Trước khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ bắt đầu sau ít ngày nữa, thầy Trần Thành Tâm – tổ trưởng tổ Toán của Trường trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ cách làm bài thi trắc nghiệm môn Toán.
Dưới góc độ của một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm với việc dạy Toán lớp 12, thầy Tâm cho rằng, việc thêm kiến thức của lớp 11 (chiếm 20% đề thi) ít nhiều sẽ gây cho học sinh sự khó khăn trong việc ôn tập.
Chính vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất đối với học sinh là cần phải nắm vững kiến thức.
Học sinh khối 12 của Trường Gia Định trong giờ ôn tập trước kỳ thi quốc gia năm 2018 (ảnh: GĐ) |
Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Toán tốt nhất, theo thầy Trần Thành Tâm đó là:
Đọc, rà soát đề: Khi nhận được đề, học sinh cần dành từ 2 – 3 phút để đọc một lượt từ cầu đầu tiên đến câu cuối cùng, nhằm xác định khái quát những dạng bài tập, câu hỏi, độ khó.
Chia nhóm câu hỏi: Học sinh cần chia các câu hỏi thành 3 nhóm khác nhau
Nhóm 1: Câu hỏi dễ, chắc chắn làm được ngay.
Nhóm 2: Câu cần tính toán, suy luận.
Nhóm 3: Những câu hỏi lạ, còn phân vân hay vượt quá khả năng của mình.
Làm bài thành 4 vòng theo các nhóm đã chia: Vòng 1 thì cần chọn ngay các đáp án cho các câu hỏi ở nhóm 1. Chỉ chọn đáp án một lần duy nhất, chắc chắn đúng. Không quay lại lần sau, để không mất nhiều thời gian.
Vòng 2: Câu ở nhóm 2 cần kỹ năng làm bài nhanh, chính xác, vì đó là các dạng bài tập mà học sinh đã từng gặp.
Vòng 3: Gặp các câu hỏi lạ, vượt quá khả năng, học sinh cần phải bình tĩnh, không được lo lắng. Dựa trên kiến thức đã có, cần tập trung suy nghĩ, giải từng bài, nhưng không được để mất thời gian quá lâu vào một câu hỏi.
Nếu sau một thời gian mà không tìm ra đáp án, thì hãy chọn ra một đáp án mà mình cho là đúng.
Vòng 4: Kiểm tra lại các đáp án của câu hỏi thuộc nhóm 2, 3 rồi mới nộp bài thi.
Những bí quyết làm tốt bài thi trắc nghiệm: Đề thi sẽ có 50 câu hỏi, với thời gian làm bài là 90 phút, nên trước tiên, học sinh cần biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa các câu hỏi dễ, trung bình và khó.
Học sinh cũng cần chú ý ngay cả đối với các chi tiết nhỏ trong đề bài, các “bẫy” mà đề có đặt ra.
Cần làm quen với tốc độ làm bài thi trắc nghiệm, nhanh nhưng không chủ quan, tránh nghĩ lan man để ảnh hưởng đến những câu hỏi khác.
Thế số trong trường hợp tổng quát nhất. Trong một số trường hợp, ngoài việc đưa ra các đáp án từ các dữ kiện của đề bài, học sinh có thể nghĩ đến cách thế một con số tổng quát trong đề, bằng một con số cụ thể để rút ngắn thời gian giải toán.
Tâm lý học sinh phải luôn vững vàng, tự tin, tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức, làm được câu nào thì phải tô luôn đáp án câu đó vào phiếu trả lời.
Cần đọc kỹ các câu hỏi dạng lý thuyết, chú ý các từ, cụm từ nhỏ nhất.
Cẩn thận với các từ phủ định trong câu hỏi và ngay cả trong câu trả lời, đánh dấu các từ phủ định để không bị nhầm lẫn.
Nếu có khó khăn trong việc tìm ra đáp án, hãy sử dụng phương pháp loại trừ, dựa trên nền tảng kiến thức đã có.