Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng"

15/08/2018 07:43
Trần Phương
(GDVN) - Theo ông Lê Hồng Vũ, Cambridge là tổ chức khảo thí, anh muốn học thế nào thì học, miễn là anh khi thi theo chương trình của họ anh qua được là được.

Lần đầu tiên Hà Nội thí điểm đào tạo song bằng tại 7 trường trung học cơ sở công lập, nhưng nhiều phụ huynh cho biết, họ có quá ít thông tin về chương trình thí điểm này.

Để có cái nhìn đa chiều về đề án thí điểm này, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ để hiểu rõ vấn đề này.

Ông có thể cho biết ngành Giáo dục quận Tây Hồ đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện thí điểm đào tạo song bằng tại địa phương?

Ông Lê Hồng Vũ: Trước hết là việc đào tạo song bằng xuất phát từ đâu?Việc này quận Tây Hồ đã có một khảo sát toàn bộ 8 trường tiểu học công lập trên địa bàn quận và 3 trường là trường Hoàng Hoa Thám, trường Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu để xem xem nhu cầu phụ huynh mong muốn cho con em mình học như thế nào.

Tổng số phiếu phát ra là 600 phiếu, kết quả là có 359 phụ huynh học sinh đồng ý cho con học nâng cao ngoại ngữ, cụ thể là được học theo chương trình thẩm định Cambridge.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, ảnh: Báo Nhân Dân.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, ảnh: Báo Nhân Dân.

Quận cũng đã giải thích rằng Cambridge là tổ chức khảo thí, anh muốn học thế nào thì học, miễn là anh khi thi theo chương trình của họ anh qua được là được.

Quận Tây Hồ cũng đã có kinh nghiệm về song bằng bởi trên địa bàn Quận cũng có hai trường có đào tạo song bằng (Holizon và Academy).

Tôi cũng đã từng với hội đồng trường nghiên cứu tích hợp chương trình Việt Nam và chương trình của Anh Quốc.

Khi làm việc tích hợp này chúng tôi cũng đã mời Viện Khoa học Giáo dục (Việt Nam) cùng tham gia.

Nhưng tôi cũng phải thú thực là việc tích hợp này rất khó.

Bởi hai mục tiêu của hai chương trình là khác nhau, không thể cho phương tiện đi trên đường sông lại đi trên đường bộ được và ngược lại.

Chúng tôi cũng hiểu được chương trình song bằng này thực sự là thử thách chứ không phải là việc dễ.

Tuy nhiên, nói như Lỗ Tấn, thì không có đường, người ta đi thì sẽ thành đường cho nên chúng tôi biết đây là một cuộc dấn thân.

Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng" ảnh 2Nguy cơ tham nhũng chính sách trong giáo dục Thủ đô từ thí điểm song bằng

Thực sự là muốn nâng tầm giáo dục của mình lên thì phải làm, mục đích không chỉ để phục vụ một nhóm học sinh này mà mong muốn một sự lan tỏa của chương trình sang học sinh khác.

Tới đây, quận Tây Hồ sẽ xây dựng lại mới cơ sở của trường (Trung học cơ sở) Chu Văn An và với việc xây phòng thí nghiệm theo chuẩn của chương trình Cambrigde, thì không chỉ học sinh học chương trình này được hưởng mà các học sinh bình thường cũng được hưởng những thành quả này.

Học sinh không có quan niệm trắng đen ở đây, trong cuộc họp với các phụ huynh có con học chương trình Cambridge cũng đã hỏi chúng tôi rằng con tôi học ở đây thì được chương trình gì về cơ sở vật chất.

Chúng tôi đã trả lời thẳng thắn rằng không có cái gì được ưu ái hơn về cơ sở vật chất, học sinh bình thường như thế nào thì học sinh các vị học như thế.

Thậm chí, con các vị sẽ còn vất vả hơn vì cùng một lúc phải gánh 2 gánh, “cuộc chơi” là như thế, chấp nhận thì phải làm chúng tôi không thể ưu đãi hơn.

Ở đây học phí đóng vào chủ yếu là chi trả cho các thầy ngoại quốc, còn các kinh phí khác nhà trường phải chịu.

Nhưng chúng tôi dùng cái đó để tạo ra môi trường cạnh tranh và sự lan tỏa.

Trường công ở Hà Nội đẩy mạnh dạy tiếng Anh với mục tiêu thực hiện song song 2 bằng từ Cấp trung học cơ sở (Ảnh: An ninh thủ đô)
Trường công ở Hà Nội đẩy mạnh dạy tiếng Anh với mục tiêu thực hiện song song 2 bằng từ Cấp trung học cơ sở (Ảnh: An ninh thủ đô)

Để thực hiện thí điểm đào tạo song bằng, quận Tây Hồ có kế hoach chuẩn bị bao nhiêu giáo viên người nước ngoài và người Việt để làm việc này. Việc tuyển dụng và sắp xếp được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Hồng Vũ: Trước hết chúng ta cần hiểu, học song bằng như vậy sẽ có 2 chương trình, một chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài.

Đối với giáo viên nước ngoài thì tất cả các giáo viên người nước ngoài đều phải được đào tạo và có chứng nhận được dạy chương trình Cambridge, chính vì vậy về mặt chất lượng giáo viên chúng tôi không lo về vấn đề này.

Cái chúng tôi quan tâm hơn cả là chương trình Cambrigde này không chỉ học đơn thuần là đủ, trước đây học chương trình tiểu học thì các cháu nó học ngoại ngữ, học có thể là 4 tiết hoặc 8 tiết nhưng vẫn phải học ngoại ngữ.

Ở đây học chương trình này như học ngôn ngữ thứ 2, nó khác.

Vậy thì để đảm bảo thành công của chương trình, chúng tôi không thể triển khai dập khuôn, nghĩa là không thể vào giờ Cambridge là chỉ có học sinh Cambridge vào học mà còn học cả chương trình Việt, do đó, trong giờ học phải có cả giáo viên Việt Nam.

Vấn đề thứ 2, để hòa nhập được thì chúng tôi yêu cầu phải có giáo viên nước ngoài giao công tác chủ nhiệm cùng với giáo viên Việt Nam.

Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng" ảnh 4Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội

Hoặc là ít nhất họ phải có giáo viên quản lý về mặt chuyên môn là người nước ngoài ở trường.

Nghĩa là nhà trường phải bố trí một giáo viên cơ hữu người nước ngoài.

Chính giáo viên này sẽ là cầu nối giữa giáo viên người nước ngoài, giáo viên người Việt Nam và các em học sinh trong đào tạo và hòa nhập tốt.

Hiện nay, trường Trung học cơ sở Chu Văn An đã tuyển sinh được 56 học sinh và chia thành 2 lớp.

Đối với giáo viên nước ngoài thì theo danh sách nhà trường báo lên là 5 giáo viên người nước ngoài, giáo viên nước ngoài nhà trường đã chuẩn bị đủ.

Trong đó có một giáo viên dạy toán từng được đào tạo thạc sĩ tại Pháp, giáo viên này sẽ phụ trách một lớp.

Nhà trường tuyển giáo viên trực tiếp hay thông qua một bên thứ 3?

Ông Lê Hồng Vũ: Ở đây là sự phối kết hợp với một đơn vị tư vấn. Phải có đơn vị tư vấn chúng tôi mới thực hiện được.

Còn hợp đồng với giáo viên, chúng tôi sẽ hợp đồng trực tiếp.

Chúng tôi có lựa chọn 2 đơn vị tham gia tư vấn.

Thu chi tài chính tại các lớp thí điểm được thực hiện theo cơ chế nào?

Ông Lê Hồng Vũ: Kinh phí được thực hiện theo hướng dẫn của thành phố và chi trả hết cho giáo viên.

Mức chi trả, theo như tôi được biết là một giờ làm việc của giáo viên người nước ngoài là khá cao.

Hiện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ về thực hiện  kinh phí và cơ sở vật chất như thế nào.

Các hướng dẫn đều rất đầy đủ.

Nếu các hướng dẫn đầy đủ vậy ông có thể cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bản sao được chứ ạ?

Ông Lê Hồng Vũ: Bây giờ hiện mình không cầm ở đây, nhưng mình có cái đó. Tuy nhiên, hiện nay nó chưa được công bố chính thức nên mình chưa thể cung cấp.

Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge là một tổ chức khảo thí. Nghĩa là muốn học thế nào thì học miễn là thi qua là được. Vậy Nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo có đảm bảo học sinh học chương trình này 100% học xong sẽ thi được?

Ông Lê Hồng Vũ: Cái đấy thì không ai dám đảm bảo. Tôi phải nói rõ thế này, chúng tôi đã họp phụ huynh và nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất và nếu như các bác đồng hành và có sự phối kết hợp chặt chẽ thì tôi đảm bảo là có thể được.

Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng" ảnh 5"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội

Ví dụ như thế này, chúng tôi đã tổ chức thi tuyển chọn được 56 cháu, các cháu này thực sự có khả năng có thể gánh được 2 vai.

Chúng tôi phải đảm bảo rằng khi các cháu học xong vẫn sẽ thi vào được cấp 3 phổ thông. Ở đây chúng tôi có thể cam kết.

Trong quá trình học tập phải hiểu rằng không phải cháu nào cũng có thể theo được. Nếu những cháu không theo được chúng tôi sẵn sàng cho các cháu chuyển sang lớp học bình thường.

Phải khẳng định đây là việc khó và đây cũng (không) phải con đường trải thảm đỏ để các cháu dễ dàng đạt được trình độ ấy.

Ở đây chỉ có các cháu thực sự có khả năng và thực sự có mong muốn thì tạo cho các cháu môi trường để các cháu phát triển.

Nếu các cháu không theo được thì mình sẵn sàng đón nhận các cháu về với những lớp học bình thường.

Ngay trong quá trình học cũng đã có sự sàng lọc. Việc này phải chấp nhận vì nếu các cháu không học được thì sao có thể bắt các cháu học được.

Chúng tôi cũng đã trực tiếp gặp phụ huynh học sinh để chia sẻ về những khó khăn ấy. Đến nay chưa ai rút đơn theo học cả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Phương