LTS: Lạm thu đầu năm học với nhiều chiêu trò, biến tướng khiến các cơ quan chức năng khó xử lý.
Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra một số kiến nghị để chống lạm thu.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Dù đa phần các địa phương chưa bước vào năm mới nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều địa phương đã ban hành một số văn bản để chống lạm thu ở các đơn vị nhà trường.
Thậm chí như thành phố Hà Nội đã thiết lập 31 đường dây nóng để người dân phản đối tình trạng lạm thu.
Thế nhưng, theo chúng tôi thì đây chưa phải là vấn đề căn cơ, có tính lâu dài để chống lạm thu ở các nhà trường.
Bởi, nhiều Hiệu trưởng luôn tìm đủ trăm phương, ngàn kế để lách luật, để thu tiền của phụ huynh mà rất khó bị truy tố trách nhiệm.
Việc ban hành văn bản, thiết lập đường dây nóng cũng chưa hẳn đã chống được lạm thu. Ảnh minh hoạ trên Baochinhphu.vn |
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội có nhiều người đang xôn xao về bức thư do Hiệu trưởng Phạm Thị Minh Châu kí có nội dung kêu gọi đóng góp ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng).
Trong bức thư kêu gọi này, nhà trường đã đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập của nhà trường gồm:
Mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh: 256,250 triệu đồng; lắp camera cho các lớp bán trú: 265 triệu đồng;
Sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Tổng số tiền là 971,250 triệu đồng.
Đây cũng là ngôi trường mà nhiều ngày qua đang ồn ào về chuyện Hiệu trưởng không nhận học sinh có hộ khẩu đúng tuyến vào nhập học bởi theo vị này thì “học sinh muốn được nhận vào trường phải như thế nào; phải có người bảo lãnh như thế nào; gia đình phải điều kiện thế nào và có đóng góp cho nhà trường thế nào…”.
Vì thế, lá thư kêu gọi của nhà trường được dư luận biết đến không phải là một bất ngờ.
Song, có điều số tiền đó quả thực là rất lớn và đương nhiên mỗi bậc phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền “tự nguyện”.
Còn nhớ năm học trước, sau khi phụ huynhy và báo chí lên tiếng thì hàng loạt nhà trường phải trả lại tiền thu sai qui định cho phụ huynh học sinh như:
Trường Tiểu học Tân Dân (An Lão-Hải Phòng) trả lại số tiền 738 triệu đồng;
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Thanh Hóa) trả lại 250 triệu đồng;
Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Thủ Đức-Hồ Chí Minh) trả lại số tiền 322 triệu đồng;
Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) trả lại các khoản tự nguyện, xã hội hóa, tổng số tiền 520.710.000 đồng…
Rồi, chỉ riêng thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã có 14 trường phải trả lại tiền cho phụ huynh vì lạm thu.
Những sự việc như vậy khiến cho dư luận thấy rõ “bức tranh lạm thu” không chỉ còn là chuyện cá biệt.
Vẫn biết khi nhà trường thu sai thì trả lại cho phụ huynh cũng là chuyện bình thường. Nhưng, vì sao lại thu sai, ai dung túng cho sự sai phạm đó?
Nếu nhà trường cứ lạm thu, khi bị phát giác thì Ban giám hiệu nhà trường trả lại và xin lỗi phụ huynh, lãnh đạo thì làm sao chống được việc lạm thu hiện nay ở một số đơn vị trường học?
Chuyện lạm thu bây giờ, nhiều Hiệu trưởng họ làm rất tinh vi, họ “lồng ghép” vào việc mua bán đồng phục, học thêm, học ngoại ngữ, học kỹ năng sống… để rồi mỗi bộ áo quần hay các hoạt động giáo dục đều được “cõng” thêm một số chi phí nhất định.
Lạm thu là lừa đảo học trò và cha mẹ các em, không gì biện minh được |
Có những trường, họ thiết tha trong những lá thư kêu gọi, thư ngỏ để nhấn mạnh sự khó khăn của nhà trường và sự cần thiết để đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh như mua máy chiếu, mua quạt, mua máy lạnh…
Nhưng, cái hay nhất của một số Hiệu trưởng là họ không đứng tên mà thay vào đó lại là vị Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh của nhà trường.
Có điều, những lá thư này được phát ở đầu năm học, khi mà nhà trường chưa tiến hành đại hội phụ huynh toàn trường.
Vì thế, nếu gặp sự cố gì thì tới đại hội là họ đổ trách nhiệm cho hội và tiến hành bầu người khác thay thế vị trí này.
Hơn nữa, đa phần phụ huynh cũng gắng gượng để đóng góp bởi nhiều phụ huynh suy nghĩ những đồng tiền đó cũng sẽ phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của con em mình.
Lâu nay, phần lớn các văn bản chỉ đạo về chống lạm thu được gửi qua đường email của ngành giáo dục.
Dù thông tin này có những lúc được phản ánh qua kênh thông tin đại chúng nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể tiếp cận được.
Không phải bây giờ, mà nhiều năm qua đã có nhiều địa phương thiết lập đường dây nóng để chống lạm thu nhưng có lẽ chưa phát huy được hiệu quả bởi thực tế việc người dân phản ánh là một chuyện mà xử lí hay không lại là chuyện hoàn toàn khác của các cơ quan có thẩm quyền.
Hơn nữa, đường dây nóng chủ yếu là của cấp Sở thiết lập còn lạm thu lại hay xảy ra ở các trường thuộc cấp quản lí của Phòng giáo dục.
Vậy nên, những trường để xảy ra lạm thu mà bị phát hiện và xử lí chủ yếu là từ việc người dân phàn nàn, đưa lên trang mạng xã hội và được báo chí vào cuộc.
Gần như các cơ quan chức năng quản lí các trường học rất ít phát hiện ra, hoặc có phát hiện ra thì thường cũng chỉ xử lý, nhắc nhở nội bộ với nhau mà thôi.
Nhiều khi chúng tôi tự hỏi rằng đường dây nóng chống lạm thu có cần không? Rất cần nhưng lại cũng có thể không cần.
Bởi, nó chỉ thực sự cần khi các đường dây nóng này phát huy được hiệu quả.
Khi tiếp cận được thông tin thì cơ quan chức năng nhanh chóng đến kiểm tra và có biện pháp xử lí kịp thời.
Còn, nếu chỉ tồn tại hình thức, lập theo phong trào hay cho yên lòng dư luận thì cũng chẳng để làm gì.
Hơn nữa, một số đường dây nóng chỉ thông qua báo chí chứ phụ huynh có bao nhiêu người biết thông tin này.
Giá như các Sở giáo dục thông báo số điện thoại đường dây nóng về các đơn vị cơ sở và bắt buộc các lãnh đạo nhà trường phải thông báo đường dây nóng ở buổi họp phụ huynh đầu năm học thì sẽ phát huy được tác dụng và hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hơn nữa, thay vì lập đường dây nóng, các cơ quan chức năng của các địa phương có những định hướng rõ ràng và làm việc khách quan.
Đầu năm học, gửi các kế hoạch hướng dẫn về việc xã hội hóa và dạy thêm đến các đơn vị mình quản lí.
Đồng thời, bắt buộc các trường trình những kế hoạch về các khoản thu, các khoản vận động phụ huynh.
Ban giám hiệu nào làm sai, xử lí nghiêm minh, không bao che, không nương nhẹ, không có “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay “khiển trách” thử hỏi hiệu trưởng nào dám vi phạm?
Đằng này, phần nhiều các địa phương mới xử lý được phần ngọn của vấn đề.
Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng về tri thức, nhân cách cho học trò chứ đâu phải là cứ vào đầu năm học là một số Hiệu trưởng lại “làm tiền” với phụ huynh học sinh.
Trường này thu được thì trường khác cũng thu được.
Phần nhiều khi phát hiện lạm thu thì các Hiệu trưởng sai phạm bị xử lí “nhẹ hều” thì đâu có thể làm các hiệu trưởng khác sợ hãi.
Vì vậy, lạm thu vẫn là thượng sách được nhiều Hiệu trưởng áp dụng thành công.
Nếu “không thành công” thì trả lại, xin lỗi và rút kinh nghiệm là mọi chuyện lại hòa cả làng.
Ai cũng biết rằng các trường công lập là những trường được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hàng năm.
Trước khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tài chính của 1 năm hoạt động thì Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường đã tính toán kĩ lưỡng các khoản chi phí cho tất cả các hoạt động một năm và tất nhiên không ai dại gì mà dự trù thiếu cho đơn vị mình.
Hơn nữa, đây là công việc hàng năm của họ. Vậy mà, cứ vào đầu năm học là nhà trường cứ ca hoài bài ca thiếu kinh phí hoạt động để kêu gọi đóng góp từ phụ huynh?
Đường dây nóng xem chừng chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề lạm thu và chưa có tính bền vững.
Việc các tỉnh lập và công khai cho dư luận số điện thoại và email nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh lạm thu ở các trường học xem chừng không có mấy tác dụng.
Vấn đề cốt lõi là xây dựng được đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường có phẩm chất đạo đức tốt, phải công khai minh bạch các khoản thu chi tiết hàng năm.
Công tác thanh, kiểm tra của ngành giáo dục, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đưa ra những “biện pháp mạnh” đối với những Hiệu trưởng lợi dụng chính sách xã hội hóa giáo dục thì mới chấn chỉnh được việc lạm thu của nhà trường hiện nay.