Mục tiêu và ý nghĩa thực sự của COC với Biển Đông

09/08/2018 09:49
TIẾN SỸ TRẦN CÔNG TRỤC
(GDVN) - Mục tiêu ưu tiên khi xây dựng COC, trước mắt là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để các bên tranh chấp có điều kiện thuận lợi cùng nhau giải quyết...

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu phần còn lại của bài phân tích các diễn biến mới nhất về tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Bài viết này tiếp theo phần 1 "Đừng biến COC thành bác sỹ phẫu thuật có khả năng ghép nối lưỡi bò"

4. Về nội dung “Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và sự tín nhiệm”

Có 2 sự lựa chọn: Lựa chọn đầu tiên được liệt kê bởi Indonesia gồm bốn biện pháp: đối thoại giữa các quan chức quốc phòng và quân đội, đối xử nhân đạo với người gặp nạn, tự nguyện thông báo về các cuộc tập trận chung hay kết hợp sắp diễn ra, và thường xuyên trao đổi thông tin liên quan.

Lựa chọn thứ hai: có 5 điểm do Trung Quốc đề xuất, một đề xuất do Philippines và điểm cuối cùng được đề xuất chung bởi Trung Quốc và Philippines.

Điểm đầu tiên Trung Quốc đề xuất: “các hoạt động quân sự trong khu vực là để dẫn tới tăng cường lòng tin lẫn nhau”.

Đề xuất thứ hai Trung Quốc kêu gọi: giao lưu giữa các lực lượng quốc phòng và quân đội bao gồm “tàu quân sự ghé thăm cảng của nhau và tuần tra chung một cách thường xuyên”.

Mục tiêu và ý nghĩa thực sự của COC với Biển Đông ảnh 1Đừng biến COC thành “bác sỹ phẫu thuật” có khả năng ghép nối “lưỡi bò"

Đề xuất thứ 3 kêu gọi: “thường xuyên tập trận chung giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN”.

Điểm thứ tư Trung Quốc đề xuất: “các bên sẽ thiết lập một cơ chế thông báo các hoạt động quân sự, và thông báo cho nhau các hoạt động quân sự chính nếu thấy cần thiết.

Các bên không được tập trận chung với các nước ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan đã được thông báo trước và không phản đối”

Điểm đề xuất thứ năm của Trung Quốc lưu ý rằng: các tàu và máy bay quân sự được hưởng quyền miễn trừ quốc gia và được “miễn trừ tài phán bởi bất cứ quốc gia nào khác ngoài quốc gia mà tàu đăng ký”.

Hơn nữa, tàu và máy bay quân sự được hưởng quyền tự vệ, “nhưng phải có sự lưu tâm thích đáng đến các tàu và máy bay quân sự của bên còn lại…”.

Việt Nam đã đưa ra một bảng đề xuất riêng của mình thay thế toàn bộ những điểm nêu tại nội dung này.

Việt Nam đề nghị rằng, các quốc gia ký kết tôn trọng “các vùng biển được quy định và thiết lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam cũng đề xuất rằng, "các quốc gia ký kết cần cung cấp thông báo trước 60 ngày về cuộc tập trận chung/kết hợp sắp diễn ra” ở Biển Đông.

Việt Nam cũng đề xuất một hướng dẫn cụ thể về những gì quốc gia ký kết không nên làm, bao gồm xây dựng trên bất kỳ đảo nhân tạo nào, quân sự hóa các thực thể, phong tỏa tàu chở lương thực hay luân chuyển nhân sự, tuyên bố Khu vực Nhận diện Phòng không và tiến hành các các cuộc mô phỏng tấn công tàu và máy bay của các quốc gia khác.

5. Về vai trò của bên thứ ba

Các bên thứ ba là những quốc gia không tham gia ký COC. Không có quy định nào trong văn bản về việc các bên thứ ba có trách nhiệm hay các quyền được tham gia, với tư cách là chủ thể hay đối tượng áp dụng của COC, nếu có hoạt động nhằm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong Biển Đông.

Mục tiêu và ý nghĩa thực sự của COC với Biển Đông ảnh 2Nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông khó loại trừ, ASEAN phải làm sao?

Vì vậy, Brunei đề xuất rằng, “sau khi COC có hiệu lực, các bên có thể đề xuất lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết hai năm một lần để đảm bảo tất cả các quốc gia khác tôn trọng những nguyên tắc có trong COC…”.

Trong khi đó, đề xuất của Trung Quốc chủ yếu nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN ký kết COC phải hạn chế, nếu như không phải là loại trừ hoàn toàn sự tham gia của các bên thứ ba.

Có thể nói, đây là chủ trương xuyên suốt “phi quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang theo đuổi.

6. Về tính chất của COC

Văn bản chưa có quy định nào cho thấy COC là một Hiệp ước theo luật quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đề xuất rằng các quốc gia thành viên “đồng ý ràng buộc bởi Bộ Quy tắc Ứng xử hiện hành…”.

COC “phải được phê chuẩn theo thủ tục nội bộ tương ứng của các quốc gia ký kết” và Việt Nam và Brunei đều đề nghị rằng khi ký kết COC các quốc gia thành viên không có quyền bảo lưu bất kỳ một quy định nào.

Văn bản phê chuẩn sẽ được gửi cho Tổng thư ký ASEAN – người “sẽ đăng ký” COC theo đúng điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc…

Mặc dù, còn có những vấn đề chưa thật chi tiết, rõ ràng về tính chất pháp lý của COC, văn bản này vẫn đang là một “tài liệu sống”, nghĩa là các bên vẫn có quyền thêm hoặc bớt trong văn bản dự thảo, sao cho COC khi được ký kết sẽ là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, với những nội dung cụ thể đã được thể hiện trong Văn bản duy nhất để đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử COC, kể cả những ý kiến đề xuất của các bên tham gia, có thể thấy rằng đã có những chuyển biến tích cực bước đầu theo chiều hướng COC là một văn bản có tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tham gia ký kết, chứ không còn chỉ là một văn kiện chính trị theo quan điểm của Trung Quốc khi thông qua “Khung COC”.

Trong nội dung này, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, văn bản này đã lặp lại những từ ngữ trong “Khung COC”: đây “không phải là một văn kiện để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định biển” khiến nhiều người hoài nghi về hiệu lực của COC.

Mục tiêu và ý nghĩa thực sự của COC với Biển Đông ảnh 3COC và câu chuyện kẻ thắng, người thua

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cụm từ này được nêu lại trong văn bản là có ý nghĩa thực tế, phù hợp với bối cảnh Biển Đông đang tồn tại những loại tranh chấp khác nhau, rất phức tạp và chồng chéo.

Không thể giải quyết chỉ trong một sớm một chiều và chỉ bằng một bộ “Quy tắc Ứng xử”(Code of Conduct) mà các bên tham gia mong muốn xây dựng để tạo ra hành lang pháp lý để xử lý các quan hệ rất phức tạp trong Biển Đông, có nguy cơ khiến cho tình hình Biển Đông có khả năng rơi vào tình trạng chiến tranh, xung đột, bất ổn…

Hơn nữa, mục tiêu ưu tiên khi xây dựng COC, trước mắt là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để các bên tranh chấp có điều kiện thuận lợi cùng nhau giải quyết các loại tranh chấp một cách cơ bản, lâu dài thông qua các biện pháp hòa bình. 

Phải chăng, chính vì thế mà ở phần 2, những nguyên tắc chung, Malaysia đã nhấn mạnh thêm:

“Các bên tiếp tục công nhận rằng COC không giải quyết hoặc không ảnh hưởng đến lập trường của các bên về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về ranh giới biển hoặc các quyền lợi biển mà các bên được hưởng theo luật quốc tế về biển và được ghi nhận/phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982?”.

Để có được một COC đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng khu vực và quốc tế, các quốc gia tham gia đàm phán sẽ còn vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở.

Bởi vì, đây là một công trình vẫn còn đang trong tiến trình mà dự kiến sẽ trải qua ít nhất ba lần thảo luận trước khi tiến tới một Bộ Quy tắc cuối cùng về Ứng xử ở Biển Đông. Tuy vậy, với việc thông qua văn bản này cũng là một thắng lợi đáng ghi nhận.

Chúng tôi tin tưởng các quan chức được các quốc gia thành viên đề cử tham gia đàm phán sẽ hoàn thành trọng trách của mình, với tư cách không chỉ là những chính khách, mà phải còn là những chuyên gia pháp lý, khoa học, kỹ thuật có tâm và có trình độ chuyên môn cao.

TIẾN SỸ TRẦN CÔNG TRỤC