"Không thể" và "Không dám" khi thi quốc gia, sẽ không có Vũ Trọng Lương gian lận

23/07/2018 07:40
Trịnh Ngọc Tiến
(GDVN) - Nguyên tắc "không thể" nhằm chống tiêu cực thi cử đó là xây dựng quy trình chặt chẽ từ việc ra đề thi, tổ chức thi, thu bài thi đến chấm thi phải thống nhất.

LTS: Sau vụ việc sửa điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bị phát hiện, chia sẻ cách thức nhằm chống lại những tiêu cực xảy ra trong thi cử hiện nay, tác giả Trịnh Ngọc Tiến đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện sửa điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bị báo chí phanh phui khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Công an vào cuộc xác minh. 

Kết quả đã phát hiện Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thực hiện sửa 330 bài thi trắc nghiệm cho 114 thí sinh (1).

Mặc dù, công tác điều tra chưa kết thúc, tuy nhiên có thể khẳng định việc lợi dụng kẽ hở để làm những việc tiêu cực như của Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang chưa hẳn là trường hợp duy nhất (2); và rất có thể, việc gian lận điểm thi với quy mô "công nghiệp" (3) có thể đã bắt đầu từ các năm trước, với những nghi vấn của dư luận mà chưa có lời giải (4)?

Nếu có ai phản đối kỳ thi "2 chung", xuất phát từ vụ tiêu cực điểm thi của Hà Giang thì họ cũng có cái lý của họ (5).

Mọi sự vật hiện tượng đều có tính 2 mặt, quan trọng là chúng ta phát huy mặt tốt như thế nào và hạn chế mặt tiêu cực của nó ra sao mà thôi?

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Phải khẳng định, việc tiêu cực xảy ra trong thi cử không có gì là mới, không chỉ ở nước ta mà ngay cả những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới; không chỉ bây giờ mà ngay từ thời phong kiến, tiêu cực trong thi cử đã xảy ra (6).

Hình thức thi nào cũng có kẽ hở, do vậy, việc chúng ta cần làm là tìm kẽ hở đó và bịt nó lại.

Áp dụng nguyên tắc "không thể"

Nguyên tắc "không thể" trong phòng chống tiêu cực thi cử đó là xây dựng quy trình chặt chẽ từ việc ra đề thi, tổ chức thi, thu bài thi đến chấm thi phải chặt chẽ, thống nhất, không để có kẽ hở để người thi, người coi thi, người chấm thi có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi gian dối.

Ví dụ: nếu làm đúng quy trình thì không thể có việc thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, hay người thi trao đổi, quay cóp bài và cũng không thể có chuyện giám thị coi thi dùng điện thoại thông minh truyền đề thi ra ngoài, khi thí sinh mới chép xong đề (7).

Quy trình thu bài, chấm bài phải được giám sát chặt chẽ, các bài thi phải có chữ ký của giám thị, thí sinh.

Sau khi bài thi được thu, phải được lập tức niêm phong bằng tem đặc biệt dùng một lần, và bảo vệ nghiêm ngặt; túi bài thi chỉ được mở trước Hội đồng thi, có biên bản, giám sát chặt chẽ.

"Không thể" và "Không dám" khi thi quốc gia, sẽ không có Vũ Trọng Lương gian lận ảnh 2Đừng để địa phương chấm bài, thi cử sẽ trong sạch

Sau khi các túi bài thi được mở, tiến hành cho ngay vào các máy quét (scanner) dưới sự giám sát chặt chẽ của những người có chuyên môn.

Các máy quét này phải có nối mạng Internet; dữ liệu quét phải là file ảnh, quét đến đâu truyền thẳng về lưu trữ ở máy chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu cần thiết là Cục Cơ yếu chính phủ).

Song song với đường truyền về Bộ là in sao ra đĩa CD, những đĩa này được bảo mật chặt chẽ; đây là những tài liệu gốc, làm căn cứ để điều tra xác minh nếu có tiêu cực xảy ra, hoặc có các ý kiến khiếu nại về bài thi.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi Bộ Giáo dục đào tạo phải lập tức công khai đề thi, đáp án và bài thi của thí sinh lên mạng; tất cả mọi người đều có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tra điểm thi hiện nay.

Đây cũng là bước minh bạch hóa, để các em thí sinh cũng như "phụ huynh" và mọi người có thể tự chấm điểm được không phải "tù mù" khi lựa chọn vào các cơ sở đào tạo sau này; và cũng để giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nơi các em học biết học sinh của mình học như thế nào.

Sau khi quét bài, lưu trữ dữ liệu; lúc này bài thi có thể đưa cho các bộ phận chấm điểm mà chúng ta không phải quá lo việc tiêu cực trong chấm thi.

Thực tế nếu công khai minh bạch bài thi, đáp án, cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực cho giáo viên chấm bài; lúc này họ cũng không phải chịu sức ép "thư tay" hay "tin nhắn" từ bất kỳ ai; và việc chấm thi cũng không phải là "nguyên nhân" khiến họ vi phạm kỷ luật.

Đó cũng là lợi ích của việc minh bạch hóa thông tin, giúp những người thừa hành công vụ "không dám" trong việc lợi dụng quyền hạn (chấm thi) để vi phạm pháp luật.

"Không thể" và "Không dám" khi thi quốc gia, sẽ không có Vũ Trọng Lương gian lận ảnh 3Cần làm rõ động cơ tẩy, xóa điểm của ông Vũ Trọng Lương

Với bộ phận chấm thi tốt nghiệp: chúng ta phải công khai thông tin tổ giáo viên nào chấm từ số báo danh nào đến số báo danh nào.

Lúc này, những người được giao nhiệm vụ chấm bài, dù có muốn nâng điểm cũng "không dám", vì các thông tin đã được công khai, người chấm lúc này chịu sự giám sát của xã hội.

Đây cũng là thực hiện đúng quan điểm của Đảng, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Nếu tất cả các quy trình thi được làm chặt chẽ; thông tin được công khai, minh bạch… thì tin chắc là không có một bất cứ một kẽ hở nào cho những người có ý đồ làm bậy bạ, lệch lạc với kết quả của bài thi; kể cả người thi, coi thi và chấm thi.

Nguyên tắc "không dám"

Nguyên tắc "không dám" là phải có những chế tài có tính răn đe, làm cho từ người thi đến người coi thi, chấm thi, giám sát không dám vi phạm các quy trình thi.

Do vậy, chúng ta phải xây dựng và kiên quyết áp dụng các văn bản luật (dưới luật) vào quy trình thi, chấm thi, công bố điểm thi.

Với những người thi: Kiên quyết đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả bài thi với những thí sinh vi phạm; kể cả những thí sinh khi đã vào học tại các cơ sở đào tạo, nếu phát hiện việc gian dối trong thi cử, nếu đủ chứng cứ cũng hủy bỏ kết quả học tập; đồng thời cấm vĩnh viễn việc thi cử vào các cơ sở đào tạo vào những năm tiếp theo, tạo tính răn đe cao với những người thi.

Đối với giám thị, giám sát.., nếu phát hiện thấy những hành vi tiếp tay cho thí sinh hoặc vi phạm quy chế thì kiên quyết đình chỉ, xử lý theo quy định, cho ra khỏi ngành; thậm chí truy tố trước pháp luật như trường hợp gian lận điểm tại Hà Giang vừa qua.

Không thể xử lý theo kiểu "rút kinh nghiệm" nội bộ, hay khiển trách, nhắc nhở; nếu xử lý như vậy, sẽ không có tính răn đe với những vi phạm.

"Không thể" và "Không dám" khi thi quốc gia, sẽ không có Vũ Trọng Lương gian lận ảnh 4Khởi tố, bắt khẩn cấp ông Vũ Trọng Lương

Các cơ sở đào tạo, căn cứ vào bài thi của thí sinh (lưu trữ trên máy chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức chấm phúc khảo cho những thí sinh ngay sau khi thí sinh nộp nguyện vọng vào trường xem có điểm thi phía dưới chấm có đúng không?

Nếu không đúng, cần thông báo ngay về Cục Khảo thí và Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục để tiến hành thanh tra.

Việc công khai, minh bạch các thông tin về bài thi trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục đào tạo cũng là thực hiện nguyên tắc "không dám" trong việc các bộ phận nâng điểm các bài thi; bởi vì bài thi công khai, đáp án công khai, vì vậy người chấm thi sẽ "không dám" chấm điểm sai.

Khi các thông tin được công khai, cũng không thể có các thí sinh thông đồng với những người chấm bài phúc khảo ở các cơ sở đào tạo để làm những chuyện tiêu cực, lúc này những người chấm thi cũng chịu sự giám sát của xã hội.

Nếu thanh tra phát hiện những hiện tượng tiêu cực giữa người chấm phúc khảo và thí sinh, cần phải mạnh tay loại bỏ vĩnh viễn những thành phần này khỏi môi trường sư phạm.

Hiện nay, một năm nước ta chỉ có gần một triệu thí sinh dự thi, do vậy việc lưu trữ thông tin về bài thi của số thí sinh này không phải là lý do gì quá tầm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chúng ta đang tiến tới một xã hội minh bạch hóa thông tin; các bài thi cũng không phải là bí mật quốc gia gì mà chúng ta không dám công khai; nếu chúng ta công khai các bài thi thì chẳng có kẻ nào "gan trời" mà dám sửa điểm.

Nói cách khác, việc chúng ta bưng bít thông tin chỉ tạo kẽ hở cho những người thực thi công vụ phạm tội; như thế xét trên góc độ nhân đạo, việc không công khai hóa thông tin cũng là việc làm "phi nhân tính".

Việc xây dựng và áp dụng quy trình thi chặt chẽ, tạo công bằng với tất cả thí sinh; đồng thời có tính răn đe đối với những người thi, người coi thi và người chấm thi.

Có như thế chúng ta mới có thể chọn được những cá nhân có năng lực và hạn chế tiêu cực trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo: 

(1) http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--Van-de-khong-nam-o-Ha-Giang-1-post188179.gd

(2) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Lang-Son-dang-cho-ket-qua-xac-minh-diem-thi-ai-sai-pham-phai-xu-ly-nghiem-minh-post188187.gd

(3) http://www.tinmoi.vn/be-boi-gian-lan-diem-thi-ong-luong-da-lam-o-quy-mo-cong-nghiep-011491121.html

(4) http://soha.vn/nghi-van-diem-thi-bat-thuong-lan-rong-hoan-cong-nhan-tot-nghiep-se-lam-cham-ca-toa-tau-giao-duc-20180720072446236.htm

(5) https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/sau-gian-lan-diem-thi-o-ha-giang-nen-bo-hay-giu-ky-thi-thpt-quoc-gia-789979.vov

(6) http://dantri.com.vn/ban-doc/bai-hoc-chong-tieu-cuc-trong-thi-cu-cua-ong-cha-ta-1309282892.htm

(7) https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dieu-tra-viec-dua-de-thi-ra-ngoai-cua-giam-thi-nong-hoang-phuc/507020.vnp

Trịnh Ngọc Tiến