Bao giờ hết “nỗi buồn môn Sử”

13/07/2018 10:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những ai yêu môn Sử, lo cho giáo dục nước nhà càng không thể yên tâm cho số phận môn Sử sau này.

LTS: Kết quả thi môn Lịch sử trong kì thi trung học phổ thông quốc gia khiến không ít người cảm thấy buồn.

Thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc đổi mới phương pháp giáo dục đối với môn học này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu như trước đây là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kì thi đại học thì bây giờ là kì thi trung học phổ thông quốc gia đi qua, chúng ta lại nghe về “nỗi buồn môn Sử” một cách chát đắng.

Nỗi buồn ấy cứ dai dẳng và chắc chắn sẽ còn kéo dài khi mà chương trình mới lại đưa môn Sử thành phân môn của môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở, lên đến trung học phổ thông thì môn Sử được tách riêng nhưng lại là môn được lựa chọn của học sinh.

Vì thế, môn Sử trong tương lai có thể còn bi đát hơn bây giờ!

Nhiều học sinh không còn thiết tha với môn Lịch sử. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn
Nhiều học sinh không còn thiết tha với môn Lịch sử. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Điểm Sử năm nay… lại thấp!

Theo thống kê từ các địa phương, điểm Sử năm nay lại là môn có điểm số thấp nhất trong các môn thi trắc nghiệm.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 81% thí sinh có điểm dưới 5 môn Lịch sử.

Trong số 28.000 thí sinh dự thi, có 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 0,36%, không có điểm 10, chỉ có thí sinh đạt điểm 9,75.

Tại Đồng Nai có 28.833 thí sinh dự thi môn Lịch sử nhưng tỉ lệ bài thi từ 5 điểm trở lên chỉ đạt 12,76%.

Điều đáng buồn là tỉnh này có tới 180 em bị điểm liệt môn Lịch sử.

Điểm thi Lịch sử tại Đà Nẵng còn thấp hơn cả thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, chỉ có 10,03% số bài thi đạt điểm 5 trở lên, gần 90% thí sinh có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình.

Trong số này, số thí sinh đạt điểm từ 2,27 đến 3,25 chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Có duy nhất 1 thí sinh đạt điểm 9,5…

Bao giờ hết “nỗi buồn môn Sử” ảnh 2Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay

Đối với các địa phương khác có lẽ cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Phải chăng môn Sử khó, khô khan hay còn những nguyên nhân nào khác.

Có phải giới trẻ thờ ơ với môn Sử, hay chính những nhà hoạch định giáo dục, những người truyền thụ kiến thức môn Sử chưa thấu đáo?

Có lẽ có rất nhiều nhưng theo chúng tôi cách viết Sử trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay khiến học sinh từ chỗ ngán Sử dẫn đến chán Sử.

Sách giáo khoa chưa hấp dẫn và thuyết phục

Thời đại ngày nay, dù cùng một vấn đề nhưng lại có rất nhiều nguồn tài liệu để học sinh tham khảo, tra cứu.

Thế nhưng, sách giáo khoa lịch sử phổ thông vẫn nặng tính một chiều và nhàm chán đến khó chấp nhận.

Nếu viết về một cuộc khởi nghĩa, một chiến dịch vẫn là mô hình “ta thắng, địch thua”.

Về thất bại của đối phương có số liệu cụ thể về con người, về cơ sở vật chất nhưng về phía chúng ta chỉ là những con chữ chung chung không tường minh và thiếu thuyết phục người học, người nghe.

Một bài Lịch sử lại có vô vàn số liệu khô khan nhưng cứ bắt học sinh phải học rất vất vả và nhớ một cách máy móc.

Bao giờ hết “nỗi buồn môn Sử” ảnh 3Chỉ hơn 10% thí sinh Đà Nẵng thi môn Lịch sử được trên 5 điểm

Kiến thức dạy phổ thông mà cứ như viết cho sinh viên ngành Sử ở các trường đại học.

Điều này được thể hiện ngay từ khi học sinh bước vào lớp 4-5.

Vì thế, sách giáo khoa chỉ nặng trang bị kiến thức nhồi nhét học thuộc lòng mà học xong thì gần như chẳng nhớ được điều gì. 

Chính vì cách viết Sử như vậy nên khi trả lời Báo Dân trí cách đây 10 năm, Giáo sư Đinh Xuân Lâm - một trong những “tứ trụ” của lịch sử đương đại Việt Nam đã từng cảm thán:

Việc soạn sách giáo khoa hiện nay là trên tinh thần "Đại đoàn kết dân tộc", tức là một cuốn sách soạn ra do một ông trong thành phố Hồ Chí Minh, một ông tại Huế, một ông tại Đà Nẵng rồi lại một ông ở Hà Nội... cùng hợp tác viết nên ông chủ biên cũng không sao gặp được để bàn bạc, vì thế khó mà không để xảy ra sai sót!

Ngoài những bất cập trong cách viết sách giáo khoa, cách thờ ơ của các nhà quản lý giáo dục thì cách dạy Sử trong nhà trường phổ thông cũng có nhiều chuyện đáng bàn.

Ở các lớp nhỏ vẫn là cách học thuộc lòng máy móc, thầy cô dạy sao thì trò học lại vậy rồi trả thầy.

Khi lên đến những lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì mô hình phân tích một vấn đề lịch sử trong cách dạy, kiểm tra và thi cử cứ phải tuần tự theo các bước: Nguyên nhân-diễn biến-kết quả và ý nghĩa lịch sử.

Bao giờ hết “nỗi buồn môn Sử” ảnh 4Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”

Những năm gần đây, đề thi Sử trong kì thi trung học phổ thông quốc gia dù chuyển sang hình thức trắc nghiệm nhưng lại quá dàn trải, ôm đồm cả kiến thức Sử Việt Nam và nước ngoài của lớp 11-12 khiến cho học sinh quá tải, bởi vô vàn các sự kiện khó nhớ, khó học.

Bởi, thực tế là dù thi trắc nghiệm thì học sinh cũng phải học thuộc lòng mới có thể làm được bài.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu môn Lịch sử có khả quan hơn?

Thực trạng môn Lịch sử những năm gần đây đã là vậy, ai cũng cảm nhận rõ nỗi buồn khi mỗi kì thi đi qua.

Thế nhưng, dù sao môn Sử vẫn còn đứng độc lập, còn là môn học bắt buộc.

Còn trong chương trình mới tới đây môn Lịch sử sẽ gộp chung với môn Địa lý để thành môn “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở.

Lên đến cấp trung học phổ thông lại tách riêng ra nhưng không phải là môn học bắt buộc mà là môn lựa chọn của học sinh.

Vì thế, những ai yêu môn Sử, lo cho giáo dục nước nhà càng không thể yên tâm cho số phận môn Sử sau này.

Rồi đây, chỉ một vài năm nữa thôi, môn Lịch sử ở cấp trung học cơ sở thành môn “tích hợp” vì thế, cũng có thể là giáo viên được đào tạo chuyên ngành Lịch sử giảng dạy, cũng có thể là giáo viên được đào tạo chuyên ngành Địa lý giảng dạy.

Vậy, ai có thể đảm bảo môn Sử sẽ được học sinh yêu thích và học tốt hơn bây giờ?

Bao giờ hết “nỗi buồn môn Sử” ảnh 5Đánh giá đúng thực chất vai trò của môn Lịch sử và những đổi mới cần thiết

Lên đến cấp trung học phổ thông thì môn Lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội.

Điều này cũng đồng nghĩa sẽ có rất nhiều em “không được” mà đúng hơn là “không cần” học Sử nữa!

Cho dù, hàng triệu con người Việt Nam đang và sẽ rất yêu môn Sử, lo cho số phận môn Sử nhưng có lẽ tương lai của môn học này sẽ như thế nào trong tương lai thì khó ai mà đoán định được.

Chúng tôi cũng chỉ mong mỗi kì thi đi qua, báo giới không phải lặp lại “nỗi buồn” môn Sử như câu chuyện dài kì đã có hàng chục năm qua.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời của Giáo sư Đinh Xuân Lâm khi ông nói về môn Sử:

Để nền giáo dục phát triển bền vững, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã, hội nhân văn trong đó có môn Lịch sử cần được coi trọng.

Nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông là một việc làm có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc khác”.

Tuy nhiên, số phận môn Sử thế nào chỉ có lãnh đạo ngành giáo dục trả lời được?

Tài liệu tham khảo:

https://www.google.com.vn/dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gs-dinh-xuan-lam-va-noi-buon-xuyen-lich-su-1207246993.htm&usg

Nguyễn Cao