Ngày 3/8/2018, tại Singapore, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã thống nhất về một “Văn bản Đàm phán Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.
Sự kiện này lập tức nhận được sự quan tâm của hầu hết các phương tiện truyền thông khu vực và quốc tế.
Đã có nhiều bài phân tích bình luận liên quan đến nội dung của Văn bản đàm phán về Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử duy nhất ở Biển Đông.
Trong số đó, chúng tôi đánh giá cao tính khách quan, xây dựng của một chuyên gia người Úc, Giáo sư Carl Thayer, trong một bài viết đăng trên The Diplomat, ngày 04/8/2018, dưới tiêu đề: “Một cái nhìn kỹ hơn Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông của ASEAN-Trung Quốc”.
Bài báo cho biết: “Văn bản này dài 19 trang khổ A4. Nó được cấu trúc gồm 3 phần chính theo Thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử đã được thông qua trước đây: những điều khoản mở đầu, những điều khoản chung và những điều khoản cuối cùng.
Các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Singapore. Ảnh: VCG. |
Để góp phần thông tin và làm rõ thêm những nội dung chủ yếu, cũng như những đề xuất của các bên trực tiếp thông qua văn bản này, chúng tôi xin được đề cập đến một số nội dung có thể là chủ đề thảo luận căng thẳng trong các cuộc thương lượng về COC sắp tới:
1. Về phạm vi điều chỉnh của COC
Có thể nói đây là nội dung cốt lõi của COC. Nếu không xác định phạm vi điều chỉnh thì COC sẽ không bao giờ được thông qua, hoặc nếu vì một lý do nào đó, COC vẫn được thông qua mà không có nội dung này thì nó chẳng có ý nghĩa và giá trị pháp lý gì, thậm chí càng làm cho tình trạng tranh chấp trên Biển Đông phức tạp thêm.
Thiết nghĩ, trong trường hợp như vậy, thì COC chỉ là công cụ để phía Trung Quốc lợi dụng nhằm thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, và trước mắt là để ứng phó trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị đang diễn ra hết sức khốc liệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy vậy, nội dung xác định phạm vi địa lý trong Biển Đông, một nội dung không thể thiếu được đối với một văn bản quy phạm pháp luật, thường được gọi là “phạm vi áp dụng”, lại không được nêu trong văn bản này. Vì vậy, các bên tham gia đã phải bổ sung ý kiến của mình, chẳng hạn:
- Việt Nam đề xuất rằng, “Bộ quy tắc ứng xử hiện tại sẽ áp dụng cho tất cả các thực thể đang trong tranh chấp và những vùng biển chồng lấn do những yêu sách theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông”.
- Indonesia thì thêm vào: “Các bên cam kết tôn trọng vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo quy định trong UNCLOS 1982”.
- Malaysia đề xuất: “Tùy thuộc vào các yếu tố/nội dung của COC, phạm vi địa lý/phạm vi áp dụng có thể cần phải được xác định”.
Singapore cần kiên trì lập trường thượng tôn pháp luật ở Biển Đông |
- Trong khi Singapore thì bình luận: “Các bên có thể sẽ muốn cân nhắc về sự tiện ích của việc thêm một phần về định nghĩa các thuật ngữ sẽ được sử dụng trong đó”…
Qua nghiên cứu, chúng tôi có thể phân chia quan điểm về việc xác định “Phạm vi áp dụng” của COC thành 3 nhóm:
Thứ nhất: Tránh không đề cập đến hoặc đề cập một cách chung chung theo cách mà văn bản này đã thể hiện và đã được Malaysia, Singapore… nêu ý kiến bổ sung như đã trình bày ở trên.
Thứ 2: Yêu cầu xác định phạm vi này nằm ngoài ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982.
Thứ 3: Phạm vi điều chỉnh của COC phải được xác định cụ thể bao gồm các thực thể địa lý có tranh chấp và vùng chồng lấn được hình thành bởi yêu sách theo đúng quy định của UNCLOS 1982.
Về nhóm ý kiến thứ nhất: Chúng tôi cho rằng, nếu theo loại ý kiến này, người ta có thể cho rằng phải chăng phạm vi áp dụng của COC là toàn bộ Biển Đông?
Nếu như vậy, thì có thể được hiểu rằng yêu sách ranh giới biển trong Biển Đông của Trung Quốc theo đường “lưỡi bò” sẽ được COC mặc nhiên thừa nhận.
Và trong trường hợp này, phải chăng COC sẽ trở thành “bác sỹ phẫu thuật” xuất sắc có khả năng “ghép nối” cái “lưỡi bò” đã bị cắt bỏ bởi Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016?
Về loại ý kiến thứ 2: chúng tôi thấy đây là ý kiến khá cụ thể, nhưng chưa đủ.
Bởi vì, như chúng tôi đã từng phân tích, trong Biển Đông không chỉ có vấn đề xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa ven bờ của các quốc gia ven biển và của các quốc gia quần đảo, mà còn có vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể thuộc các quần đảo nằm giữa Biển Đông và hiệu lực trong việc xác định các vùng biển và thềm lục địa của các thực thể này.
Hơn nữa, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể địa lý trong Biển Đông là loại quan hệ không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của UNCLOS 1982.
Về loại ý kiến thứ 3: về nguyên tắc, đây là ý kiến đề xuất khá cụ thể và đầy đủ. Bởi vì, đề xuất này đã bao quát toàn bộ các loại tranh chấp cần được tính đến để có được những chế định phù hợp cho một văn bản pháp luật với đúng nghĩa của nó.
Tuy nhiên, việc thống nhất được nội dung này nhằm đưa vào trong một bộ quy tắc ứng xử (COC) trong bối cảnh hiện tại có lẽ sẽ gặp nhiều trở ngại, cả về mặt nguyên tắc, lẫn quan điểm pháp lý, trong lập trường của các bên tranh chấp đã tồn tại từ lâu trong lịch sử.
Từ những nhận định nói trên, chúng tôi tin rằng các nhà đàm phán có lương tâm và trách nhiệm sẽ không chấp nhận nhóm ý kiến thứ nhất.
Vì vậy, họ sẽ kiên trì đàm phán để bổ sung thêm nội dung cho nhóm ý kiến thứ 2 và sẽ trên cơ sở ý kiến thuộc nhóm thứ 3, họ sẽ đưa ra được các phương án có ý nghĩa thực tế nhất, nhằm khai thông được những bế tắc có thể xảy ra trong đàm phán.
Để làm được điều này, thiết nghĩ cần phải tập trung phân tích, nghiên cứu thật thấu đáo tất cả những khả năng có thể diễn ra để có những giải pháp mà các bên liên quan có thể chấp nhận được, theo phương châm không gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.
Chưa đụng chạm đến quan điểm pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý tồn tại trong Biển Đông do các bên tranh chấp đã công khai.
Tạm thời chấp nhận nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng đối với các thực thể địa lý có tranh chấp và phạm vi biển xung quanh các thực thể này được xác định theo đúng các tiêu chuẩn do UNCLOS 1982 quy định…
2. Về cơ chế giải quyết tranh chấp
Đây cũng là một nội dung thể hiện trong văn bản còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau và sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong đàm phán sắp tới.
Mặc dù, phần lớn văn bản này được dành cho các vấn đề phòng ngừa, quản lý, giải quyết các tranh chấp Biển Đông giữa các bên, nhưng không có bất kỳ tham chiếu cụ thể nào đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc mà trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982, đã đề cập một cách cụ thể, ngoại trừ tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ và phân định ranh giới biển.
Để bổ sung cho khiếm khuyết này, Indonesia đã đề xuất: Các bên nhất trí, khi thích hợp sẽ sử dụng Hội đồng Cấp cao của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với sự đồng ý của các bên liên quan, để giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến các sự cố có thể xảy ra trên Biển Đông.
Các bên đồng ý rằng bất kỳ sự cố nào chưa được giải quyết sẽ được chuyển tới một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp của quốc tế, với sự đồng ý của các bên liên quan.
Việt Nam đề xuất rằng, các bên giải quyết tranh chấp “thông qua đàm phán hữu nghị, điều tra, trung gian, hòa giải và những biện pháp khác theo thỏa thuận của các quốc gia ký kết (Contracting States)”.
Muốn có COC đúng nghĩa ở Biển Đông, ASEAN cần thống nhất lập trường |
Nếu những biện pháp đó không thành công, Việt Nam đề nghị các bên tranh chấp “sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo những điều khoản tương ứng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á”.
Việt Nam kết luận rằng không có bất kỳ điều gì trong COC “sẽ ngăn cản” việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp theo Điều 33 (1) của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Điều 33 bao gồm “các biện pháp giải quyết tranh chấp khác” như Trọng tài, Tòa án quốc tế, sử dụng các cơ quan hay thỏa thuận khu vực, hoặc những biện pháp hòa bình khác được quyết định bởi các bên liên quan.
Ngoài ra, văn bản có hai lựa chọn để giám sát việc thực hiện. Lựa chọn thứ nhất, được ủng hộ bởi Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, và Singapore, đặt trách nhiệm vào Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc.
Lựa chọn thứ hai, do Việt Nam đề xuất, kêu gọi việc thiết lập một Ủy ban lãnh đạo bởi các Ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia.
3. Về nghĩa vụ hợp tác
Về cơ bản, văn bản đã sử dụng các quy định của UNCLOS 1982 rằng, các quốc gia ký kết có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển trong một biển nửa kín và trong khi đang chờ giải quyết tranh chấp, các quốc gia ký kết cần tham gia vào những thỏa thuận có tính thực tiễn.
Để cụ thể hóa, các bên tham gia đã đề xuất ý kiến bổ sung, chẳng hạn: văn bản chứa đựng một đề xuất của Việt Nam, đề nghị thay thế toàn bộ những cam kết cơ bản với 27 điểm quy định những điều các quốc gia phải làm và không được làm.
Trong khi đó, Philippines, Indonesia và Singapore, Trung Quốc và Campuchia, đã lần lượt đề xuất bốn lựa chọn riêng biệt về nghĩa vụ hợp tác.
Ngoại trừ lựa chọn Trung Quốc đề xuất, tất cả các lựa chọn khác về cơ bản đều bao gồm năm lĩnh vực hợp tác trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chúng bao gồm: bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn giao thông và liên lạc ở biển, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đề xuất của Indonesia bổ sung về đánh bắt trái phép trong Biển Đông. Campuchia thì đề xuất kết nối biển.
Đề xuất của Trung Quốc thì có phần chồng chéo với những lựa chọn khác, nhưng đáng chú ý ở trên sáu lĩnh vực hợp tác – bảo tồn nguồn cá, hợp tác an ninh và luật biển, đi lại và tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường, kinh tế biển bao gồm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản và dầu khí và văn hóa biển.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc đề xuất sự hợp tác chỉ được thực hiện bởi các quốc gia ven biển “và không được hợp tác với các công ty từ những nước ngoài khu vực”.
Ngược lại, Malaysia lại đề nghị rằng không nội dung nào của COC “sẽ ảnh hưởng đến quyền hoặc khả năng của các bên tiến hành các hoạt động cùng với nước ngoài hoặc các tổ chức tư nhân do họ tự lựa chọn”.
Mời quý độc giả quan tâm đón đọc phần 2 của bài viết vào ngày mai, 9/8.