LTS: Chuẩn bị bước vào năm học mới, trong khi phụ huynh bước vào cuộc "chạy trường" thì một số giáo viên lại trở thành vận động viên của cuộc đua "chạy lớp".
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến về vấn đề này.
Giờ này, cuộc thi “chạy” của phụ huynh học sinh phần nào đã ngã ngũ, có em về đích, có em cũng phải ngậm ngùi, than thân trách phận.
Thế nhưng cũng đang bắt đầu một cuộc đua không kém phần khốc liệt, cuộc đua chạy lớp của giáo viên các môn dạy thêm được.
Đầu tiên, chắc phải nói đến bộ ba “Toán, Văn, Anh”. Thu nhập cả năm của giáo viên bộ ba này dựa vào hoàn toàn việc phân dạy lớp nào.
Chuẩn bị năm học mới, phụ huynh "chạy trường" còn giáo viên lại "chạy lớp". Ảnh minh hoạ: Vanhien.vn |
Lớp càng có nhiều học sinh khá, giỏi, gia đình có điều kiện thì tỷ lệ học thêm, học kèm càng cao, đồng nghĩa với thu nhập của giáo viên càng khủng.
Vì vậy cuộc đua mà không nói ai cũng biết giữa các giáo viên bộ ba không kém phần khốc liệt.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Các giáo viên này đã “lại quả” cho ban giám hiệu trong năm học, thế nên, vào năm học mới không biết thương ai, bỏ ai.
Vậy là, lại có cuộc đua mới ngay từ đầu năm học.
Phải “đầu tư” để được đứng lớp “ngon”, nên việc giáo viên bộ môn giở đủ “ngón nghề” để “động viên” học sinh tham gia học thêm, học kèm là điều tất yếu.
Có giáo viên, dù có chuyên môn tốt, nhưng tự trọng, không tham gia cuộc đua đó, nên đứng lớp có nhiều học sinh yếu, học sinh thi lại.
Trong cuộc họp phân công chuyên môn lại “được” lãnh đạo nêu gương, có khả năng chuyên môn tốt, nên phân vào các lớp đó để vực dạy chất lượng của lớp yếu!
Có giáo viên không “hợp” với lãnh đạo, thường được “ưu tiên” lớp cá biệt, nhiều học sinh quậy phá, cuối năm chất lượng thấp, thế là không thể xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nếu Ban giám hiệu “nâng đỡ” thì sẽ xếp hoàn thành nhiệm vụ.
Từ những “tấm gương sáng ngời” đó, phần đa giáo viên “ngậm bồ hòn làm ngọt”, hết ý kiến ý cò, Ban giám hiệu trở nên “vua con” một vùng, thích sao làm vậy.
Không nói, nhưng ai cũng biết, vấn nạn “chạy” làm đảo lộn giá trị đạo đức xã hội, đổi trắng, thay đen.
Trong trường học tác hại của “chạy” còn ghê gớm hơn nhiều.
Nó làm băng hoại đạo đức của người đang được gọi là thầy, đang truyền bá cái hay, cái đẹp, đang là tấm gương cho học sinh noi theo.
Để ngăn chặn tình trạng chạy lớp đầu năm xấu xí này, cần phải có sự công khai, minh bạch phân công chuyên môn trong trường học.
Việc phân công chuyên môn phải huy động trí tuệ tập thể, có sự tham vấn của các ban ngành trong nhà trường thực sự, chứ không phải là sự “gật đầu” sau khi sự đã rồi.
Để việc phân công giảng dạy có hiệu quả, phải xuất phát từ yêu cầu của việc giảng dạy, đặt quyền lợi học tập của học sinh lên trên hết.
Bên cạnh đó phân công giáo viên cũng cần phải vì sự tiến bộ của cả tập thể sư phạm, tạo điều kiện để người đi trước giúp người đi sau, người chưa có kinh nghiệm có cơ hội học hỏi, người giỏi kèm cặp người còn yếu.
Việc phân công chuyên môn, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên hợp lý, công bằng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mọi mặt của nhà trường.
Quan trọng nhất là tạo một môi trường sư phạm tốt, dân chủ, trung thực. Học sinh đang rất cần một môi trường tốt như thế để học làm người.
Và ngược lại, nếu phân công chuyên môn thiếu khách quan, phân công không đúng người, đúng việc, bị chi phối bởi đồng tiền, quà cáp thì mục tiêu giáo dục đặt ra khó có thể thành công.
Nhà trường trở thành nơi dung dưỡng cái xấu, cái ác phát triển.
Vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người, tuyệt đối không để nạn chạy lớp xảy ra trong trường học.