FLC mang tiếng là tập đoàn kinh tế lớn, sao vẫn nợ cả người nông dân?

14/07/2018 06:19
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Quan điểm của chúng tôi là, nếu doanh nghiệp không có định hướng đầu tư nữa thì dự án này sẽ được thu hồi lại", ông Nguyễn Văn Thi nói.

LTS: Viễn cảnh tươi đẹp của dự án FLC Hoàng Long được Công ty cổ phần tập đoàn FLC "vẽ" ra cách đây hơn 3 năm đến giờ vẫn chỉ là... giấc mơ.

Đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền nên nhìn nhận một cách thực chất về dự án này đồng thời cần có giải pháp mạnh hơn nữa đối với chủ đầu tư chây ì thực hiện dự án, đặc biệt là việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp bên hành lang Kỳ họp thứ sáu, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII hôm 11/7.

Thưa ông, việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long (mở rộng) do FLC làm chủ đầu tư đến nay ra sao?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tiến độ thực hiện dự án đến nay rất chậm, trong đó có việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại cho người dân tại một số xã của huyện Hoằng Hóa, Thành phố Thanh Hóa.

Cụ thể, tại xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) đơn vị có thẩm quyền đã phê duyệt dự toán bồi thường với tổng số tiền 24,07 tỷ đồng, diện tích là 16,65 ha, 231 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng.

Chủ đầu tư đã chi trả được 6,4 tỷ đồng (trong đó 3,4 tỷ chi trả năm 2015 và 3,0 tỷ chi trả cuối năm 2017).

Tại xã Hoằng Đồng có diện tích thu hồi đất là 36,5 ha, hiện đã tiến hành chi trả được 3,02 ha gồm 61 hộ với kinh phí chi trả là 4,755 tỷ đồng để phục vụ lễ khởi công năm 2015. Riêng tại xã Hoằng Minh chưa tiến hành kiểm kê.

Tại Thành phố Thanh Hóa, đơn vị có thẩm quyền chưa hoàn thiện các thủ tục kiểm kê và phê duyệt dự toán bồi thường. Chủ đầu tư đã chuyển 6,684 tỷ đồng cho ban giải phóng mặt bằng thành phố Thanh Hóa để chi trả cho các hộ dân bị dừng sản xuất theo quyết định số 19959/QĐ-UBND; 19960/QĐ-UBND và Quyết định số 20681/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ảnh: QUỐC TOẢN.
Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ảnh: QUỐC TOẢN.

Trước thực trạng này, ngày 6/7/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì họp với công ty về tiến độ thực hiện dự án, đồng thời các đơn vị liên quan đã thống nhất một số nội dung quan trọng.

Về việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thuộc xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, hiện nay đã có quyết định phê duyệt dự toán bồi thuờng. Do đó ngay sau hội nghị chủ đầu tư cần phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa để lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí để chi trả ngay cho các hộ dân.

Tại xã Hoằng Đồng, chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị (đến ngày 08/8/2017) chủ đầu tư phải chuyển lại hồ sơ trích đo địa chính, biên bản kiểm kê và các hồ sơ liên quan cho Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa để có cơ sở tiến hành thu hồi đất và phê duyệt dự toán bồi thuờng giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư phải bố trí kinh phí để hoàn thành việc chi trả trong năm 2017.

Đối với xã Hoằng Minh, chủ đầu tư khẩn trương lập bản đồ trích đo địa chính, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa tiến hành kiểm kê, thu hồi đất và phê duyệt dự toán bồi thuờng, giải phóng mặt bằng, bố trí kinh phí để hoàn thành việc chi trả trong năm 2017.

FLC mang tiếng là tập đoàn kinh tế lớn, sao vẫn nợ cả người nông dân? ảnh 2

Bao giờ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá giải quyết được bức xúc của dân?

Bên cạnh đó, các bên thống nhất đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa nhanh chóng kiểm kê diện tích bị ảnh hưởng phải dừng sản xuất, có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ truơng, làm cơ sở phê duyệt dự toán hỗ trợ để chủ đầu tư chi trả.

Đối với diện tích đất thuộc Thành phố Thanh Hóa, thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc phân kỳ đầu tư để đảm bảo hiệu quả dự án, công tác giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu tiến hành trong Quý II/2018.

Về hồ sơ trích đo địa chính, đề nghị chủ đầu tư chuyển cho Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa trước ngày 8/8/2017 để làm cơ sở bàn giao mốc.

Chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị (đến ngày 20/9/2017), chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Ngày khởi công dự án, FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu. Nhưng 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống. Ảnh: QUỐC TOẢN.
Ngày khởi công dự án, FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu. Nhưng 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống. Ảnh: QUỐC TOẢN.

Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa trình thẩm định thiết kế cơ sở cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khác theo quy định.

Về công tác giải phóng mặt bằng cũng mới chỉ thực hiện chi trả được trên 10 tỷ đồng tại địa bàn huyện Hoằng Hóa, còn tại địa bàn thành phố Thanh Hóa vẫn chưa có kết quả. Tiến độ thực hiện dự án rất chậm theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, tỉnh Thanh Hóa “ưu ái” doanh nghiệp FLC hơn là đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Thi: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vẫn có quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là bất kỳ nhà đầu tư nào đến địa phương đầu tư đều được tạo điều kiện, hỗ trợ phục vụ và được đối xử bình đẳng như nhau.

Ngoài ra đối với những dự án có mức độ ảnh hưởng, sức lan tỏa tích cực về kinh tế - xã hội thì tỉnh sẽ có sự ưu ái hơn.

Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra tại dự án FLC Hoàng Long đặc biệt là việc hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất, liệu ông có còn niềm tin vào sự thành công của dự án này nữa không?

Ông Nguyễn Văn Thi: Cho đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn cam kết đầu tư. Hy vọng đối với một tập đoàn lớn như FLC thì tiếng nói của họ sẽ đúng.

Tôi nghĩ đây là tập đoàn lớn và có nhiều dự án đầu tư theo kế hoạch. Cho nên tôi vẫn tin tưởng trong thời gian tới họ sẽ có động thái tốt hơn về dự án này.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ làm gì nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục chây ì trong việc triển khai dự án, đặc biệt là vấn đề kiểm kê, chi trả tiền đền bù cho người dân thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Nếu doanh nghiệp không có định hướng đầu tư nữa thì trong năm nay, chúng tôi sẽ làm việc với họ và sẽ có định hướng cụ thể.

Quan điểm của chúng tôi là nếu doanh nghiệp không có định hướng đầu tư nữa thì dự án này sẽ được thu hồi lại.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Khi được hỏi về việc xử lý dự án "treo" FLC Hoàng Long, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tới đây tỉnh sẽ tập trung xử lý những vướng mắc tại dự án FLC Hoàng Long".

Ông Nguyễn Đình Xứng đề nghị phóng viên làm việc với Ban quản lý dự án Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)