Kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay có chỉ dấu của những biến động?

25/08/2018 10:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Những động thái khác lạ của kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay cùng với căng thẳng Trung - Mỹ, có thể báo hiệu những biến động tại Hội nghị trung ương 4 khóa 19.

Nikkei Asian Review ngày 23/8 có bài phân tích của ký giả Katsuji Nakazawa về chính trường Trung Quốc và quan hệ Trung - Mỹ xung quanh hội nghị không chính thức Bắc Đới Hà vừa kết thúc.

Trong khi chi tiết các cuộc thảo luận kín ở Bắc Đới Hà không được công bố, đã có nhiều đồn đoán rằng cuộc "nhập thất" thường niên tại khu nghỉ mát này đã gây ra sự mệt mỏi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc họp khác thường hậu Bắc Đới Hà

Katsuji Nakazawa cho biết, theo dõi chính trường Trung Quốc 2 tuần qua ông đã thấy một số dấu hiệu lạ từ kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay.

Tối 16/8, rất có thể là thời điểm này hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc, bản tin thời sự đầu tiên của CCTV là một cuộc họp của Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, diễn ra trong ngày hôm đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Jinwenwang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Jinwenwang.

Ủy ban 7 thành viên này là cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc trên thực tế, mỗi tuần nhóm họp 1 lần và không bao giờ được đưa tin.

Quy mô rộng hơn, các kỳ họp Bộ chính trị 25 thành viên 1 tháng 1 lần thường được tường thuật trên các báo. Bộ chính trị bao gồm cả 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị.

Lâu nay CCTV chưa bao giờ phát sóng cảnh quay nào về cuộc họp hàng tuần của Thường vụ Bộ chính trị, cho nên thông tin này hơi khác thường và đáng ngạc nhiên.

Cuộc họp được triệu tập bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, thì lá phiếu của ông cũng chỉ tương đương 6 thành viên còn lại.

Kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay có chỉ dấu của những biến động? ảnh 2

Nhập thất Bắc Đới Hà và thế bí của ông Tập

Đứng đầu chương trình nghị sự ngày 16/8 là vụ bê bối vắc xin, nhưng cuối bản tin CCTV cho biết, Thường vụ Bộ chính trị còn nghiên cứu các nội dung khác.

Các nhà quan sát tin rằng, "nội dung khác" ở đây có thể là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ và những thay đổi nhân sự cấp cao của Trung Quốc.

Ngoài ra, từ "nghiên cứu" ở đây có thể báo hiệu rằng cuộc thảo luận liên quan đến một / một vài vấn đề chưa thống nhất được, vẫn còn chỗ có thể thay đổi.

Những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị trung ương 4 khóa 19 sẽ tổ chức vào cuối năm nay.

Vai trò của Thủ tướng, Phó thủ tướng nổi bật tại kỳ nhập thất

Dấu hiệu lạ thứ hai là bản tin xuất hiện trên Tân Hoa Xã đêm khuya 8/8 về việc Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp Ngoại trưởng Ecuado Maria Fernanda Espinosa, người sẽ đảm nhiệm ghế Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới, tại Bắc Đới Hà.

Từ năm 2003 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi đó đã đình chỉ mọi hoạt động chính thức tại Bắc Đới Hà, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không tiếp khách ngoại quốc ở khu nghỉ mát này từ đó đến nay.

Tại cuộc họp này, ông Lý Khắc Cường nói với khách:

"Trong tình quốc tế hiện nay, chúng ta cần một thế giới đa phương hơn giờ hết. 

Tất cả các quốc gia nên bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, tuân thủ mục đích và nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc, kiên trì giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn."

(Hành động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và chống đối Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 theo Phụ lục VII Công ước này trái ngược hoàn toàn những gì ông Lý Khắc Cường nói ở trên đây).

Ký giả Katsuji Nakazawa nhận định, phát biểu này của ông Lý Khắc Cường đã cho thấy Bắc Kinh thay đổi như thế nào.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp khách quốc tế tại Bắc Đới Hà ngày 8/8, ảnh: Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp khách quốc tế tại Bắc Đới Hà ngày 8/8, ảnh: Nikkei Asian Review.

"Hệ thống thương mại tự do", "đa phương" từng là những điều luôn khiến Bắc Kinh cảnh giác.

Họ liên kết những khái niệm này với chủ nghĩa tự do phương Tây và luôn gắn nó với "âm mưu" của Mỹ và các nước khác để "lật đổ" Bắc Kinh.

Sự xuất hiện công khai khác thường của ông Lý Khắc Cường và những phát biểu lặp đi lặp lại của ông về hệ thống thương mại tự do ở Bắc Đới Hà cho thấy Trung Nam Hải đang phải vật lộn đối phó với tác động của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

Và việc Thủ tướng Trung Quốc chứ không phải Chủ tịch nước lên tiếng về chính sách đối ngoại nước lớn không chỉ cho thấy sự thống nhất trong đối phó với Donald Trump, mà còn mang một thông điệp tới Nhà Trắng: Trung Quốc muốn mở cửa đàm phán.

Ngoài ra, động thái này còn ngụ ý Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn dứt bỏ chính sách giấu mình chờ thời (và nguyên tắc tập thể lãnh đạo) thời Đặng Tiểu Bình.

Trước đó ngày 8/8 truyền thông Trung Quốc đã đưa tin 2 Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa và Trưởng ban Tổ chức trung ương Trần Hy có mặt tại Bắc Đới Hà thăm hỏi các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc.

Những người thân cận của Tập Chủ tịch mờ nhạt tại Bắc Đới Hà năm nay

Ngày 13/8 website Quốc hội Trung Quốc tiết lộ, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư đã có mặt tại Bắc Đới Hà ngày 10/8, trong khi Tân Hoa Xã và các kênh truyền thông nhà nước khác không đưa tin sự tham dự của ông tại hội nghị.

Kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay có chỉ dấu của những biến động? ảnh 4

Ông Tập Cận Bình nên thay đổi

Ông Lật Chiến Thư được cho là người đồng sự rất thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sự xuất hiện của ông dường như là để cân bằng lại những đồn đoán suy yếu ảnh hưởng của "cái gọi là phe Tập Cận Bình", theo một số nhà quan sát.

Ngoài ra, kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay vắng mặt một trợ lý thân tín khác của ông Tập, đó là ông Vương Hỗ Ninh - Bí thư Ban bí thư và là nhân vật số 5 trong Thường vụ Bộ chính trị.

Ông Vương Hỗ Ninh không thấy xuất hiện tại Bắc Đới Hà như người tiền nhiệm Lưu Vân Sơn các năm trước.

Vương Hỗ Ninh được cho là người thúc đẩy các hoạt động xây dựng hình ảnh cá nhân cho Chủ tịch Tập Cận Bình, đang gây tranh cãi vì sự lặp lại chủ nghĩa sùng bái cá nhân thời Mao Trạch Đông.

Những diễn biến bên trong, bên ngoài có thể ảnh hưởng tới Trung Nam Hải

Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đều đi lên từ phong trào Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, hai ông giữ vai trò nổi bật tại Bắc Đới Hà năm nay, trong khi những người được cho là thuộc "cái gọi là phe Tập Cận Bình" lại có vẻ kém hơn.

Tháng 3 năm nay Quốc hội Trung Quốc sửa Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, động thái được xem như sự khẳng định vai trò lãnh tụ tối cao, quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.

Những diễn biến mới tại kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay, theo Katsuji Nakazawa, sẽ báo hiệu những biến động mới có thể diễn ra tại Hội nghị trung ương 4 cuối năm nay.

Cảnh quay đầu tiên phát sóng hình ảnh ông Tập Cận Bình hậu Bắc Đới Hà là ông đang chủ trì cuộc họp Quân ủy trung ương. Thông điệp về sự xuất hiện này khá rõ ràng. [1]

Chủ tịch Tập Cận Bình lại tiếp tục quạt nóng chiếc lò chống tham nhũng trong quân đội.

Ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị Quân ủy trung ương, ảnh: ifeng.com.
Ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị Quân ủy trung ương, ảnh: ifeng.com.

South China Morning Post ngày 24/8 đưa tin, trong cuộc họp Quân ủy trung ương tuần trước, ông Tập Cận Bình đã làm nóng lại chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội.

2 viên Thượng tướng Trung Quốc bị giáng chức / cách chức, 1 viên Trung tướng khác đang bị tạm giữ điều tra vì tham nhũng.

Cảnh quay cuộc họp Quân ủy trung ương đã cho thấy 2 viên tướng vắng mặt, 1 là Ngụy Lượng - Chính ủy Bộ tư lệnh Chiến khu Nam, 2 là Hứa Phần Lâm - Phó tổng tham mưu trưởng. Cả hai mang hàm Thượng tướng.

Nguồn tin của South China Morning Post nói với tờ báo này, 2 viên tướng trên bị cách chức / giáng chức, còn Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Chiến khu Đông, Trung tướng Dương Huy, bị bắt để điều tra tham nhũng. [2]

Thêm một biến số nữa cho Hội nghị trung ương 4 khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc tới đây, là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Trung tâm An ninh mới, Washington, Hoa Kỳ, cho rằng Trung Nam Hải dường như đã đánh giá thấp quyết tâm của Tổng thống Donald Trump cũng như hậu thuẫn của lưỡng đảng.

Cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không đơn giản là cuộc chiến thương mại hay những cuộc đàm phán căng thẳng về lợi ích chính trị ngắn hạn, mà là một cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa 2 siêu cường.

Ông nhắc lại cảnh báo của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về việc nhà lãnh đạo 92 tuổi này không muốn thấy "chủ nghĩa thực dân kiểu mới" qua việc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường.

Khi thông qua dự luật quốc phòng gần đây, Quốc hội Mỹ đã đồng ý với Nhà Trắng về mối lo ngại tham vọng của Trung Quốc, từ đánh cắp công nghệ, lan truyền ảnh hưởng chính trị cho đến quân sự hóa Biển Đông và gián điệp mạng. [3]

Do đó, những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài. Điều này sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp tới Hội nghị trung ương 4 khóa 19 tới đây, như nhận định của Katsuji Nakazawa, còn ảnh hưởng như thế nào, cần phải theo dõi thêm.

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Xi-cools-his-jets-as-China-s-political-battle-extends-to-autumn

[2]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2161289/president-xi-jinping-takes-aim-more-top-chinese

[3]https://english.kyodonews.net/news/2018/08/b0ddcc1f4072-opinion-intensifying-us-china-strategic-competition-not-transitory.html

Hồng Thủy