Biên chế giáo viên có hạn, 2 tỉnh xin cơ chế phát triển trường ngoài công lập

04/07/2018 14:26
Đỗ Thơm
(GDVN) - Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh đã than về chuyện thiếu giáo viên. Để gỡ khó, các tỉnh đề nghị cơ chế để khuyến khích giáo dục ngoài công lập.

Tại hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm giữa Chính phủ với các tỉnh, thành phố, ngoài vấn đề kinh tế, lĩnh vực giáo dục cũng được nhiều lãnh đạo địa phương đề cập.

Ở đầu cầu Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu, hiện nay nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập của Tỉnh là rất lớn. Nhất là giáo viên mầm mon.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

“Nếu cứ theo tiến độ của các quy định hiện hành thì giáo viên mầm non ở Thanh Hóa nhu cầu là 20.000.

Hiện nay, Tỉnh mới được giao biên chế 12.000.

Vừa rồi, Tỉnh đã xin Chính phủ và đã có hợp đồng trên với trên 4.000.  Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế là vẫn thiếu”, lãnh đạo tinh Thanh Hóa cho hay.

Ông Xứng cũng thừa nhận, nếu như cứ đà này tăng biên chế thì rất khó khăn, Chính phủ không cho.

Thanh Hóa đã xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích giáo dục ngoài công lập và đến nay đã có các đơn vị triển khai việc này.

“Chúng tôi đề nghị nếu không tăng biên chế thì cần nghiên cứu cơ chế giao khoán cho giáo dục Thanh Hóa, Trung học cơ sở, mầm non theo hướng quy định học phí cao hơn cho các trường tự chủ.

Nếu cứ đà này biên chế cho giáo dục sẽ phải tăng cao, khả năng đáp ứng ngân sách là có hạn”, ông Xứng nhận định.

Cũng về vấn đề giáo viên, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng đồng ý bổ sung biên chế giáo viên cho Tỉnh.

Biên chế giáo viên có hạn, 2 tỉnh xin cơ chế phát triển trường ngoài công lập ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nội vụ lên tiếng về tinh giản biên chế giáo viên

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, việc này là để giảm áp lực và giải quyết những khó khăn về biên chế của ngành giáo dục Tỉnh do tăng dân số cơ học và số học sinh tăng rất nhanh.

Trước mắt, Tỉnh đề nghị cho phép các trường thực hiện khoán định mức giáo viên trong năm học 2018 – 2019 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Lãnh đạo Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cho phép Bắc Ninh thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triến các trường ngoài công lập.

Cụ thể như hỗ trợ về lãi suất, mặt bằng, cơ sở vật chất để giảm học phí cho học sinh. Đặc biệt là ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đỗ Thơm