LTS: Bàn về những quy định trong trường học, thầy giáo Thanh An chỉ ra có những kiểu cấm "lạ" gây ức chế cho học sinh và phụ huynh.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mỗi đơn vị trường học đều có những nội quy để áp dụng đối với học sinh của mình nhằm hướng tới việc thực hiện tốt nền nếp, đồng bộ trong nhà trường.
Tuy nhiên, không phải cái cấm nào cũng phù hợp với thực tế mà đôi lúc còn gây ức chế cho một bộ phận học sinh, phụ huynh nhà trường.
Phương châm cái nào không quản được là cấm có lẽ đã không còn phù hợp nhưng nó vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của một số Ban giám hiệu nhà trường hiện nay.
Việc học sinh phổ thông mang điện thoại theo mình vào lớp học hiện nay khá phổ biến ở các nhà trường.
Việc cấm học sinh sử dụng điện thoại liệu có phù hợp? Ảnh minh hoạ trên Moitruong.net.vn |
Đa phần học sinh cấp Trung học cơ sở đã sử dụng thành thạo điện thoại.
Học sinh cấp Trung học phổ thông gần như em nào cũng có cho riêng mình một chiếc điện thoại có nhiều chức năng.
Điều mà chúng ta không thể phủ nhận được là điện thoại đang giúp cho con người rất nhiều những lợi ích và vô cùng thuận lợi trong cuộc sống hiện đại.
Bởi, trên những chiếc điện thoại thông minh được kết nối Internet có vô vàn những chức năng để giúp chúng ta liên lạc, học tập, vui chơi, giải trí.
Và, đối với học sinh cũng vậy, các em cũng có quyền riêng tư, cũng có nhu cầu tra cứu tài liệu, giải trí cho mình, pháp luật cũng không cấm việc sử dụng điện thoại đối với học sinh.
Vậy, cớ gì mà nhiều nhà trường cứ phải đưa ra nội quy là cấm, tịch thu, giữ hàng tháng trời rồi mời phụ huynh học sinh vào để trả?
Giáo dục học sinh bằng cách thu tiền phạt đang được áp dụng ngay giữa Thủ đô |
Cuối cùng cấm cũng không cấm được mà tự rước phiền phức cho giáo viên và nhà trường, sự khó chịu của học sinh.
Theo chúng tôi, đối với những em học sinh cấp 2 trở lên không nhất thiết phải cấm đem điện thoại vào trường làm gì, thực tế cấm cũng chẳng có tác dụng gì bởi học sinh vẫn mang vào theo bên mình.
Thay vì cấm, thầy cô nên hướng dẫn, định hướng các em sử dụng điện thoại vào những thời điểm ở trường sao cho phù hợp và hiệu quả sẽ giúp các em thoải mái hơn trong học tập và vui chơi.
Chẳng hạn, nhà trường đưa ra quy định là trong giờ học, học sinh có thể phải tắt nguồn, hoặc tắt chuông, để chế độ rung và bỏ vào cặp sách.
Những em nào trong giờ học lấy điện thoại chơi game, lướt web, trong giờ kiểm tra dùng điện thoại để quay cóp tài liệu sẽ bị tịch thu và thông báo về gia đình.
Tái phạm, sẽ hạ bậc hạnh kiểm thì học sinh nào dám vi phạm?
Bởi, thực tế, học sinh phổ thông các em chưa phải là lứa tuổi khó dạy, các em vẫn luôn chấp hành tốt nội quy của nhà trường và đa phần nghe lời thầy cô của mình.
Những buổi đầu giờ học, giờ ra chơi, học sinh có thể lấy điện thoại ra dùng để vui chơi, giải trí nhằm giảm bớt sự căng thẳng sau các tiết học.
Đôi lúc, một tấm hình “tự sướng” hay tự sự vào dòng tếu táo rồi đưa lên Facebook cũng là cách để các em giảm bớt áp lực trong học tập.
Hết giờ học, có thể liên lạc với cha mẹ đến đón hoặc có công việc đột xuất gì thì gọi cho cha mẹ biết chừng để đỡ phải lo lắng, sốt ruột chờ đợi.
Lí do mà nhiều nhà trường hiện nay cấm điện thoại là lo sợ học sinh ghi âm lời thầy cô giảng bài, những lời quở trách, cự cãi với học trò, rồi các em quay lại clip học sinh vi phạm, đánh nhau để tung lên mạng Internet làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự nhà trường.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Nếu thầy cô gương mẫu, yêu thương học trò, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thì cớ gì việc gì phải sợ và cấm điện thoại?
Nhiều clip ghi hình ảnh thầy cô giảng bài, giáo dục học sinh được tung lên mạng đã khiến cho nhiều người thích thú đó sao?
Hơn nữa, nếu bài giảng của thầy cô hấp dẫn, lôi cuốn, thầy cô quán xuyến lớp tốt thì cũng chẳng có em nào còn thời gian để bấm điện thoại.
Chỉ những giờ học mà thầy cô giảng chưa tốt, chưa thuyết phục được học sinh thì các em mới cảm thấy chán ngán mà làm những việc riêng.
Nhiều người cứ lên án học sinh quay clip đánh nhau rồi đưa lên mạng làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.
Nhưng, thử hỏi nếu không có những clip đó thì làm sao nhà trường biết được những “khoảng tối” của học trò mà xử lý.
Cũng chính từ những clip học sinh quay lại đó mới có thể giúp cho nhà trường có cơ sở xử lý, đưa ra những cảnh báo, giúp các em chưa ngoan, chưa tốt tiến bộ hơn và đặc biệt là thầy cô biết những em là nạn nhân để mà tìm cách giúp đỡ, động viên các em vượt qua những mặc cảm, sợ hãi mà học tập.
Không chỉ cấm điện thoại, nhiều trường còn cấm học sinh mang dép lào, dép tổ ong, dép không có quai hậu vào trường.
Lạ thật, những đôi dép này có gì là tội lỗi đâu. Nhiều em nhà nghèo, chỉ có 1 đôi dép đi cả ở nhà lẫn lúc đi học thì sao lại cấm?
Nhiều trường không chỉ thu dép của học sinh mà có trường thu xong rồi lấy kéo cắt quai dép để học sinh bắt buộc phải mua và mang dép theo quy định.
Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo |
Sự việc này đã từng được báo chí phản ánh ở thời gian qua cho ta thấy nó hoàn toàn không phù hợp trong môi trường giáo dục mà chỉ làm tăng thêm mức độ tàn nhẫn của sự việc.
Trong thực tế cuộc sống, có những học sinh mua một đôi dép có quai hậu thì đơn giản vô cùng nhưng cũng có em mua được đôi dép như vậy là cả một vấn đề rất lớn.
Một đôi dép có quai hậu loại bình thường bây giờ cũng phải mấy trăm ngàn đồng chứ đâu có ít gì.
Vì thế, điều quan trọng mà các thầy cô và Ban giám hiệu phải biết là còn nhiều học sinh của mình, nhất là ở chốn thôn quê còn nghèo lắm!
Hiện nay, bên cạnh khuôn viên nhà trường thường có nhiều quán xá bán đồ ăn uống, giữ xe học sinh vì thế làm ảnh hưởng đến doanh thu của một số cá nhân đã thầu nhà xe, căng tin trong nhà trường.
Thế là, có những Ban giám hiệu cấm học sinh gửi xe bên ngoài nhà trường, đầu năm học là quán triệt cặn kẽ và đưa ra quy định bắt buộc học sinh phải gửi xe trong trường và yêu cầu học sinh nộp tiền gửi xe vào đầu tháng.
Học sinh ăn uống ở ngoài thì lấy cớ là mất vệ sinh an toàn thực phẩm để cấm.
Có trường còn ác nghiệt hơn là cấm học sinh mang chai nước lọc vào lớp học uống, trong khi 5 tiết học các em chỉ có ra chơi 1 lần.
Trời nắng nóng, ngồi 2-3 tiết học mà không được mang nước theo rõ ràng cũng hề dễ chịu chút nào đối với một số em.
Tất cả cũng chỉ vì một lí do đơn giản là để học sinh mua hàng, ăn uống ở căng tin nhằm đảm bảo nguồn thu cho nhà thầu bởi nhà trường đã cho họ đấu thầu thì phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn thu cho họ.
Chuyện “cấm” trong nhà trường thì còn có rất nhiều mà kể mãi không hết.
Nhưng có lẽ, trong nhà trường, ngoài chuyện truyền đạt kiến thức thì thầy cô cần tạo cho học sinh thói quen thích nghi phù hợp với môi trường giáo dục sẽ tốt hơn là cấm đoán mọi điều.
Thầy cô tạo cho học sinh có lòng yêu thương, biết sẻ chia lẫn nhau mới là điều đáng quý và cần thiết.
Cấm - chưa bao giờ là biện pháp hữu hiệu đối với học trò.
Chúng ta - những người lớn cũng đừng bắt buộc các em cứ phải sống theo ý nghĩ áp đặt của mình bởi sự áp đặt không phải bao giờ cũng tốt và hiệu quả.