Lạm thu kiểu trường Nguyễn Văn Tố phải bị diệt tận gốc

25/08/2018 06:53
Nguyễn Cao
(GDVN) - Dư luận mong chờ sự nghiêm minh của pháp luật đối với những vi phạm của một số Hiệu trưởng nhà trường để xảy ra lạm thu.

LTS: Để xử lý triệt để vấn nạn lạm thu trong trường học hiện nay, thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra một số kiến nghị giải pháp trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Câu chuyện lạm thu tiền trường đã “bùng phát” hàng chục năm nay rồi nhưng “ngọn lửa” ấy vẫn chưa bị dập tắt mà vẫn âm thầm cháy một cách mãnh liệt và lan tỏa trên một diện rộng từ địa phương này đến địa phương khác.

Vì sao lạm thu vẫn có đất sống? Theo chúng tôi có 2 nguyên nhân chính là hình thức kỷ luật đối với Hiệu trưởng sai phạm hiện nay chưa nghiêm minh và một số văn bản hiện hành đang có kẽ hở để một số Hiệu trưởng lập lờ và lách luật nhằm tránh liên lụy cho mình.

Ai cũng biết, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách chi cho ngành giáo dục còn eo hẹp, nhiều khi chưa đáp ứng được đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhà trường.

Việc vận động xã hội hóa giáo dục là cần thiết để hoạt động của nhà trường được tốt hơn.

Cần phải “diệt tận gốc” vấn nạn lạm thu. Ảnh minh hoạ trên Báo Hà Tĩnh.
Cần phải “diệt tận gốc” vấn nạn lạm thu. Ảnh minh hoạ trên Báo Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, việc vận động như thế nào để hài hòa lợi ích và phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh không phải bao giờ cũng được đảm bảo.

Tuần qua, dư luận xã hội bất bình về lá thư kêu gọi của bà Phạm Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng) kêu gọi việc tài trợ, ủng hộ cho cơ sở giáo dục trong hoạt động dạy và học của nhà trường với 3 hạng mục gồm:

Mua mới và sửa chữa bàn ghế học sinh, dự toán hơn 256 triệu đồng, lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng và sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng là 450 triệu đồng.

Tổng kinh phí dự toán mà nhà trường đưa ra là 971.250.000 đồng.

Nhưng, sau khi dư luận lên tiếng, bà Châu vẫn khẳng định mình vận động trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và đúng với tinh thần  Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau sự việc này, hình thức kỷ luật mà Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân đưa ra đối với bà Châu là mức “khiển trách”!

Việc bà Châu viện việc làm của mình là đúng với Thông tư của Bộ Giáo dục theo chúng tôi có phần chưa ổn thỏa và thấu đáo.

Lạm thu kiểu trường Nguyễn Văn Tố phải bị diệt tận gốc ảnh 2Lạm thu bùng phát, ngoài vì người ta tham tiền, thì còn lý do nào không?

Bởi trong khoản 2 và 3 của Điều 2, Thông tư 29 đã nói rất rõ như sau:

2. Các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ.

Các khoản tài trợ cần được tiếp nhận, quản lý và thực hiện một cách hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành;

3. Các nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục”.

Rõ ràng, vị Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Tố đã chưa nắm rõ bản chất của Thông tư hay đang cố tình lấp liếm cho những sai phạm của mình.

Bởi, Thông tư này đã nói rõ là “không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ” và “không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ”.

Hơn nữa, việc khoản 3 của Thông tư cũng đã nói: “không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ” nhưng phụ huynh đóng thì dĩ nhiên con em họ đã là người “thụ hưởng dịch vụ”.

Điều chúng tôi thấy việc “khiển trách” bà Châu qua sự việc này rõ ràng là mức kỷ luật quá nhẹ, chưa thể hiện được tính nghiêm minh bởi việc kêu gọi tài trợ này cũng hoàn toàn sai với Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lạm thu kiểu trường Nguyễn Văn Tố phải bị diệt tận gốc ảnh 3Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay

Bởi, trong khoản 4, Điều 10 của Thông tư 55 đã quy định rõ ràng như sau:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.

Tuy nhiên, trong 3 hạng mục kêu gọi của bà Hiệu trưởng đều “mua sắm máy móc… sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường” thì rõ ràng vị Hiệu trưởng này không thể bao biện cho việc làm của mình.

Không chỉ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố mà dù mới bước vào đầu năm học nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều đơn vị ở các địa phương đang triển khai các khoản thu chưa đúng quy định, có những trường đã tận thu phụ huynh học sinh.

Lạm thu kiểu trường Nguyễn Văn Tố phải bị diệt tận gốc ảnh 4Hiệu trưởng có trăm phương, ngàn kế để lạm thu

Điều này cho ta thấy rằng nhiều Hiệu trưởng có thể lách qua mọi quy định của luật pháp hiện hành để có thể đem lại những lợi ích nhiều nhất cho mình.

Họ tổ chức, kêu gọi tiền đóng góp núp dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, khi bị dư luận phanh phui thường lấp liếm bằng những ngôn từ đánh lừa dư luận.

Họ viện ra Thông tư này, hướng dẫn nọ để viện cớ cho những sai phạm của mình.

Nhiều khi họ nói là việc vận động hỗ trợ, đóng góp tiền không bắt buộc, trên tinh thần tự nguyện nhưng khi sự việc vỡ lở thì dư luận mới ngộ ra nhiều vấn đề.

Chúng ta tự đặt câu hỏi với Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Tố là bà Phạm Thị Minh Châu sẽ thấy ngay bản chất của vấn đề.

Làm sao những lá thư kêu gọi đó lại đến tay được phụ huynh học sinh nếu nhà trường không phát trực tiếp tận tay họ?

Khi phụ huynh đã nhận được những lá thư như vậy cũng đồng nghĩa sẽ phải ủng hộ, đóng góp chứ làm sao có thể thờ ơ với lời kêu gọi.

Và, nếu sự việc này không được dư luận lên tiếng thì chắc rằng nhiều phụ huynh phải ngậm ngùi “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường.

Chúng tôi không phủ nhận một số Hiệu trưởng nhà trường đang làm tốt cầu nối giữa phụ huynh và các chính sách giáo dục.

Nhưng, chúng tôi cũng cảm thấy bất bình với những Hiệu trưởng xem mùa tựu trường là thời điểm “làm ăn” để nhằm thu lợi bất chính.

Vì thế, dư luận mong chờ sự nghiêm minh của pháp luật đối với những vi phạm của một số Hiệu trưởng nhà trường để xảy ra lạm thu.

Và, chỉ nghiêm minh mới “diệt tận gốc” vấn nạn lạm thu đang hoành hành ở một số đơn vị trong ngành giáo dục.

Nguyễn Cao