Tiếp tục câu chuyện 434 giáo viên bị cắt hợp đồng tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến của các thầy cô giáo về thông tin tới đây huyện Thanh Oai sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển biên chế.
Bàn luận về kế hoạch này, cô giáo T. (xin được giấu tên), giáo viên toán – tin chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Tôi chưa hề biết được thông tin này.
Nếu như huyện tổ chức thi thì cần có chế độ đặc thù cho các giáo viên diện hợp đồng lâu năm".
Huyện Thanh Oai nếu tiến hành thi tuyển giáo viên thì nên cần có chính sách ưu tiên cho các giáo viên diện hợp đồng lâu năm (ảnh do bạn đọc cung cấp). |
Cô T. nhấn mạnh: “3 năm trước đây, huyện Thanh Oai có tổ chức thi công chức bậc mầm non.
Trong kỳ thi đó đã xét đặc cách đối với nhiều giáo viên mầm non có hơn 3 năm công tác.
Những giáo viên này không cần thi mà chỉ qua vòng phỏng vấn đánh giá năng lực.
Với những cô giáo mầm non trong thời gian làm việc mà có thành tích và không có vi phạm kỷ luật thì qua vòng phỏng vấn thì hầu hết đều đỗ.
Do đó, theo tôi nếu tổ chức thi cho 434 giáo viên hợp đồng thì nên tổ chức theo hướng đó”.
Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? |
Chia sẻ thêm về công tác dạy học, cô T. kể rằng, cô đã đi dạy được 7 năm và có nhiều thành tích trong giảng dạy.
Cô T. từng đạt giải 3 trong kỳ thi kỹ năng công nghệ thông tin cấp thành phố Hà Nội.
Mỗi lần tham gia thi ở cấp huyện cô T. đều đạt giải nhất.
Nói về hi vọng đỗ đạt khi Thanh Oai tổ chức thi công chức như thành phố Hà Nội trước đây, cô giáo T. chỉ thở dài.
Cô T. chia sẻ rằng: “Tôi nhiều lần tham gia kỳ thi tuyển biên chế giáo viên. Trong các kỳ thi đó kết quả của tôi là luôn đứng sau người đỗ biên chế.
Năm nào nếu có tổ chức thi tôi cũng tham gia nhưng cuối cùng đều trượt mặc dù đã cố gắng rất nhiều.
Nếu như tổ chức thi tôi chắc chắn không thể đỗ. Vì thi công chức đâu chỉ có thực lực…là đỗ.
Vì thế tôi cho rằng nên có chế độ đặc cách với giáo viên hợp đồng lâu năm. Còn nói về thi thôi thì không thể đỗ được”.
Qua trò chuyện, cô T. thỉnh cầu rằng: “Huyện Thanh Oai nên tổ chức như tuyển giáo viên mầm non trước đây.
Các giáo viên đi dạy lâu năm chỉ cần qua bài phỏng vấn kiểm tra năng lực là đạt yêu cầu".
"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng" |
Đồng quan điểm, cô L. (xin giấu tên) – giáo viên dạy toán cũng cho biết, cô đã tham gia nhiều kỳ thi công chức trước đây nhưng đều trượt.
Lý do mà cô L. đưa ra rất nhiều, trong đó có thể nói cô không có niềm tin về sự khách quan của những cuộc thi mà cô từng tham gia.
“Nếu tổ chức thi thì tôi chả kỳ vọng gì” – cô L. chia sẻ.
10 năm công tác, cô L. cũng như nhiều giáo viên diện hợp đồng khác cố gắng bám trụ với nghề bằng đồng lương ít ỏi là 1 triệu 150 nghìn đồng/tháng.
Cô L. chấp nhận thiệt thòi như vậy để đeo đuổi hy vọng một ngày nào đó được vào biên chế.
Nhưng sau khi nhận thông báo 1020 của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai là sẽ cắt hợp đồng, chuyển về trường để hiệu trưởng trực tiếp ký thì cô L. rất là buồn.
Cô L. sợ rằng, từ ngày 1/1/2019 cô không còn cơ hội được đứng trên bục giảng nữa.
Trước những tâm tư của các giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/7, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, sắp tới Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai sẽ ban hành kế hoạch sử dụng các giáo viên hợp đồng vừa bị cắt.
Theo đó, kế hoạch sẽ xem xét dựa vào nhu cầu giảng dạy và sẽ có chế độ ưu tiên cho các đối tượng như con liệt sĩ, con thương bình, giáo viên có thời gian công tác lâu năm trong ngành.
Cũng theo vị Trưởng phòng giáo dục và đào tạo này, đối tượng công tác lâu năm là bao nhiêu năm mới được ưu tiên thì cần phải bàn bạc tiếp. Có thể những giáo viên công tác 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm mới được ưu tiên.
Ông Dũng còn cho biết, văn bản 1020 - thông báo việc huyện Thanh Oai chấm dứt hợp đồng với 434 giáo viên để chuyển cho hiệu trưởng ký trực tiếp mới chỉ là dự lệnh.
Tới đây sẽ bàn về kế hoạch để sử dụng số giáo viên đó. Các quyền lợi của giáo viên cũng đang được bàn tiếp chứ không để quyền lợi của các giáo viên bị thiệt thòi quá.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 19/7/2018 Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội ra văn bản số 1020/UBND-NV do bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai ký về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Một trong những nội dung trong văn bản nêu: “Thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện:
Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…”.
Khi văn bản này được ban hành, có đến 434 giáo viên của huyện Thanh Oai thuộc diện này đứng ngồi không yên lo lắng sợ mất việc.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng.
Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi biên chế.
Ở bậc trung học cơ sở huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên trong khi số hợp đồng hiên nay nhiều hơn 100 người. Do đó, số giáo viên hợp đồng phải tham gia thi tuyển.
Về giáo viên bậc mầm non, huyện Thanh Oai đang thiếu 43 người nên không thể tổ chức thi tuyển.
Do đó, với số giáo viên mầm non diện hợp đồng sẽ ra các nhóm tư thục làm việc. Bước đầu, dự kiến bố trí được khoảng 70 giáo viên, số còn lại phải tự lo việc.
Chia sẻ với các giáo viên sẽ mất việc tới đây, ông Dũng cho rằng, ông rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời.
Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1.
Hỏi về các chính sách ưu tiên đối với các giáo viên diện hợp đồng có thâm niên dạy học lâu năm, ông Dũng cho rằng hiện không có một ưu tiên nào khác nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển.