Máy móc cắt giảm 10% giáo viên là chưa chuẩn xác

03/08/2018 07:37
Thùy Linh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác".

Tinh giản biên chế giáo viên là vấn đề “nóng” nêu ra bàn bạc trong Hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành ngày 02/8/2018. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề biên chế được các đại biểu phản ánh rất đúng thực tế và đã từng được đưa vào một phiên thảo luận chính thức của Chính phủ. 

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kỹ về vấn đề này. Việc nào thuộc quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm sát tình hình biên chế của giáo viên ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ trước, Bộ Giáo dục đã đề cập nhưng thực hiện chậm.

Vào đầu nhiệm kỳ này, đây là một trong những việc tôi chỉ đạo đồng chí Bộ trưởng phải làm ngay.

Đến bây giờ, lần đầu tiên từ nhiều chục năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm được tình hình giáo viên ở từng trường không chỉ ở số lượng mà về trình độ, chuyên ngành đào tạo và phân công công việc. 

Đây là tiến bộ ban đầu làm cơ sở để giải quyết câu chuyện biên chế. Đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác". (Ảnh: Thùy Linh)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác". (Ảnh: Thùy Linh)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, số giáo viên không chỉ tính biên chế tổng của tỉnh, bởi lẽ có nhiều trường hợp tổng biên chế của tỉnh thì thừa nhưng có huyện lại thiếu.

Thậm chí, ngay trên một địa bàn, có thể thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn kia.

Giáo viên trung học  hay tiểu học thì không điều từ thành phố thuộc tỉnh về huyện dạy được vì nó còn liên quan đến gia đình, chỗ ở của họ. 

Từ cập nhật tổng thể về việc này, tới đây về dài hạn chúng ta căn cứ vào đó định mức đặt hàng đào tạo sư phạm. Còn trước mắt, giải quyết câu chuyện biên chế ở một số nơi.

Trước phản ánh của một số địa phương về việc gặp khó trong vấn đề cắt giảm biên chế giáo viên trong khi nhu cầu học tập của con em ngày càng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: 

Nghị quyết 19 của trung ương về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt máy móc 10% biên chế giáo viên mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. 

Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống nữa.

Máy móc cắt giảm 10% giáo viên là chưa chuẩn xác ảnh 2Biên chế giáo viên có hạn, 2 tỉnh xin cơ chế phát triển trường ngoài công lập

Với các trường đại học cũng như vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, biên chế giáo viên đại học khi trường đã tự chủ sẽ không tính vào biên chế theo khái niệm cũ.

Ông Đam cho rằng: “Việc thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác”.

Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường trên cơ sở tùy tình hình địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, gia đình.

Đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày, sĩ số hợp lý, giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản.

Giảm bớt sự can thiệp hành chính từ cấp huyện, quận trực tiếp xuống các trường 

Về tự chủ đại học và đổi mới quản lý giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Chính phủ để ban hành nghị định, tạo điều kiện cho các trường phổ thông ở địa phương trên cơ sở đó có thể tự chủ được lương của giáo viên.

Về chuyện đổi mới quản trị nhà trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định:

“Sẽ có nghị định ban hành, tiến tới giảm bớt sự can thiệp hành chính từ cấp huyện, quận trực tiếp xuống các trường, tập trung quá nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn vào một cá nhân hiệu trưởng. 

Quản trị nhà trường phải có sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, học sinh, giáo viên theo hướng minh bạch và dân chủ”.

Nói tới tự chủ đại học, ông Đam đánh giá đã có nhiều tiến bộ từ khi thực hiện Nghị quyết cho đến nay. Trước đây chỉ có 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) và một vài trường đại học vùng khác có một số quyền. 

Còn bây giờ đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ và nhiều trường đang chờ Chính phủ chính thức ban hành nghị định để thực hiện tự chủ.

Kêu gọi xã hội chung tay xây nhà vệ sinh trường học

Theo thống kê, trường học Việt Nam cần 40 nghìn tỷ đồng để xây nhà vệ sinh nhưng ngân sách không thể đáp ứng được con số đó.

Máy móc cắt giảm 10% giáo viên là chưa chuẩn xác ảnh 3Cho đại học tự chủ nhưng không được cắt ngân sách nhà nước

Phó Thủ tướng đưa giải pháp: hãy lập một địa chỉ cụ thể để các trường chụp lại ảnh nhà vệ sinh của trường mình, gửi lên để toàn xã hội cùng thấy, từ đó kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của học sinh khi đến trường.

Nhưng theo ông Đam, quan trọng hơn, khi đã có nhà vệ sinh sạch đẹp, phải dạy các cháu thói quen giữ gìn. 

“Bản thân thầy cô không hướng dẫn các cháu, không hình thành thói quen cho các cháu. Tôi đã trực tiếp đi nhiều nơi, có trường rất khang trang nhưng ngửa lên trần đầy màng nhện, vườn đầy cỏ dại… 

Nhà vệ sinh xây mới đẹp chuẩn, sáng vẫn sạch nhưng đến trưa là bẩn. Đây cũng chính là dạy làm người” – ông Đam nói.

Không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo


Khi phản hồi ý kiến của đại diện tỉnh Kiên Giang về câu chuyện xã hội hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vô hình chung do quản lý không tốt đã chặn hết nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn, biến thành cào bằng trên danh nghĩa hội phụ huynh. Như vậy là không đúng tính chất và gây bức xúc.

Ông Đam cho biết, hiện nay Bộ đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó sẽ giải quyết vấn đề: một mặt ngăn không cho lợi dụng danh nghĩa của tất cả mọi tổ chức cơ quan để “bổ” đầu người, bắt phụ huynh đóng một cách “tự nguyện”, mặt khác phải mở kênh để toàn xã hội tùy theo năng lực, tấm lòng của mình đóng góp cho giáo dục.

Máy móc cắt giảm 10% giáo viên là chưa chuẩn xác ảnh 4Tiến sĩ Võ Thế Quân góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Phó Thủ tướng cho rằng, công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có rất nhiều điểm phải lưu ý nhưng có 2 điểm xuyên suốt mà ngay trong năm học mới này phải tiếp tục.

Thứ nhất là đổi mới giáo dục phải là một quá trình, vì thế nên trong quá trình ấy không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo. Đã vạch ra lộ trình rồi thì phải thực hiện rất khoa học, cầu thị, kiên trì. 

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Đổi mới giáo dục không giống như xây một ngôi nhà, làm đường, xây nhà máy mà là cả một quá trình từ những việc rất nhỏ. Đơn cử, hôm nay, nhiều ý kiến nói về đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì lộ trình cho việc này bắt đầu từ năm 2015, làm từng bước đến năm 2021 mới xong. 

Hay đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dù chúng ta chuẩn bị xong cũng không thể làm đồng loạt ở tất cả các bậc học mà phải làm “cuốn chiếu”, từng bước.

Đồng thời cần lưu ý, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế-xã hội, thói quen truyền thống nên khi đưa ra một giải pháp đổi mới cần phải cân đối lợi-hại.

Thứ hai, đổi mới giáo dục phải theo xu thế thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm, hay trong quá trình này có tác dụng ngược mà đi ngược lại.

“Tự chủ đại học hay tới đây quản lý các trường phổ thông phải thay đổi, bớt hành chính hoá thì đấy là xu thế thế giới. Lộ trình đổi mới thi cử cũng vậy”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Thùy Linh