Nhập thất Bắc Đới Hà và thế bí của ông Tập

18/08/2018 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Donald Trump đã làm bộc lộ sự thật, cả về Tập Cận Bình lẫn về Trung Quốc.

Hội nghị Bắc Đới Hà, một hoạt động bí ẩn thường niên của các nhà lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và nghỉ hưu với các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc thường diễn ra trong tháng Tám, đã kết thúc.

Thông tin về hội nghị này không mấy khi lọt ra ngoài. Người ta chỉ biết đến nó khi các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bỗng nhiên vắng bặt trên truyền thông một khoảng thời gian ngắn, hoặc ai đó trong số họ xuất hiện ở Bắc Đới Hà.

Ngày 4/8, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa tham dự một hội nghị chuyên đề ở Bắc Đới Hà. Trưởng ban Tổ chức trung ương Trần Hy có mặt tại đây thăm hỏi các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc;

2 thông tin này là dấu hiệu cho thấy kỳ "nhập thất" đã bắt đầu.

Liên hoàn cước của Tổng thống Donald Trump

Kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang.

Ông Tập Cận Bình thăm hỏi ông Giang Trạch Dân tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, ảnh: Nikkei Asian Review.
Ông Tập Cận Bình thăm hỏi ông Giang Trạch Dân tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, ảnh: Nikkei Asian Review.

2 ngày sau khi trở về từ chuyến công du 10 ngày ở Trung Đông và châu Phi, ông Tập Cận Bình phải triệu tập một cuộc họp Bộ chính trị để bàn sách lược đối phó.

Theo Tân Hoa Xã, những người dự họp kết luận rằng, môi trường bên ngoài đã "thay đổi đáng kể" và Trung Quốc nên đưa ra các biện pháp có mục tiêu rõ ràng để giải quyết vấn đề.

Ngay hôm sau, 1/8 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các quan chức thương mại xem xét đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đòn này của ông Donald Trump có thể khiến ông Tập Cận Bình kinh ngạc.

Bộ Thương mại Mỹ còn bổ sung 44 doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực quân sự vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Mike Pompeo ở Singapore, khi được hỏi về mức thuế suất mới ông Donald Trump nêu ra, ông Nghị trả lời khá nhũn nhặn:

"Cạnh tranh thương mại giữa 2 nước cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán".

Chỉ vài giờ sau, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo họ chuẩn bị đánh thuế trả đũa 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng.

Ngày hôm sau, ông Vương Nghị trả lời báo chí Trung Quốc với khẩu khí hoàn toàn khác: "Nếu Mỹ tấn công chúng ta, chúng ta sẽ trả đũa."

Nhập thất Bắc Đới Hà và thế bí của ông Tập ảnh 2

Ông Donald Trump xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc

Sự thiếu nhất quán trong phát biểu và thay đổi thái độ đột ngột của ông Vương Nghị đã tạo ra ấn tượng rằng, Trung Quốc lúng túng trong việc phân vai đội ngũ từ Bắc Kinh, Bắc Đới Hà đến Singapore để diễn cùng 1 vở kịch.

Trong khi đe dọa ăn miếng trả miếng với Hoa Kỳ, thực tế Trung Quốc nhập khẩu hàng Mỹ ít hơn nhiều so với hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Đó là lý do tại sao Donald Trump tin Mỹ "không thể mất" trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bắc Kinh không thể tiếp tục trả đũa bằng thuế quan.

Khi chính quyền Donald Trump công bố mức thuế suất trừng phạt 25% trên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì chính quyền Tập Cận Bình mới bắt đầu chuẩn bị đánh thuế trả đũa 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp phi thuế quan như hạn chế đầu tư của Mỹ, nhưng điều này sẽ phản tác dụng và làm chậm lại dòng vốn.

Nền kinh tế số 2 thế giới có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng nó chỉ dẫn đến gia tăng các biện pháp trừng phạt từ Washington, nên đã khiến ông Tập chần chừ.

Gay cấn kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay

Ký giả Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asian Review bình luận, ở Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình phải đối phó với một khó khăn khác.

Kỳ nhập thất năm ngoái, một cơn địa chấn chính trị đã làm rung chuyển Trung Quốc trước cuộc họp Bắc Đới Hà khi Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị bắt ngày 15/7/2017.

Vài tháng sau, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa "tư tưởng Tập Cận Bình về kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc" vào điều lệ.

Katsuji Nakazawa đánh giá "tư tưởng" ấy vẫn còn sơ sài.

Ông Giang Trạch Dân, ảnh: Đa Chiều.
Ông Giang Trạch Dân, ảnh: Đa Chiều.

Nhưng điều không được thảo luận tại cuộc họp Bắc Đới Hà năm ngoái là sửa đổi Hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước.

Việc thực hiện sửa đổi Hiến pháp này có thể dẫn đến phản ứng từ các "nguyên lão" trong kỳ nhập thất Bắc Đới Hà năm nay, dưới danh nghĩa chống tệ sùng bái cá nhân.

Katsuji Nakazawa cho rằng ít nhất 3 cựu lãnh đạo cấp cao là các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ phản đối điều này. [1]

Còn theo Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Min Xinpei (Bùi Mẫn Hân), đằng sau những lo ngại về kinh tế do căng thẳng thương mại Trung - Mỹ gây ra là làn sóng phê bình toàn diện chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình kể từ khi nắm quyền năm 2012 đến nay.

Thay vì đổ lỗi cho Donald Trump khơi mào chiến tranh thương mại, các quan điểm phê phán cả bên trong lẫn bên ngoài (Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho rằng:

Ông Tập Cận Bình từ bỏ chiến lược giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình chính là nguồn gốc của những tai ương Trung Quốc đang gặp phải.

Đặc biệt các "sáng kiến" của ông Tập Cận Bình, từ Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ USD cho đến việc đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) Biển Đông, được xem là quá tốn kém, đầy tham vọng, mạo hiểm và đối đầu.

Nhập thất Bắc Đới Hà và thế bí của ông Tập ảnh 4

Trung Quốc đối mặt với 2 lựa chọn ngặt nghèo trước Tổng thống Donald Trump

Nhìn chung, ngày càng có sự đồng thuận cao trong giới tinh hoa Trung Quốc rằng, các chính sách đối ngoại này đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của phương Tây nói chung, Hoa Kỳ nói riêng về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Họ nhận ra rằng, thời hoàng kim của sự phát triển của Trung Quốc đã kết thúc, nếu quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục xấu đi, giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình sẽ trở thành cơn ác mộng địa chính trị.

Đáng chú ý, các quan điểm phê phán chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã viện dẫn câu hỏi nổi tiếng Đặng Tiểu Bình đưa ra hơn 4 thập kỷ trước:

Tại sao bạn bè của Mỹ lại giàu có, còn kẻ thù của Mỹ thì nghèo nàn?

Chiến lược chính trị - kinh tế của Đặng Tiểu Bình được kế tục bởi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào là giấu mình chờ thời, đã nhanh chóng được thay thế bởi "giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù đã đưa ra một kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng vào cuối năm 2013, chính quyền ông Tập Cận Bình đã có ít thành tựu được ghi nhận.

Thay vì cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị này được tăng cường (độc quyền) thông qua các cuộc hợp nhất lớn, bảo vệ các đặc quyền đặc lợi cho họ.

Trợ cấp lớn từ ngân sách nhà nước đã được lên kế hoạch để tăng cường chính sách công nghiệp nhằm thay thế sự thống trị về công nghệ của phương Tây;

Các biện pháp kiểm soát mới cũng ngăn chặn sự vận động của Trung Quốc trong lĩnh vực tự do hóa dòng vốn...

Tuy nhiên, với cá tính của ông Tập Cận Bình và dựa trên kinh nghiệm lịch sử, rất có thể Trung Quốc vẫn cố tự điều chỉnh và ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng thuyết phục các quan điểm phản đối, rằng khó khăn chỉ là nhất thời, chiến lược của ông sẽ hiệu quả về lâu về dài.

Ông Tập Cận Bình cũng có thể trở lại các chính sách thận trọng được theo đuổi bởi những người tiền nhiệm, nhưng dù bằng cách nào, thì theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, lúc này là khoảnh khắc bộc lộ sự thật, cả với Tập Cận Bình lẫn với Trung Quốc. [2]

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Retired-sages-audit-Xi-s-China-at-summer-conclave

[2]https://asia.nikkei.com/Opinion/China-s-moment-of-truth

Hồng Thủy