Trước lúc lâm chung, dù vật vã với những cơn đau vì căn bệnh ung thư quái ác nhưng người cha vẫn gắng gượng căn dặn mọi người:
“Dù phải bán cả căn nhà đang ở cũng phải ráng lo cho con ăn học” đã ám ảnh Đặng Thị Thương học sinh Trường trung học phổ thông Quảng Xương 1 Thanh Hóa suốt bao năm trời.
Thương nói: “em ráng học để sau này đỡ đần mẹ và để bố nơi chín suối được thỏa nguyện”.
Em Đặng Thị Thương không ngừng cố gắng, chăm chỉ học tập (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Gia cảnh bất hạnh
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại thôn Ninh Ước, xã Quảng Ninh, Thanh Hóa. Ngoài thời gian làm ruộng, ba em còn làm thêm đủ thứ nghề để lo cho ba chị em Thương ăn học.
Thế rồi một ngày, thấy sức khỏe cứ yếu dần sau bao lần trì hoãn không dám đi khám (chẳng may phát hiện bệnh thì lấy tiền đâu chữa trị), ba em đã quyết định vào bệnh viện kiểm tra.
Cái tin ông bị ung thư não như tiếng sét đánh giữa trời quang làm ông suy sụp hẳn nhưng vì con, ông lại gắng gượng để sống.
Tiền bạc trong nhà cứ đội nón ra đi nhưng bệnh tình lại chẳng thuyên giảm. Nhiều lần ông nhất quyết không chữa trị để dành tiền nuôi các con ăn học.
Ba mất, ngoài nỗi đau mất ba, gia đình còn phải gánh thêm một khoản nợ khá lớn. Mẹ em trở thành lao động chính để thay chồng chăm sóc các con.
Bất hạnh chưa buông tha gia đình em, chỉ 2 năm sau đó, mẹ em chị Đàm Thị Xuân (51 tuổi) cũng phát hiện mình mắc bệnh ung thư.
Tiền chạy chữa cho ba chưa trả xong, giờ mẹ lại bệnh tật, lấy gì để lo toan cho gia đình? Tất cả như sụp đổ trong Thương, em lo cho mẹ và nghĩ cho mình buồn đến héo hắt cả người.
Em Đặng Thị Thương chăm sóc người mẹ đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Dù bệnh, nhưng hàng ngày mẹ Thương vẫn phải làm lụng đủ thứ việc. Cực nhất là công việc chặt kè làm chổi quét và đem bán.
Để có được cây chổi, phải đến vườn mua kè, thuê người giật lá kè từ trên cây xuống. Róc vỏ, róc gai, chặt bớt đuôi kè rồi đem kè đi phơi sau đó bó lại. Xong xuôi mới mang đi bán.
Giá một cây chổi kè chỉ có 9 ngàn đồng (bao gồm cả tiền vốn, tiền công). Số tiền mẹ gom góp cả tháng cũng chưa đủ tiền đi Hà Nội tái khám và lấy thuốc trị bệnh.
Nghị lực vươn lên
Thương nói mình rất thương mẹ, xót xa nhìn thấy mẹ vừa chống chọi với căn bệnh ung thư, vừa phải gồng mình kiếm tiền nuôi mấy chị em Thương.
Trong tâm thức của em, bố mẹ luôn là niềm động lực để em cố gắng vươn lên. Em muốn mình học thật giỏi, sau này bù đắp vất vả mà mẹ em phải gánh vác.
Vào lớp 10, thay vì chọn một ngôi trường gần nhà, em lại chọn ngôi trường cách nhà hàng chục cây số để có điều kiện học tập tốt hơn.
Ngày ngày, em phải 4 lần đạp xe đi về mà không biết mệt mỏi. Mẹ em nói: “Bố mất từ lâu, tôi lại đau ốm, Thương thiệt thòi đủ đường so với bạn bè.
Nhiều hôm đi học về, thấy con phải phụ mẹ làm việc, chăm sóc mẹ lúc ốm đau rồi lại vội vàng đạp xe đi học, tôi cũng rớt nước mắt”.
Thương giúp đỡ mẹ làm những công việc nhà (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Em đã may mắn được thầy cô giáo nơi đây thấu hiểu và yêu thương giúp đỡ hết mình.
Để em không bị áp lực về mặt kinh tế mà tập trung vào việc học, nhà trường đã miễn toàn bộ học phí cho em trong ba năm học. Những tiết học thêm, học phụ đạo, các thầy cô hoàn toàn dạy miễn phí.
Nhà nghèo không có tiền mua máy tính, smartphone để tìm tài liệu học như các bạn. Kiến thức mà Thương có được chỉ nhờ vào lời giảng, sự hướng dẫn tận tình của thầy cô.
Ngoài giờ lên lớp, em tìm hiểu thêm trong những bộ sách nâng cao cũ của các anh chị lớp trên để lại.
Em muốn sau này mình trở thành dược sĩ nên có ước muốn vào Trường đại học Y Dược nhưng lại sợ không có tiền đóng học phí.
Thương đăng kí vào Học viện Công nghệ quân sự để mẹ đỡ phải lo tiền ăn ở, tiền học phí hàng năm.
Mẹ Thương buồn rầu chia sẻ “điểm cao như thế nhưng gia đình vẫn đang lo không đỗ vì họ tuyển chỉ tiêu ít lắm.
Nếu cháu học Dược, tôi chẳng biết lấy tiền đâu để lo cho con. Tôi bệnh tật, tiền nợ còn nhiều nên cũng bất lực rồi”.
Thương cũng cho biết, thời gian đầu em sẽ làm quen với môi trường học tập mới. Sau vài tháng sẽ đi làm gia sư kiếm tiền tự trang trải để mẹ an tâm chữa bệnh”.
Để đạt được ước nguyện, em đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các bạn cùng lớp. Không phụ lòng nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình, em luôn chăm chỉ học tập cố gắng vươn lên từng ngày.
Trong ba năm học, em luôn là học sinh xuất sắc nhất lớp, kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, em đạt số điểm 27,05 (Toán 8,8 điểm; Lý 9 điểm và Hóa 9,25 điểm) một trong hai học sinh có số điểm thi đại học cao nhất trường và nằm trong tốp học sinh cao điểm nhất tỉnh.
Thầy Tuấn giáo viên chủ nhiệm đã rất tự hào khi nói về em: “Đặng Thị Thương được xem là một tấm gương vượt khó, hiếu học, và còn là minh chứng sống cho câu nói “hoa mọc giữa sa mạc”.
Thương là một học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn nhưng đầy cá tính. Em luôn tự mình nỗ lực trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ của bất cứ ai".