FLC Hoàng Long - một dự án có mức đầu tư dự kiến hàng nghìn tỷ, nhưng 3 năm nay hầu như vẫn nằm trên giấy khiến hàng trăm ha đất bị "treo", hàng nghìn người dân rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng.
Trong khoảng thời gian trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã không ít lần có văn bản đôn đốc chủ đầu tư - tập đoàn FLC nhanh chóng chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng và triển khai dự án theo cam kết tại giấy phép đầu tư.
Nhưng sau tất cả những gì đã diễn ra, chủ đầu tư vẫn chây ì trả tiền đền bù cho dân. Trong khi đó, phần lớn các hạng mục dự án vẫn nằm bất động trên... giấy.
Lời hứa của chủ đầu tư về dự án nghìn tỷ cũng đang trở nên “hoang hóa” giống như bãi đất trống rộng cả trăm ha, cỏ mọc um tùm phía sau chiếc cổng chào trơ cứng.
Người thiệt thòi nhất trong dự án này không ai khác chính là người dân - đối tượng bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất nhưng chưa nhận được tiền đền bù.
Trong cảnh khốn khó, có lẽ người dân cũng nhận thấy một sự thật hết sức bẽ bàng, đó là FLC mang tiếng là tập đoàn kinh tế lớn, sở hữu những Resort nổi tiếng, mở hãng bay, nhưng không trả nổi mấy đồng đền bù cho dân nghèo như cam kết trước đó.
Sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền trong việc “thanh lý” dự án này vô tình đẩy người dân lâm vào cảnh khốn khó khi bị “treo” tư liệu sản xuất trong một thời gian dài.
Đến thời điểm này, họ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng tỉnh Thanh Hóa quá ưu ái doanh nghiệp FLC thay vì đảm bảo quyền lợi của hàng trăm hộ dân đang từng ngày bị ảnh hưởng bởi dự án?
Khu công nghiệp FLC Hoàng Long sau hơn 3 năm vẫn là bãi đất trống. Ảnh của XUÂN QUANG. |
Sự bất lực với tập đoàn FLC thể hiện rõ trong cách nói chuyện của ông Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa trong cuộc hội thoại với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 30/7.
Ông Tuy cho thấy chính quyền huyện bất lực với độ lì của chủ đầu tư trong việc thực hiện chi trả đền bù và triển khai dự án: “Nói thật chúng tôi hết cách. Huyện đã nhiều lần gửi văn bản nhưng họ không có ý kiến gì, cứ mặc kệ. Giờ chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi chứ biết làm gì?
Cái này các anh nên nói với Chủ tịch tỉnh để lãnh đạo có ý kiến chỉ đạo FLC. Chúng tôi hết cách với họ rồi, chịu rồi. Họ cứ kéo dài tình trạng này thì người dân không chịu được đâu”.
Trong khi đó, hành động của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mà trực tiếp là Ban quản lý dự án Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đến nay cũng chỉ mới dừng lại ở việc đề nghị hoặc yêu cầu bằng văn bản đối với chủ đầu tư trong việc đền bù, triển khai dự án mà chưa có giải pháp quyết liệt đối với chủ đầu tư "có tiếng mà không có miếng này".
Theo đó, ngày 20/7/2018, Ban quản lý dự án Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tiếp tục có văn bản gửi Công ty cổ phần tập đoàn FLC về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long.
Bao giờ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá giải quyết được bức xúc của dân? |
Tại văn bản này, Ban quản lý dự án Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nội dung cam kết tiến độ thực hiện dự án.
Đề nghị chủ đầu tư có báo cáo bằng văn bản về tình hình thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại, bao gồm: Các công việc đã thực hiện và chưa thực hiện; kế hoạch cụ thể về thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án...
Cũng cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, thậm chí là lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có văn bản đôn đốc chủ đầu tư chi trả tiền đền bù, thực hiện dự án theo đúng cam kết, nhưng mọi việc dường dư vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Vậy thì chẳng có lý gì để lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ưu ái cho chủ đầu tư vi phạm cam kết, kéo dài việc triển khai dự án, gây ảnh hưởng tới tư liệu sản xuất của người dân và cơ hội của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với chủ đầu tư (tập đoàn FLC), thậm chí thu hồi dự án này, trả lại tư liệu sản xuất cho người dân để họ lấy kế sinh nhai, tạo môi trường lành mạnh trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, theo báo cáo của Ban quản lý dự án Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp về tình hình triển khai dự án FLC Hoàng Long gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/7 nêu rõ, tiến độ thực hiện dự án đến nay rất chậm, trong đó có việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại cho người dân tại một số xã của huyện Hoằng Hóa, Thành phố Thanh Hóa.
Cụ thể, tại xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) đơn vị có thẩm quyền đã phê duyệt dự toán bồi thường với tổng số tiền 24,07 tỷ đồng, diện tích là 16,65 ha, 231 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư đã chi trả được 6,4 tỷ đồng (trong đó 3,4 tỷ chi trả năm 2015 và 3,0 tỷ chi trả cuối năm 2017).
Tại xã Hoằng Đồng có diện tích thu hồi đất là 36,5 ha, hiện đã tiến hành chi trả được 3,02 ha gồm 61 hộ với kinh phí chi trả là 4,755 tỷ đồng để phục vụ lễ khởi công năm 2015. Riêng tại xã Hoằng Minh chưa tiến hành kiểm kê.
Tại Thành phố Thanh Hóa, đơn vị có thẩm quyền chưa hoàn thiện các thủ tục kiểm kê và phê duyệt dự toán bồi thường.
Chủ đầu tư đã chuyển 6,684 tỷ đồng cho ban giải phóng mặt bằng thành phố Thanh Hóa để chi trả cho các hộ dân bị dừng sản xuất theo quyết định số 19959/QĐ-UBND; 19960/QĐ-UBND và Quyết định số 20681/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa...