Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách?

16/08/2018 06:15
Xuân Dương
(GDVN) - Sửa Luật Giáo dục, liệu có nên xem “công bằng” cho mọi đối tượng là một tiêu chí cần được quan tâm đặc biệt?

Số liệu công bố trên Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2017 cho thấy, năm 2017 Việt Nam có 2.477.175 học sinh bậc trung học phổ thông với 150.721 giáo viên.

Số trường trung học phổ thông cả nước là 2.391, trong đó có 2.110 trường công lập, 281 trường ngoài công lập. [1]

Tìm hiểu trong báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 (Bản chính thức gửi các điểm cầu) số liệu cấp trung học phổ thông toàn quốc có đôi chút thay đổi, xem bảng 1:

Danh mục

Tổng số

Công lập

Ngoài công lập

Số trường

2.811

2.376

435

Số lớp

65.094

59.936

5.131

Số học sinh

2.477.175

2.290.929

186.245

Bình quân học sinh/lớp

38

36

Bảng 1: Số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố

Nếu mỗi gia đình có từ một đến hai con học trung học phổ thông thì với gần 2,5 triệu học sinh, số gia đình sẽ vào khoảng từ 1,20 triệu đến gần 2,5 triệu, bình quân vào khoảng 1,8 triệu gia đình (cả nước có khoảng 24 triệu hộ gia đình).

Vậy 1,8 triệu gia đình ấy phải chi tiêu cho con học thế nào ở bậc trung học phổ thông?

Mức học phí trường công lập tùy theo quy định của từng địa phương:

Tại Hà Nội mức học phí nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2017 - 2018 trên địa bàn là 110.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng thành thị; 55.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng nông thôn và 14.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng núi.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh mức học phí nêu trên lên lần lượt là 155.000 đồng; 75.000 đồng và 19.000 đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2017-2018 học phí thu theo khu vực như sau:

Các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân:

Đối với nhóm nhà trẻ là 200.000 đồng/tháng/học sinh, nhóm mẫu giáo là 160.000 đồng, nhóm trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở là 100.000 là đồng, trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông là 120.000 đồng.

Giáo dục nên công bằng với tất cả học sinh. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn
Giáo dục nên công bằng với tất cả học sinh. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Ở khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè, mức thu học phí ở nhóm nhà trẻ là 140.000 đồng, mẫu giáo là 100.000 đồng, trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở là 85.000 đồng, trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông là 100.000 đồng.

Như vậy, bình quân học phí bậc trung học phổ thông ở cả hai thành phố trên vào khoảng 110.000 đồng/tháng chưa kể các khoản đóng góp “tự nguyện”.

Đối với học sinh phải học trường tư, mức học phí tùy thuộc vào thương hiệu nhà trường.

Tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, học phí trường trung học phổ thông Lý Thánh Tông như sau:

Học phí một tháng (mỗi tuần học 6 buổi) các lớp 10, 11, 12 theo thứ tự là 550.000 đồng, 650.000 đồng, 750.000 đồng.

Nếu mỗi tuần học sinh học thêm 2 buổi (tuần 8 buổi) thì mỗi tháng đóng thêm 100.000 đồng không phân biệt lớp.

Tiền xây dựng trường đầu năm học khoảng từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/học sinh.

Đây được xem là mức học phí thuộc diện thấp nhất địa bàn Hà Nội nhưng cũng gấp từ 5 đến 7 lần học phí trường công lập.

Các trường khác, chẳng hạn trường Lương Thế Vinh học phí đầu cấp là 2 triệu đồng/tháng; Học phí Vinschool là 6,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn 7 loại phí khác. [2]

Tình trạng học sinh trung học phổ thông quá tải tại hai thành phố lớn nhất cả nước như sau:

Danh mục

Hà Nội

Thành phố Hồ Chí Minh

Số học sinh thi vào lớp 10

94.964

86.881

Số trường trung học phổ thông công lập

120

103

Số trường trung học phổ thông ngoài công lập

123

121

Chỉ tiêu tuyển sinh công lập (học sinh)

67.780

68.690

Chỉ tiêu tuyển sinh ngoài công lập (học sinh)

30.730

33.000

Số liệu so sánh tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (nguồn [3])

Vì sao tại hai thành phố lớn nhất nước, khoảng 1/3 số học sinh lớp 10 theo học tại các trường ngoài công lập?

Ngoại trừ một số ít gia đình thu nhập cao tự nguyện cho con em học tại các trường quốc tế, trường chất lượng cao, số đông còn lại là bất đắc dĩ vì không đỗ kỳ thi vào lớp 10.

Báo Nhandan.com.vn viết về tình trạng tại Hà Nội như sau:

Hơn 24,8 nghìn chỉ tiêu của các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập sẽ góp phần giải quyết sự căng thẳng về chỗ học cho mùa tuyển sinh có sự gia tăng mạnh về số lượng năm nay”. [4]

Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách? ảnh 2Sở Giáo dục Hà Nội thừa nhận một số trường sĩ số lên tới 60 học sinh/lớp

Nói một cách sòng phẳng, kỳ thi tuyển chọn học sinh lớp 10 chỉ có mục đích là đẩy bớt một lượng lớn học sinh (khoảng 1/3) ra ngoài vì trường công lập không đủ chỗ thu nhận.

Chính điều này lý giải vì sao điểm chuẩn lại lên xuống như “sàn chứng khoán”, khi trường công còn chỗ thì hạ điểm chuẩn, khi hết chỗ thì tăng điểm chuẩn?

Những học sinh trượt lớp 10 công lập chủ yếu rơi vào trường hợp học lực yếu hoặc là gia đình khó khăn không thể đầu tư nhiều cho con em (học thêm).

Ngoại trừ một số ham chơi, lười học, học sinh học lực yếu vốn là sự ngẫu nhiên của tạo hóa, các em sinh ra với chỉ số thông minh kém bạn bè không phải lỗi của bản thân, bố mẹ các em nghèo phần lớn là do hoàn cảnh chứ không phải không chịu lao động.

Với chính sách giáo dục hiện tại, những người rơi vào “nhóm thiệt thòi” này lại càng bị thiệt thòi khi họ phải đóng tiền học gấp 5-7 lần người khác, điều này có hợp tình, hợp lý?

Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 06 tháng 6 năm 2017, khoản 1 điều 2 ghi:

Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) và giáo dục trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp)”.

Giáo dục trung học phổ thông được xác định là giai đoạn giáo dục “định hướng nghề nghiệp”.

Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách? ảnh 3Thành phố Hồ Chí Minh có thể miễn học phí cấp trung học cơ sở

Các trường ngoài công lập hiện nay, chủ yếu dạy kiến thức phổ thông chứ không phải “định hướng nghề nghiệp”.

Bằng một kỳ thi nhằm đẩy một lượng lớn học sinh sang các trường ngoài công lập liệu có đáp ứng tiêu chí “định hướng nghề nghiệp”?

Vì không đủ trường mà tổ chức thi để loại bớt học sinh vào học trường công lập tức là đẩy khó khăn của nhà nước cho người dân tự gánh vác, đây không phải là “xã hội hóa giáo dục”.

Xã hội hóa giáo dục phải xuất phát từ sự tự nguyện của người học và nhà đầu tư (mở trường tư).

Bằng biện pháp hành chính - tức là tổ chức kỳ thi - để buộc một lượng khá đông con em nhân dân phải tự bỏ tiền học nhằm đáp ứng tiêu chí “Giáo dục phổ thông” của Nhà nước liệu có phải là cách làm hợp lý?

Được biết Quốc hội đã lùi việc thông qua Luật Giáo dục nhằm tạo điều kiện cho người dân góp ý, xin nêu vài ý kiến:

Thứ nhất, phổ cập giáo dục

Khoản 2 điều 4 Luật Giáo dục 2005 quy định các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng;

d) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách? ảnh 4Thành phố Hồ Chí Minh có thể miễn học phí cấp trung học cơ sở

Khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục 2005 quy định:

Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Quy định về phổ cập giáo dục trong luật Giáo dục đã bỏ đi cấp học rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách công dân tương lai được quy định trong luật này là cấp “Mầm non”.

Người viết cho rằng “phổ cập giáo dục” nên quy định ở ba cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Cả ba cấp học này nhà nước bao cấp hoàn toàn. Khi điều kiện kinh tế cho phép thì mở rộng thêm các cấp học khác.

Thứ hai, chế độ bao cấp trong giáo dục

Giáo dục trung học phổ thông không phải là cấp phổ cập, đây là giáo dục “định hướng nghề nghiệp” nên cần xem xét lại chế độ bao cấp cho cấp học này.

Nếu xem đây là “giáo dục phổ thông”, nếu không bỏ bao cấp thì nhà nước phải cấp học phí cho học sinh học các trường ngoài công lập - trừ các trường quốc tế và trường chất lượng cao - và bãi bỏ quy định học theo tuyến (Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện [3]).

Cấp học phí cho học sinh trung học phổ thông theo học tại các trường ngoài công lập nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách, đổi lại vẫn tiết kiệm được một khoản tiền chi cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trả lương giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Với bậc đại học, đây là giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách? ảnh 5Các nguyên tắc cần quán triệt khi làm Luật Giáo dục

Bao cấp trong lĩnh vực này dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp có thể thấy rõ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, nhiều học sinh điểm cao tại các tỉnh có vấn đề về thi cử rơi vào các trường khối công an, sinh viên chính quy các trường này (cùng với các trường quân đội) được bao cấp hoàn toàn.

Không hiếm sinh viên học tập và tốt nghiệp tại các trường này sau đó lại ra ngoài làm việc.

Bãi bỏ bao cấp trong giáo dục “định hướng nghề nghiệp” và “giáo dục nghề nghiệp” sẽ bớt đi nhiều hệ lụy về thi cử, chạy trường,… đó mới chính là cách “xã hội hóa giáo dục”.

Thứ ba, công bằng xã hội

Việc phân chia khu vực để thu học phí (thành thị, nông thôn, miền núi) là nhằm bảo đảm chính sách xã hội với nhóm cư dân có hoàn cảnh khó khăn, điều này không có gì phải bàn luận.

Vấn đề ở chỗ cùng một khu vực, vì sao lại đẩy sự thiệt thòi về kinh tế cho cha mẹ những học sinh học lực yếu, đặc biệt là những gia đình thuộc diện “di dân tự do” đến các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp tập trung?

Sửa Luật Giáo dục, liệu có nên xem “công bằng” cho mọi đối tượng là một tiêu chí cần được quan tâm đặc biệt?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/to-gap.aspx?ItemID=5138

[2]http://vinschool.com/vi-vn/tuyen-sinh/hoc-phi.aspx

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/khac-biet-tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-va-tp-hcm-461989.html

[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36560102-chi-tieu-va-phuong-an-tuyen-sinh-lop-10-cac-truong-ngoai-cong-lap.html

Xuân Dương