Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cam kết gì với học sinh học song bằng?

15/09/2018 08:02
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cô Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân đã thông tin cụ thể về cam kết đầu ra của trường với học sinh.

Đề án "thí điểm đào tạo song bằng" tại 7 trường trung học cơ sở công lập ở Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đang tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn chính sách.

Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một trong 7 trường trung học cơ sở công lập tham gia thí điểm đào tạo song bằng.

Xin cô vui lòng chia sẻ việc chuẩn bị của trường như thế nào cho việc đào tạo thí điểm song bằng, mục tiêu thí điểm song bằng là gì? Và nhà trường cam kết gì với cha mẹ học sinh có con em tham gia thí điểm?

Cô Nguyễn Mỹ Hảo: Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, Cầu Giấy có cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chất lượng giáo dục của trường cũng được khẳng định qua nhiều năm liên tục về chất lượng mũi nhọn cũng như học sinh đại trà. Do đó, trường là 1 trong 2 trường của Quận Cầu Giấy được lựa chọn tham gia thí điểm chương trình song bằng.

Công tác chuẩn bị của nhà trường:

- Tuyển sinh: Căn cứ vào quy định điểm chuẩn vào lớp song bằng, trường đã tuyển được 48 học sinh.

- Nhân sự:

Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cam kết gì với học sinh học song bằng? ảnh 1

Chuyên Hà Nội – Amsterdam không liên kết đào tạo song bằng với Cambridge

+ Trường đã thành lập ban điều hành dự án.

+ Phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các bộ môn chương trình của Bộ cho 2 lớp.

+ Lựa chọn, đăng ký danh sách giáo viên trợ giảng, đề xuất với Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Về cơ sở vật chất: Trường đã chuẩn bị phòng học, trang thiết bị tối thiểu cần thiết. Cùng với đó, chúng tôi đã lên danh mục trang thiết bị còn thiếu đáp ứng chuẩn Cambridge đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Quận Cầu Giấy đầu tư, trang bị.

Mục tiêu của chương trình thí điểm song bằng là đảm bảo đầy đủ nội dung giảng dạy do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; giúp học sinh đạt chuẩn học thuật chương trình Quốc tế Cambridge - một trong những chương trình giáo dục chuẩn quốc tế hàng đầu thế giới mà không phải sống xa gia đình trong lứa tuổi vị thành niên, đồng thời gia đình không phải chi trả mức học phí lớn.

Cung cấp đầy đủ kiến thức và kĩ năng, tạo tiền đề vững chắc cho bậc học cao hơn và cho quá trình hội nhập quốc tế của những công dân toàn cầu tương lai.

Tạo cho học sinh có cơ hội hội nhập Quốc tế; có đủ điều kiện và khả năng để trở thành Công dân toàn cầu.

Tạo cơ hội cho học sinh có điều kiện tiếp cận chương trình học tiên tiến theo quy chuẩn Quốc tế ở bậc học cao hơn;

Học sinh đạt chứng chỉ IGCSE có cơ hội nhập học ở các trường chất lượng cao trọng điểm, học tiếp A level, hoặc du học tại các trường liên cấp tiên tiến trên thế giới.

Nhà trường cam kết đầu ra sau khi hoàn thành bậc Trung học Cơ sở, học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR); nắm bắt được kiến thức các môn Toán, Khoa học, ICT và Kinh doanh (môn tự chọn) bằng tiếng Anh; có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác (nếu học sinh có nhu cầu).

Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân có sĩ số bình quân các lớp là 50 học sinh/lớp. (Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị)
Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân có sĩ số bình quân các lớp là 50 học sinh/lớp. (Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị)

Hiện sĩ số bình quân của trường hiện tại ra sao, thưa cô?

Cô Nguyễn Mỹ Hảo: Sĩ số bình quân của các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn quận là 45 học sinh/lớp. Với nhà trường trung bình các lớp là 50 học sinh/lớp.

Việc học đồng thời 2 chương trình sẽ là áp lực không nhỏ với học sinh. Vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có kế hoạch nào giúp trường và học sinh tham gia thí điểm song bằng giảm tải khi học đồng thời 2 chương trình?

Cô Nguyễn Mỹ Hảo: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giúp các trường cùng xây dựng chương trình.

Chương trình nhà trường cho các môn Cambridge là tích hợp giữa chương trình của Bộ và chương trình Cambridge.

Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cam kết gì với học sinh học song bằng? ảnh 3

Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng"

Chương trình song bằng không cắt xén chương trình của Cambridge, các kiến thức trùng lặp ở chương trình Cambridge và Bộ sẽ giảm tải đảm bảo 1 nội dung kiến thức không học 2 lần. 

Về quy trình thực hiện, các trường tham gia đề án, cử giáo viên cốt cán, giáo viên tham gia giảng dạy lớp Song bằng, nghiên cứu kỹ 2 chương trình, phát hiện nội dung kiến thức trùng lặp để xây dựng lại chương trình nhà trường.

Sau đó được sự phê duyệt của tổ chuyên môn nhà trường, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau khi Sở trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện sẽ triển khai.

Về việc tuyển dụng giáo viên, nhà trường tuyển trực tiếp hay do đơn vị tư vấn đảm nhiệm? Và đơn vị tư vấn được lựa chọn bằng hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu, thưa cô?

Cô Nguyễn Mỹ Hảo: Việc tuyển dụng giáo viên giảng dạy chương tình Cambridge phải đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn nghề nghiệp chung của giáo viên người nước ngoài: 

- Có giấy phép lao động tại Việt Nam;

- Tối thiểu là cử nhân chuyên ngành hệ chính quy;

- Ưu tiên có thạc sỹ/cao học liên quan đến ngành nghề giáo dục;

- Có trích ngang lý lịch khoa học và hồ sơ đầy đủ;

- Có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 02 năm;

- Được phê duyệt bởi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và được chấp thuận bởi CAIE (Cambridge Assessment International Education).

Một tiết học tiếng Anh tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, ảnh: Công Hùng / Báo Kinh tế & Đô thị.
Một tiết học tiếng Anh tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, ảnh: Công Hùng / Báo Kinh tế & Đô thị.

Hiện, nhà trường chưa có giáo viên đáp ứng tiêu chí nên chưa thể thực hiện giảng dạy chương trình Cambridge mà chỉ tham gia trợ giảng.

Để giao quyền chủ động cho các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường lựa chọn đơn vị tư vấn.

Hiện nay, trường ký hợp đồng tư vấn với công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn và định hướng giáo dục Việt Nam (VEC) do ông Horce là giám đốc điều hành – là thẩm định viên của CAM -IGCSI.

Công ty chịu trách nhiệm tư vấn cho nhà trường về chương trình, nghiên cứu cơ sở vật chất để giúp nhà trường đảm bảo đáp ứng việc dạy và học chương trình, cung cấp giáo viên cho chương trình.

Nhà trường đã trình danh sách và hồ sơ giáo viên chờ được Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn về cơ chế thu chi tài chính tại các lớp song bằng này chưa? Xin cô vui lòng cho biết kinh phí học của học sinh theo chương trình này?

Cô Nguyễn Mỹ Hảo: Kinh phí nhà trường dự thu là 5.600.000 đồng/học sinh/tháng

Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cam kết gì với học sinh học song bằng? ảnh 5

Đây là cách mà trường Chu Văn An chuẩn bị và dạy chương trình song bằng

Học phí thu riêng cho chương trình học Cambridge trên nguyên tắc thu đủ chi, đảm bảo cho các nội dung chi:

Chi trả tiền lương cho giáo viên giảng dạy chương trình IGCSE; Chi tiền giáo trình của giáo viên; Chi trả chi phí bản quyền của CAIE (phí thường niên); Chi trả lương cho Điều phối viên chương trình.

Không dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung khác, mục đích khác.

Việc thu chi học phí được hạch toán vào sổ sách kế toán, tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.

Thực hiện công khai theo văn bản quy định hiện hành và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của nhà trường.

Đề án thí điểm song bằng là đề án chung của 7 trường đã được Ủy ban Nhân dân phê duyệt.

Trân trọng cảm ơn cô!

Đỗ Thơm