Tại Hội thảo giáo dục năm 2018, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc giải thể đại học vùng.
Giáo sư Từ Quang Hiển - nguyên Giám đốc Trường Đại học Thái Nguyên đề xuất giải thể mô hình đại học vùng.
Theo ông, mô hình này thử nghiệm ở Việt Nam được 24 năm. Thực tế cho thấy mô hình này không phù hợp, làm kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên.
"Vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục hiện nay vậy.
Tôi từng là hiệu trưởng đại học thành viên cũng là giám đốc đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Nếu giải thể được là tốt nhất", ông Hiển kiến nghị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này.
Học sinh giỏi, tốt nghiệp bằng đỏ nhưng không có “ô” nên vẫn thất nghiệp |
Theo thầy Hiển, nếu không giải thể đại học vùng thì Quốc hội, Chính phủ nên trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học thành viên và có cơ chế chính sách cho đại học vùng tương đương như đại học quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy năng lực, vai trò của các trường thành viên.
“Tôi kiến nghị thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng giống như quản lý university system của nước ngoài, có nghĩa là đại học không phải là cấp quản lý trung gian (tổng cục), cũng không phải là cấp trên của các trường đại học thành viên;
Thực hiện được như vậy thì đại học và các trường thành viên đều phát triển bền vững” Giáo sư Từ Quang Hiển phát biểu tại hội thảo.
Ông Hiển cũng chỉ rõ, cần có cơ chế mở về đại học quốc gia/vùng, các trường đại học độc lập đóng cùng địa bàn với đại học quốc gia/vùng có thể tham gia đại học với tư cách trường thành viên, ngược lại các trường thành viên của đại học cũng có thể tách ra thành trường đại học độc lập.
Không đề xuất giải thể đại học vùng nhưng Giáo sư Lâm Quang Thiệp –nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định:
Theo dõi việc xây dựng và phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng các mô hình này có nhiều nhược điểm. (Ảnh: Thùy Linh) |
Mô hình hiện tại của cả đại học quốc gia và đại học vùng cần thay đổi vì đang làm các cơ sở giáo dục đại học không phát triển mạnh mẽ như mong muốn.
Theo dõi việc xây dựng và phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng, ông Thiệp cho rằng các mô hình này có nhiều nhược điểm.
“Các trường thành viên quan hệ lỏng lẻo và hầu như độc lập với nhau về đào tạo nên ưu thế nâng cao chất lượng không thể hiện được, hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động thấp”, ông Thiệp nhận định.
Từ đó, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho rằng các cơ sở giáo dục đại học quan trọng của Việt Nam nên được xây dựng theo mô hình đại học đa lĩnh vực (university) thực sự chứ không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp như hiện nay.
Ông Thiệp đề xuất hai giải pháp xử lý.
Thứ nhất là cho phép trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành đại học đa lĩnh vực (university) và đại học hai cấp biến thành tập đoàn “university” chứ không phải liên kết các đại học đơn ngành lại với nhau.
Thứ hai là đại học hai cấp chuyển thành một “university” đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp.
Toàn bộ “university” có một chương trình đào tạo chung như kiểu Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam.