Xung quanh vụ việc tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang, Sơn La đến nay một số chuyên gia cho rằng kỳ thi đã bộc lộ nhiều lỗ hổng cần điều chỉnh.
Đánh giá về kỳ thi quốc gia, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Thời gian qua, việc giám sát khâu coi thi đã làm tốt, nhưng khâu chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan thì chưa làm được.
Bộ nên có nhận định, năm nay tỉnh nào gặp khó khăn trong công tác tổ chức thi, năm sau sẽ giám sát sâu hơn không những ở khâu coi thi mà cả chấm thi.
Thậm chí đối với những địa phương xảy ra tiêu cực trong kỳ thi quốc gia 2018 thì Bộ có thể xử lý bằng cách một vài năm tới không giao cho địa phương đó tổ chức thi, chấm thi nữa.
Sai ở đâu, sửa ở đó và cần nghiêm trị đối với những cá nhân đã “gian lận” để làm gương cho mọi người".
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, vì vụ việc tại Hà Giang, Sơn La mà đặt vấn đề không giao kỳ thi quốc gia về cho địa phương nữa là điều không nên. (Ảnh: Thùy Linh) |
"Hơn nữa, vì vụ việc này mà đặt lại vấn đề không giao kỳ thi quốc gia về cho địa phương nữa là điều không nên.
Bởi lẽ địa phương là nơi đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, quản lý thí sinh cả 12 năm học phổ thông do đó giao cho địa phương là phù hợp nhất”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay, phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và dễ dàng tìm ra phiếu của một thí sinh nào đấy, đây là một lỗ hổng lớn.
"Không thể" và "Không dám" khi thi quốc gia, sẽ không có Vũ Trọng Lương gian lận |
Quy trình chấm trắc nghiệm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường đại học tổ chức thi.
Còn thi tại địa phương thì có thể nói quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm và kiểm dò, rất có cơ hội cho con người can thiệp.
Đề xuất hạn chế tiêu cực xảy ra, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc cho rằng:
“Sau khi thi xong và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay lập tức và nếu mà Bộ cũng chấm độc lập trên file ảnh này (Đĩa CD1) thì rất tốt.
Ngoài ra, tổ chức chấm theo Cụm (theo vùng miền) do trường Đại học chủ trì. Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm”.
Nhìn nhận tiêu cực thi cử từ Hà Giang, Sơn La, chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng:
Những năm tới khi Bộ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay thì bài thi tự luận để địa phương chấm còn bài thi trắc nghiệm của 63 tỉnh/ thành nên tập trung về 2 hoặc 3 địa điểm để tránh chuyện can thiệp điểm vào bài thi như Hà Giang, Sơn La.
Nếu tập trung 2 địa điểm thì đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn nếu chia thành 3 địa điểm sẽ bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.