Ngày 17/8, tại Hội thảo Giáo dục 2018 (giáo dục đại học, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế), nhiều học giả rất quan tâm đến chủ đề tự chủ đại học trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến chủ đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nhiều chia sẻ. Trong đó, Phó Thủ tướng cho rằng, có hai vấn đề băn khoăn đặt ra khi tự chủ đại học.
Cụ thể, việc tăng thu mức học phí sẽ mất cơ hội tiếp cận đại học của con nhà nghèo và nhiều đối tượng con em chính sách khác.
Và băn khoăn thứ hai là đất đai, tài sản, tri thức lớn như thế mà các bộ, cơ quan chủ quản buông bớt quyền chủ quản của mình sợ rằng có bị thao túng hay bị lãng phí?
Theo ông Vũ Đức Đam hai vấn đề băn khoăn này thế giới người ta đã giải quyết rồi.
Cụ thể, về mặt tự chủ tài chính, có cơ chế học thu nhiều hơn từ những người có khả năng và mong muốn đóng góp nhiều hơn để có chất lượng tốt hơn, lập quỹ học bổng giúp các học sinh, đối tượng chính sách và con nhà nghèo.
Tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa, mà chính là nhà nước dùng ngân sách để đặt hàng đào tạo.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ: “như đại học y khoa, đào tạo văn học nghệ thuật truyền thống, hay là phê bình lý luận văn học… thì nhà nước phải đặt hàng, cấp tiền cho các trường đào tạo.
Hay chính sách cho con em dân tộc ít người, con nhà nghèo thì nhà nước bằng cơ chế nhà nước phải làm”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết: “Việc đảm bảo tài sản không bị thao túng, lãng phí đã có hội đồng trường và gắn trách nhiệm giải trình cho những thành viên đó, phải công khai minh bạch về giải trình.
Đến nay, hầu hết các trường mong muốn Luật giáo dục Đại học ban hành thật sớm để thể chế hóa tự chủ”.
Giải thích thêm về tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bản chất của tự chủ đại học xuất phát một trong những sứ mệnh của trường đại học đó là sáng tạo ra tri thức.
Đây không phải là phổ thông cấp 4 nên đại học cần có cái quyền mà người ta gọi là tự do, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường.
Cái đấy là cái tự chủ căn bản nhất, có quyền tự chủ đấy thì mới sáng tạo ra tri thức.
Có quyền đó nên phải được tự quản về mặt hoạt động tổ chức, và người ta phải được tự chủ về tài chính”.
Cũng theo Phó Thủ tướng, tự chủ về tài chính là nói về nguồn thu và nguồn chi. Trong nguồn thu thì phải có nhiều nguồn.
Học phí một phần nhưng mà ít thôi, phải có thu từ hoạt động khoa học công nghệ, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, kết hợp với các doanh nghiệp hợp tác và quan trọng thu từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng, và đặc biệt là ngân sách nhà nước.
"Đại học không thể lấy học phí nuôi kinh phí nghiên cứu khoa học được" - ông Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm và cho rằng, nhà nước đã chi rất nhiều cho đại học nhưng mà so với quốc tế thì thấy con số đó vẫn ít.
Ngoài ra, việc tự chủ nguồn thu thì phải tự chủ được nguồn chi trong khi các trường đại học chưa được tự chủ chi tiêu.
Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội nói về học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, yêu cầu đòi hỏi ta phải làm, và phải luật hóa nó trong Luật Giáo dục đại học”.
Ông Vũ Đức Đam cho rằng: “Giáo dục đại học chúng ta ví von như cái đoàn tàu, một số năm rất gian khổ, nay máy đã nổ rồi đây là chặng quan trọng để chúng ta tiến lên”.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “Làm sao để hệ thống đại học Việt Nam ở mức nào đó phấn đấu đuổi theo bậc phổ thông trên bảng xếp hạng toàn cầu”.
Dù giáo dục phổ thông còn rất nhiều điều chúng ta không hài lòng, nhưng theo đánh giá quốc tế thì xếp chúng ta vào nhóm 50 các nước.
Đại học thì chưa có đánh giá cụ thể, nhưng thông qua 2 đánh giá quốc tế, 50 nước hàng đầu không có Việt Nam. Và theo 1 số đánh giá, Việt Nam đứng khoảng 80 trên thế giới.