LTS: Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một kiểu “chạy” cũng cam go, căng thẳng không kém việc “chạy trường” đó là việc “chạy lớp, chạy thầy”, tác giả Đăng Bình đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dù mới kết thúc năm học nhưng không khí “chạy trường” cho con ở khắp nơi trong cả nước đang khá sôi nổi và rầm rộ.
Người ta có “muôn phương ngàn cách” để cho các con yêu của mình được vào học chính ngôi trường ba mẹ cho là tốt nhất.
Thế nhưng khi vào được rồi “nào đã yên thân, phải tìm mọi cách lo cho con vào học được lớp tốt nhất, thầy cô tốt nhất”, một phụ huynh buông tiếng thở dài não nề.
Nỗi lo chạy trường, chạy lớp cho con (Ảnh minh họa: Danh). |
Đã có nhiều bài viết về chuyện “chạy trường” được phân tích khá kĩ dưới nhiều góc nhìn.
Ở bài viết này, xin được cung cấp cho bạn đọc một kiểu “chạy” cũng cam go, căng thẳng không kém đó là việc “chạy lớp, chạy thầy”.
Phụ huynh vật vã “chạy lớp”
Mặc dù theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học không tổ chức lớp chuyên, lớp chọn.
Thế nhưng hiện nay, nhiều trường học ở các bậc học lại có khá nhiều lớp chọn với tên gọi khác nhau như lớp nâng cao, lớp chất lượng, lớp dự nguồn, lớp điểm, hay đơn giản chỉ là lớp A1, A2…
Hầu như phụ huynh nào cũng muốn con mình được vào học ở những lớp này vừa để con có môi trường học tập tốt, vừa để “cha mẹ nở mày nở mặt” với thiên hạ.
Nếu là học sinh trung học phổ thông nhà trường thường căn cứ vào điểm thi vào 10 để xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp thì việc “chạy lớp” ít xảy ra.
Nhưng ở bậc trung học cơ sở mà đặc biệt là bậc tiểu học (một số vùng chưa tổ chức thi) nhà trường thường “chọn mặt gửi vàng” để xếp lớp cho học sinh.
Một phụ huynh bật mí “để lọt vào danh sách của lớp chọn, lớp đầu khối phụ huynh phải là người hào phóng, chịu chi.
Không chỉ ghi tên mình vào “sổ vàng” của trường với mức ủng hộ “xôm xôm” còn phải ghi tên vào bộ nhớ của hiệu trưởng nhà trường.
Chi phí cho việc này là món tiền không nhỏ và phụ thuộc chính vào danh tiếng của trường. Trường càng lớn, mức chi càng cao và ngược lại.
Không vào được lớp chọn, lớp chất lượng cao, nhiều phụ huynh lại “chạy” cho con được học với chính thầy cô giáo mà mình đã nhắm từ trước.
“Chạy lớp” nỗi khổ không chỉ riêng phụ huynh
Khá nhiều giáo viên phản ánh “đâu riêng gì phụ huynh phải lo chạy. Chính giáo viên cũng phải è cổ ra để “chạy lớp”.
Và cô bật mí: “Muốn được dạy khối mình ưng ý, dạy vào lớp chọn, lớp “tiềm năng” theo đúng nghĩa bóng (trong lớp có nhiều gia đình khá giả, có nhiều phụ huynh tiềm lực) thầy cô buộc phải “chạy” để giành chỗ.
Khối lớp được nhiều giáo viên chọn dạy nhất là khối 1 và khối 5. Theo lý giải của nhiều thầy cô “lớp 1 còn nhỏ, lớp 5 học sinh học năm cuối chuẩn bị vào lớp 6 nên được phụ huynh quan tâm nhiều nhất.
Giáo viên dạy các môn Toán, Anh văn bậc trung học cơ sở lại thích dạy lớp 9, bậc trung học phổ thông lại thích dạy lớp 12.
Thầy cô dạy những khối lớp ấy thì học sinh phần lớn sẽ đi học thêm đầy đủ. Không chỉ học thêm còn học kèm và học ôn thi vào 10, thi tốt nghiệp quốc gia.
Ở tiểu học, thường thì cuối năm học, nhà trường sẽ phân công luôn giáo viên giảng dạy cho năm học sau.
Nhờ biết trước, sang năm con mình sẽ học với giáo viên nào nên hè về, phụ huynh sẽ đồng loạt gửi con học thêm khá đông.
Theo nguyên tắc, để vào dạy những lớp điểm, lớp chọn của trường thường là giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm.
Thế nhưng “miếng ngon thì ít mà người chờ thì nhiều” nên người được chọn chưa hẳn là người giỏi nhất mà chính là người “biết điều” nhất (một tiết lộ của vị hiệu trưởng về hưu).
Môi trường giáo dục đã từ lâu không còn bình yên bởi “muôn nẻo đường chạy” của phụ huynh và chính giáo viên.
Thực trạng đáng buồn này bao giờ mới chấm dứt?