Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore, hôm 4/8 vừa qua đã phát biểu rằng, Trung Quốc buộc phải quân sự hóa Biển Đông nhằm tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh minh họa: Kyodo) |
Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi, đánh giá một cách thật sự khách quan về nội dung mà Ngoại trưởng Vương Nghị vừa mới phát biểu nói trên, chúng tôi xin được nêu một số ý kiến nhận xét, phân tích, đánh giá nhằm có thể giải đáp được câu hỏi đang được đặt ra là:
Nội dung phát biểu đó có gì mới không và liệu nó có thể đánh lạc hướng sự chỉ trích, phản đối của dư luận trước hành động quân sự hóa ngày càng trắng trợn của Trung Quốc trong Biển Đông trong thời gian qua hay không?
Trước hết, theo chúng tôi thực chất đây chỉ là luận điệu đã được phía Trung Quốc nhiều lần lặp đi lặp lại, tất nhiên ở những mức độ và lời lẽ khác nhau, nhằm thanh minh, né tránh làn sóng chỉ trích, lên án của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Nó thường xuất hiện mỗi một khi họ tính toán chuẩn bị triển khai một chiến dịch tấn công xâm lược hoặc sau khi họ đã hoàn thành những cuộc tấn công được nấp dưới danh nghĩa “tự vệ” đó trong Biển Đông.
Tuy nhiên, lần này, ông Vương Nghị đã nhấn mạnh về bản năng “tự vệ” là quy luật đấu tranh sinh tồn của mọi quốc gia, dân tộc, bằng cách lập luận rằng:
"Đối mặt với những mối đe dọa và sức ép quân sự ngày càng gia tăng như vậy, các nước ở khu vực, bao gồm Trung Quốc, tự động chọn, tự gìn giữ, tự bảo vệ mình và sẵn sàng các cơ sở phòng vệ” (ARF).
Và theo ông Vương Nghị, sức ép quân sự ngày càng gia tăng trong Biển Đông không phải là do Trung Quốc mà là do "một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc" (Straits Times)…
Vì vậy, “đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực".
Nội dung nói trên đã được nhà ngoại giao chuyên nghiệp và lão luyện trình bày một cách khéo léo, khiến một bộ phận dư luận có thể cho là khá logic, phù hợp với quy luật đấu tranh theo xu thế phát triển của lịch sử nhân loại trong thời đại mới;
Phát biểu này được nhắm vào thời điểm sau khi kết thúc thành công Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51, tại Singapore, với việc đã thống nhất được một “Văn bản thảo luận duy nhất để đàm phán về COC giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn muốn có nội dung trả lời một cách khách quan, thỏa đáng cho câu hỏi được đặt ra là: trong Biển Đông hiện nay, ai là kẻ xâm lược bằng vũ lực và đang sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa, gây sức ép lên các quốc gia nhỏ yếu khác?
Lịch sử đã chỉ ra rất rõ độc chiếm Biển Đông là mục tiêu nhất quán của Trung Quốc. Nếu lúc đầu động cơ của họ đơn giản chỉ là tài nguyên thì bây giờ còn là câu chuyện địa - chính trị, quân sự và thương mại.
Biển Đông là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới.
Khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.
Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chính trị, địa - chiến lược, về an ninh, an toàn giao thông hàng hải và kinh tế.
Người Trung Quốc đã từng nhiều lần sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Biển Đông.
Tính ngụy biện trong lập luận của Trung Quốc: Biển Đông do "tổ tiên" để lại |
Đó là vào các năm 1946 chiếm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp phải rút đi, Mỹ chưa can thiệp Trung Quốc ra đòn chiếm gần như toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1959, Trung Quốc mang quân qua hòng chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng không thành.
Vào năm 1974, Trung Quốc tiếp tục mang quân tấn công chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa quân ra chiếm bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, trong chiến dịch đánh chiếm 6 thực thể ở phía Tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Và từ đó, họ đã tiến hành “đảo hóa”, “quân sự hóa” các thực thể này để tạo lập thêm một nhịp cầu, một bàn đạp tấn công mới về phía Nam Biển Đông, thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông.
Năm 2012, chiếm đóng bãi cạn Scaborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines; nhiều lần cho lính đổ bộ, bí mật cắm mốc trên một số bãi cạn nằm cách bờ biển Malaysia khoảng 60-70 hải lý…
Những hành động này của Trung Quốc không chỉ bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường các ký kết với ASEAN, mà còn gây cho Việt Nam và các nước trong khu vực một áp lực lớn, thách thức lớn về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Chỉ kể ra vài minh chứng có thực đó cũng đủ để cho dư luận nhận rõ ai đích thực là kẻ xâm lược, gây sức ép, ai là người bị xâm lược và đang bị đe dọa trong Biển Đông.
Như vậy, có thể thấy rõ, việc Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích rằng Mỹ và các nước ngoài khu vực đang phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, phải chăng đó chỉ là một chiêu trò “đánh bùn sang ao”, “gắp lửa bỏ tay người”.
Ông Vương Nghị mỉa mai 113 triệu USD Mỹ cam kết cho an ninh khu vực |
Tất nhiên, nói như vậy, không có nghĩa chúng ta có ý phủ nhận động cơ đích thực của những tàu chiến, máy bay, phương tiện chiến tranh hiện đại đang được Mỹ và đồng minh huy động đến khu vực.
Hậu quả tiêu cực của những hoạt động này, nếu vượt khỏi tầm kiểm soát, có thể châm ngòi cho những cuộc xung đột, chiến tranh hủy diệt, đe dọa đến môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh, từ sau chiến tranh Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây, khi điều động các tàu chiến và máy bay đến khu vực Biển Đông, không còn với tư cách là những đội quân viễn chinh, xâm lược;
Chí ít tính đến thời điểm hiện tại, dư luận nói chung đều cho rằng, những hoạt động đó chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải qua Biển Đông và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các đồng minh trong khu vực, góp phần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm hiện nay.
Do đó, tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, nói rằng họ bắt buộc quân sự hóa Biển Đông để “tự vệ” là không thuyết phục.
Khó có thể che dấu được những hoạt động quân sự hóa trong Biển Đông, nhằm độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế nhằm hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.
Cần nhấn mạnh thêm rằng, phát biểu của ông Vương Nghị trước báo chí ngày 4/8, trước đó một ngày, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã thống nhất một “Văn bản Đàm phán Dự thảo Bộ Quỵ tắc ứng xử ở Biển Đông Duy Nhất”.
Nỗ lực này cũng nhằm để cổ vũ và bảo vệ những đề xuất của Trung Quốc cho nội dung Văn bản này; trong đó, có đề xuất nói rằng “các hoạt động quân sự trong khu vực là để dẫn tới tăng cường lòng tin lẫn nhau”.
Phải chăng, Trung Quốc coi đây là một “phát kiến” đặc biệt, “made in China”? Và phải chăng, vì thế mà một lần nữa dư luận có thể bị mê hoặc bởi những tuyên bố ngoại giao “có cánh” đó?
Chúng tôi cho rằng, kết quả là hoàn toàn trái ngược.
Hương Sơn luận kiếm: Trung Quốc dọa biến Trường Sa thành thùng thuốc súng |
Điểm đáng chú ý nữa đó là việc Trung Quốc đề xuất tập trận chung với các nước ASEAN, tuy nhiên nêu rõ các nước bên ngoài không được phép tham gia các cuộc tập trận, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối.
Đây cũng là một phản ứng trước xu thế “quốc tế hóa” Biển Đông mà Trung Quốc hết sức lo ngại có thể nó sẽ phá vỡ kế “điệu hổ ly sơn” cổ điển, để họ tha hồ tự tung tự tác.
Khi được hỏi liệu các nước khác có hành động đáp trả vì hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, ông Vương nói:
"Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Và, bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên". (Reuters).
Tuyên bố này của ông Vương lại một lần nữa cho thấy dù cố tìm mọi cách để “dấu đầu” (bằng những tuyên bố ngụy tạo nói trên), nhưng “cái đuôi” xâm lược bẵng vũ lực đích thực đã bị “lòi” ra .
Chúng tôi và nhiều học giả quốc tế đã nhiều lần phản bác về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông là “di sản thừa kế” do tổ tiên người Trung Quốc để lại.
Cho nên, viện cớ “cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình” trong Biển Đông (có được do xâm lược bằng vũ lực) để lấp liếm cho những hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông chỉ là ngụy biện.
Đứng trước những làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng khu vực và quốc tế, Trung Quốc đang thể hiện cái lý của “kẻ mạnh”, dùng để để ức hiếp “kẻ yếu” trong quan hệ quốc tế;
Điều này cần được tiếp tục đấu tranh loại bỏ, kiên quyết ngăn chặn bằng sức mạnh đoàn kết và dựa vào công lý, lẽ phải.