Gần đây, trước những hoạt động quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành bất chấp Luật pháp Quốc tế và phớt lờ những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng khu vực và quốc tế, trên các phương tiện truyền thông đã lan truyền nhiều đồn đoán.
Người thì cho rằng nguyên nhân của tình hình này là do Mỹ đã tăng cường điều các phương tiện chiến tranh hiện đại vào Biển Đông, kẻ thì cho rằng Luật pháp quốc tế không đủ sức mạnh để bắt buộc Trung Quốc phải tôn trọng, chấp hành, trong đó có việc Philippines đã “từ bỏ” thành quả của mình do Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế 12/7/2016 mang lại…
Chẳng hạn, Đại sứ Vương quốc Anh - Daniel Pruce và Đại sứ Úc - Amanda Gorely ở Philippines đều có chung quan điểm khi lên tiếng nói rằng họ lấy làm “tiếc nuối” vì Philippines đang rời khỏi “Tòa án hình sự quốc tế” (ICC).
Lý giải cho sự “tiếc nuối” này, cả hai vị Đại sứ này đều ra tuyên bố được đăng trên tờ “The Philippine Star” ngày 16/8 vừa rồi về “Tầm quan trọng của các Phán quyết - hệ thống nền tảng của Luật quốc tế”.
Tổng thống Philippines "tiết lộ", càng ngoan với ông Tập Cận Bình càng có lợi |
Các chuyên gia nói rằng, các Phán quyết này – hệ thống cơ bản của luật quốc tế - đang bị thách thức bởi các hoạt động chứng tỏ “sức mạnh là lẽ phải”(might is right).
Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành quân sự hóa Biển Đông cho thấy Phán quyết quốc tế đã bị xem thường bởi yêu sách bành trướng của họ.
Các Đại sứ Pruce and Gorely đều có chung quan điểm cho rằng, những phán quyết này là “mạnh mẽ và đáng tin cậy”, vì chúng là một bộ phận của hệ thống pháp lý quốc tế cơ bản;
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều vẫn là “những kẻ yếu thế và không được đảm bảo”, bởi “một bộ phận của những phán quyết – hệ thống pháp lý căn bản – bao gồm: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Phán quyết The Hague 12/7/2016 về Biển Đông, trong đó có những yêu sách của Philippines ở Biển Tây Philippines”.
Vì thế, “Cả Úc và Anh, mặc dù không có quan điểm về yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng đều quan tâm đến tình trạng căng thẳng và đều tiếp tục chủ trương giữ vững hòa bình trên biển theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Vì chúng là những chế định pháp lý quốc tế có tính ràng buộc các bên liên quan”
Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi xem, liệu việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông có phải xuất phát từ việc Philippines “từ bỏ” Phán quyết Tòa Trọng tài 2016 hay vì những lý do khác, chúng tôi xin được trình bày một vài nhận xét của mình.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Philippines có “từ bỏ” Phán quyết củaTòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông 2016 hay không?
Qua theo dõi, nghiên cứu những diễn biến của tình hình hậu Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế, chúng tôi nhận thấy dường như đại đa số dư luận đều cảm thấy “thất vọng”, thậm chí tỏ ra “nuối tiếc”, vì Philippines - bên thắng kiện đã không quyết tâm buộc bên thua kiện là Trung Quốc phải chấp hành Phán quyết này.
Ngược lại, trong quan hệ với Trung Quốc, Philippines đã có những phát ngôn tỏ ra quá “khiêm nhường”, nếu không muốn nói là “hèn kém”.
Tuy nhiên, quan sát và phân tích kỹ những tuyên bố và cách ứng xử của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng:
Tổng thống Rodrigo Duterte đã nghiên cứu khá kỹ về cơ chế thi hành án của hệ thống Cơ quan tài phán quốc tế hiện thời và đặc biệt là xuất phát từ hoàn cảnh, tình thế của mình trong quan hệ với các “siêu cường” Mỹ và Trung Quốc để tính toán các bước đi thích hợp, thực tế và có lợi nhất cho đất nước, dân tộc mình.
Thiết nghĩ đó cũng là phương cách xử lý khôn ngoan của Philippines trong quan hệ “bất tương xứng” với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Bởi ai cũng biết rằng vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, với việc Tòa Trọng tài đã ra Phán quyết 12/7/2016 là “chung thẩm”;
Nó có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan, và là một “tiền lệ pháp” có lợi không những cho Philippines mà còn có lợi cho công đồng khu vực và quốc tế.
Nhưng buộc Trung Quốc phải chấp hành bản án trong tình trạng thiếu cơ chế thi hành án quốc tế là không thể.
Chính vì vậy, Phán quyết Trọng tài có ý nghĩa thượng tôn pháp luật, góp phần duy trì, phát huy hiệu lực của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đang đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa, bởi hành vi ứng xử bất chấp công lý, lẽ phải, chỉ dựa vào sức mạnh, coi “sức mạnh là công lý” của Trung Quốc, chứ không phải do Philippines đã “từ bỏ” Phán quyết này.
Do đó, mặc dù Phán quyết Trọng tài là thắng lợi quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu.
Hiện thực hóa các nội dung Phán quyết còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực không những chỉ từ Philippines mà còn phải từ các nước khác ven Biển Đông và các quốc gia hưởng lợi về hàng hải huyết mạch qua khu vực này.
Trong bối cảnh hiện tại, giữ cho được hòa bình, ổn định và tìm kiếm hợp tác trên Biển Đông chính là chìa khóa để thực hiện Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016.
Đánh giá cao Nội các Tổng thống Benigno Aquino III
Chúng tôi đánh giá rất cao Nội các Tổng thống Benigno Aquino III trong việc mang lại cho Biển Đông một Phán quyết Trọng tài đầy sức thuyết phục, rõ ràng về cách ứng dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982;
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cũng không thể xem nhẹ sách lược mềm mỏng, khôn ngoan của Tổng thống kế nhiệm Rodrigo Duterte khi xử lý tình huống;
Những gì ông đã và đang làm là để giữ vững thành quả Phán quyết Trọng tài bằng cách đối thoại với Trung Quốc, trong khi về mặt chiến lược bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia vẫn luôn luôn được duy trì.
Chẳng hạn, chỉ mới gần đây theo Rappler ngày 17/8 đưa tin, Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte, đã nói với Trung Quốc rằng họ không thể bồi lấp đảo nhân tạo để đòi yêu sách biển.
Ông chủ Điện Manacanang đã bất ngờ phản pháo Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi "gã khổng lồ châu Á" khẳng định cái gọi là "quyền" quân sự hóa Biển Đông…
Cơ hội và thách thức đối với Philippines hậu Phán quyết Trọng tài |
Chính vì vậy, dân chúng Philippines đã đồng tình ủng hộ ngài Tổng thống có vẻ “ngang tàng” này.
Các cuộc khảo sát cho thấy, cứ 10 người Philippines được hỏi ý kiến thì có 9 người cho rằng sẽ được khuyến khích và truyền cảm hứng bởi vai trò lãnh đạo tích cực của Tổng thống.
73% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Cứ 5 người Philippines thì có 4 phản đối nếu Chính phủ không làm gì chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông…
Đó là những thông tin có thể giúp chúng ta có cách nhìn đúng đắn, khách quan, tích cực về lập trường của Philippines trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông.
Vì vậy, theo chúng tôi, dư luận không nên “tiếc nuối” về những gì mà Philippines đã thực hiện trong thời gian hậu Phán quyết Tòa Trọng tài, mà điều “đáng tiếc” là hệ thống Luật pháp quốc tế.
Cũng như Cơ chế tài phán quốc tế hiện vẫn còn chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, tạo điều kiện cho một số chủ thể của Luật quốc tế cố tình giải thích, áp dụng sai để tiến hành các hành vi vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia có chủ quyền trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Điều đáng tiếc hơn là một số quốc gia trong thời đại văn minh, tiến bộ ngày nay, vẫn cố tình làm sống lại quy luật đã bị chôn vùi trong dĩ vãng: “chân lý nằm trong tay kẻ mạnh” để dễ bề ức hiếp kẻ yếu, thực hiện giấc mộng bá quyền nước lớn…
Philippines không dại dột bán rẻ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc |
Chính vì vậy, cựu Ngoại trưởng Philippines - Alberd Del Rosario, tháng 6 vừa qua đã phát biểu trước công chúng rằng:
“Chúng ta vẫn có thể thay đổi con đường chúng ta nên đi, hướng tới một trật tự toàn cầu mà lẽ phải là sức mạnh. Cần lấy lại sự tôn trọng của các quốc gia có trách nhiệm bằng cách làm cho luật pháp đứng vững.
Cho dù thông qua cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEAN hay cơ chế song phương, chúng ta có hy vọng sẽ chiến thắng bành trướng.
Bất kỳ ai xem Phán quyết Trọng tài là một chiến thắng vô nghĩa, họ đều mang tiếng nói của Trung Quốc…”.