Câu chuyện 434 giáo viên ở huyện Thanh Oai, Hà Nội đứng trước nguy cơ bị cho thôi việc đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết chuyển tải tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo, có nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn bảo vệ quyền lợi của các thầy cô. Đặc biệt là những nhà giáo đã cống hiến trong nghề lâu năm.
Nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên khi biết, ở Thủ đô Hà Nội nhưng những giáo viên lao động cần mẫn suốt 20 năm qua lại chỉ nhận được đồng lương là 1,3 triệu đồng/tháng.
Sau khi nắm bắt thông tin này, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng, mức lương này của các thầy cô giáo ở Thanh Oai, Hà Nội là quá thấp.
Qua trao đổi với bà Bùi Thị An có thể thấy, việc nhiều thầy cô gắn bó 20 năm với nghề dạy học nhưng lương chỉ ở bậc 1 đã khiến bà giật mình.
Theo bà Bùi Thị An: "Nếu quẳng thầy cô ra đường bây giờ thì họ lấy gì để sống". |
Theo bà Bùi Thị An: “Đừng quẳng thầy cô ra đường ngay. Nếu quẳng thầy cô ra đường bây giờ thì họ lấy gì để sống”.
Phân tích thêm ý kiến của mình, bà Bùi Thị An chia sẻ: “Rõ ràng muốn cải cách cơ bản toàn diện giáo dục thì phải chú ý đến đội ngũ giáo viên.
Vấn đề tuyển giáo viên phải đảm bảo nguyên tắc tuyển đúng, tuyển đủ và đảm bảo chất lượng.
Trong trường hợp mình sử dụng giáo viên 20 năm rồi thì phải suy nghĩ rất kỹ để có phương án tối ưu.
Bây giờ, nếu có hạn mức, định mức thì tuyển dụng công khai, công bằng, minh bạch để lựa chọn được người phù hợp.
Nếu thầy cô nào mà không đạt chuẩn về chuyên môn cũng cần nghiên cứu chế độ phù hợp để đảm bảo quyền lợi của họ.
Vì những thầy cô đó đã cống hiến lâu năm, chỉ mấy năm nữa là có chế độ nghỉ hưu.
Do đó, phải nghiên cứu phương án tốt nhất để họ không phải chịu quá nhiều thiệt thòi”.
Thanh Oai tổ chức thi cho 434 giáo viên là để tuyển dụng hay sa thải? |
Bà Bùi Thị An nhận định rằng: “Những giáo viên làm việc 20 năm gắn bó với nghề mà chỉ nhận mức lương bậc 1 là chứng tỏ họ quá đam mê với nghề.
Với những giáo viên như vậy cần có cách đối xử nhân văn. Còn đối xử như thế nào để phù hợp thì tùy thuộc và tình hình thực tế của địa phương ở huyện Thanh Oai”.
Cuối cùng bà Bùi Thị An cho rằng: “Chính sách với giáo viên thì Chính phủ có quy định chung nhưng khi áp dụng Hà Nội với Lào Cai hay các tỉnh khác sẽ phải khác nhau.
Điều này là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Cần phải có chế độ phù hợp để tạo điều kiện cho thầy cô phát triển nghề tốt nhất.
Trong trường hợp nếu không được gắn bó với nghề giáo nữa thì cũng cần bố trí công việc khác phù hợp để họ kiếm sống”.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 1/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai.
Ông Dũng cho biết, ngày 31/7, Tiến sĩ Vũ Minh Đức Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng đoàn cán bộ cấp thành phố đã về làm việc với phòng giáo dục và đại diện các giáo viên trong diện bị cắt hợp đồng.
Buổi làm việc này là để ghi nhận thực tế vụ việc 434 giáo viên đang bị cắt hợp đồng.
Các giáo viên tham dự buổi làm việc đã đề bạt nguyện vọng được giữ lại làm việc.
Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? |
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 19/7/2018 Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội ra văn bản số 1020/UBND-NV do bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai ký về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Một trong những nội dung trong văn bản nêu: “Thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện:
Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…”.
Khi văn bản này được ban hành, có đến 434 giáo viên của huyện Thanh Oai thuộc diện này đứng ngồi không yên lo lắng sợ mất việc.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng.
Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi biên chế.
Ở bậc trung học cơ sở huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên trong khi số hợp đồng hiên nay nhiều hơn 100 người. Do đó, số giáo viên hợp đồng phải tham gia thi tuyển.
Về giáo viên bậc mầm non, huyện Thanh Oai đang thiếu 43 người nên không thể tổ chức thi tuyển.
"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng" |
Do đó, với số giáo viên mầm non diện hợp đồng sẽ ra các nhóm tư thục làm việc. Bước đầu, dự kiến bố trí được khoảng 70 giáo viên, số còn lại phải tự lo việc.
Chia sẻ với các giáo viên sẽ mất việc tới đây, ông Dũng cho rằng, ông rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời.
Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1.
Hỏi về các chính sách ưu tiên đối với các giáo viên diện hợp đồng có thâm niên dạy học lâu năm, ông Dũng cho rằng hiện không có một ưu tiên nào khác nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển.