cử, mà quan trọng hơn là niềm hy vọng ước mơ về một xã hội trung thực mà mình được sống.
Nhưng có lẽ các thầy cô giáo và bạn bè của tôi chẳng mấy ai quan tâm đến điều đó.
Tất cả đều coi đó như là một sự thường tình của “thời đại mới”. Cái xã hội này nó đương nhiên phải thế!
Một cô giáo dạy văn thời phổ thông của tôi rất xinh, cô cũng làm chủ nhiệm của lớp tôi nữa.
Nếu phải chọn 5 giáo viên ấn tượng, kính mến và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong những tháng năm đến trường của mình, với hàng trăm thầy cô giáo khác, có lẽ tôi sẽ chọn cô.
Bởi cô có phong thái sư phạm rất tuyệt, và giảng văn cũng rất hay nữa.
Tôi vẫn luôn ấp ủ dự định một ngày nào đó sẽ đến thăm cô. Dù có thể khi cô đã nghỉ hưu, và dù đó chẳng phải là Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sau này biết tin cô được tín nhiệm làm hiệu trưởng, tôi mừng lắm.
Không phải mừng người thầy, người cô mình ngưỡng mộ, yêu kính “thăng quan tiến chức”, mà mừng vì sẽ có nhiều lớp học trò được dẫn dắt bởi một nhà sư phạm tài đức.
Giáo dục và xã hội chắc chắn sẽ tốt lên một phần nào đó.
Vậy mà chẳng được mấy lâu, lại được tin hình như cô bị kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo gì đó vì liên quan đến tổ chức gian lận thi cử trong kỳ thi cuối cấp.
Ôi thật vậy sao? Tôi không muốn tin đó là sự thật, mà chỉ là câu chuyện thất thiệt của những kẻ rỗi hơi.
Tôi vẫn hy vọng một cách ngây thơ rằng sự thật không phải như vậy. Và một ngày nào đó tôi vẫn đến thăm cô.
Khi đã mất niềm tin vào nền giáo dục và thi cử thời mình, tôi muốn tìm cái “ẩn số” đó của quá khứ xem nó ra sao.
Tôi hỏi ông ngoại mình, một người từng là giảng viên và làm công tác quản lý tại một trường đại học.
Điều làm tôi thất vọng là khi ông nói rằng, thực ra gian lận thời nào cũng có, chỉ có điều bây giờ nó tinh vi và “thoải mái” hơn thôi.
Các thày cô giáo ngày xưa đôi khi cũng phải làm ngơ “thông cảm” cho học trò mình thi bài, nhưng không lộ liễu và phổ biến như ngày nay.
Vậy là suốt cả một thời gian dài qua nhiều thế hệ, chúng ta đã đồng hành với một nền giáo dục nặng nề về khảo thí, và sự khảo thí gian dối.
Chúng ta đến trường không phải hướng đến cái đẹp nhân bản và khát khao tri thức mà đến mà vì những bài thi. Mà những bài thi thì sặc sụa mùi dối trá.
Cứ thế, biết bao kỳ thi, mùa thi trôi qua. Chẳng phải nói thêm thì ai cũng biết thì tỉ lệ đạt và điểm số luôn rất cao.
Nhưng đó chính là sự thất bại của giáo dục, bởi vì ngược lại hoàn toàn với những con số đẹp đẽ kia, tất cả chúng ta đã trượt mùa thi rất lớn.
Đó là mùa thi làm người. Làm người trung thực, làm người tử tế.
Không, chưa cần tử tế, chỉ là những người bình thường đã là tốt lắm rồi, bởi hầu hết chúng ta vẫn chỉ là những kẻ tầm thường.
Những kẻ tầm thường của những mùa thi gian dối.
Và rồi những kẻ tầm thường như chúng ta lại bước vào thế giới này với những công việc và chức trách khác nhau.
Và lại mang sự gian rối đó để xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân văn như chúng ta vẫn luôn miệng thao thao bất tuyệt như thế. Có thể thế được không?
Hè lại đến rồi, đâu đó phượng nở đỏ trên các sân trường, cùng tiếng ve râm ran.
Hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vừa vật lộn với những kỳ thi, mà nói hơi quá, là nó giống như những cuộc chiến.
Lâu lắm rồi tôi cứ ước, một ngày nào đó không xa những kỳ thi sẽ đi qua một cách nhẹ nhàng và lãng mạn như bài hát “Tháng Sáu mùa thi”.
Lãng mạn nhẹ nhàng nhưng hết sức nghiêm túc, trung thực. Để tất cả chúng ta vượt qua được kỳ thi khác. Kỳ thi làm người. Làm người bình thường nhưng tử tế!
Mong lắm những “mùa thi làm người”!