Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo

22/03/2018 07:12
Trần Vũ
(GDVN) - Việc giáo dục học sinh cá biệt ở trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập, từ công tác quản lý học sinh và cả những quy định của ngành giáo dục.

LTS: Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn liên quan đến việc học sinh và phụ huynh học sinh xúc phạm nhà giáo.

Trong bài viết này, thầy giáo Trần Vũ chỉ ra một số biện pháp giúp chấn chỉnh tình trạng đáng buồn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói học trò bị thầy, cô sử dụng đòn roi hoặc hình phạt quỳ gối để dạy dỗ thường là những học sinh cá biệt, mà dấu hiệu thường thấy là: lười học, nghịch phá, mất trật tự trong giờ học hoặc có hành vi vô lễ với thầy cô…

Còn học trò học hành tử tế, lễ phép với thầy cô, đâu có bao giờ bị dạy dỗ bằng đòn roi!

Bởi lẽ, ở trường phổ thông, hầu hết thầy cô đều có lòng tự trọng chấp nhận sống với nghề dạy học, tất nhiên họ là những người “Yêu nghề, mến trẻ”,  mới đứng vững được trên bục giảng, nên họ không thể tùy tiện dùng đòn roi để dạy học trò.

Biện pháp nào giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo? Ảnh minh hoa: Báo Giáo dục và Thời đại.
Biện pháp nào giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo? Ảnh minh hoa: Báo Giáo dục và Thời đại.

Có những thầy, cô trong đời dạy học chưa một lần đánh học trò của mình, không phải vì họ vô trách nhiệm.

Nhưng, cũng không phải không có thầy, cô đánh học trò của mình, do không kìm chế được cảm xúc của bản thân; trong nhất thời họ “quên” nhiệm vụ giáo dục học trò của người thầy, dẫn đến học trò, phụ huynh phản ứng lại:

Ở Trường Trung học phổ thông Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, do học trò có thái độ thách thức, lời lẽ vô phép nên thầy trò đánh nhau trong lớp học;

Còn ở Trường Mầm non tư thục Thanh Xuân Nam, tỉnh Thanh Hoá, do nóng giận nên giáo viên dùng đũa đánh bầm tím trẻ mẫu giáo 3 tuổi;

Ngày 27/9/2017, ở Trường Tiểu học Đặng Cương (Thành phố Hải Phòng) cô giáo đánh một học sinh lớp 2 do không mặc đồng phục và nói chuyện riêng, nên bị phụ huynh xông vào lớp hành hung lại cô giáo;

Và mới đây nhất ngày 28/2/2018, cô giáo lớp 4 ở Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do phạt học sinh vi phạm nội quy bằng cách cho quỳ gối trước lớp khiến các em sợ không muốn đi học, phụ huynh vào trường bắt cô giáo phải quỳ gối;

Hay chuyện một học sinh cá biệt lớp 8 ở Trường Trung học cơ sở Tân Thạch huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chửi và bóp cổ giáo viên… 

Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo ảnh 2Thầy bị đánh, cô phải quỳ... chuyện gì đang xảy ra?

Những câu chuyện đó đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhưng có nói gì đi nữa, thầy, cô đánh học trò hoặc xử phạt bằng cách cho học trò “quỳ gối”, với bất cứ lý do gì, trước hết cũng sai cả về đạo đức, lẫn tính pháp lý quy định đối với nhà giáo.

Hành vi đó cần phải được ngành Giáo dục quyết liệt ngăn chặn và mạnh tay xử lý.

Bởi theo Điều 75 Luật Giáo dục 2005 ( Luật số: 38/2006/QH11, ngày 04/6/2006 của Quốc hội, quy định hành vi nhà giáo không được làm, đó là: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”.

Đã là giáo viên được đào tạo sư phạm, chắc chắn không thể nào quên nhiệm vụ của người thầy: 

“Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường” (Điều 70 Luật Giáo dục 2005).

Do vậy, thiết nghĩ, người thầy khi đã chọn nghề dạy học, ngoài việc phải tìm hiểu những điều nhà giáo không được làm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhất thiết phải tìm hiểu đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, nhất là những học sinh cá biệt trong lớp, để có biện pháp giáo dục phù hợp thay vì phải dùng đòn roi hoặc các hình thức phản sư phạm để răn đe học sinh.

Tuy nhiên, việc giáo dục học sinh cá biệt ở trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập, không những từ công tác quản lý học sinh của Hiệu trưởng, mà còn ở cả những quy định của ngành giáo dục và đào tạo.

Đơn cử như sau:

Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo ảnh 3Tại sao giáo viên… bất lực?

1. Dù giáo viên được Hiệu trưởng phân công làm chủ nhiệm lớp thường theo học sinh suốt cả cấp học và trong kế hoạch chủ nhiệm lớp có chỉ tiêu theo dõi, giúp đỡ học sinh cá biệt.

Thế nhưng, việc tìm hiểu, trao đổi với cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những học sinh mà cha mẹ đã ly hôn hoặc cha mẹ hoàn toàn giao phó việc giáo dục con cho thầy cô hoặc cha mẹ nuông chiều con quá đáng hoặc học sinh nhà xa ở trọ đi học…

Bởi giáo viên chủ nhiệm ngoài hoạt động chuyên môn, còn phải tham gia nhiều hội thi, hoạt động ngoại khoá; các cuộc thanh, kiểm tra hoạt động sư phạm và dự giờ của các cấp quản lý giáo dục; rồi nhiều thầy, cô phải làm thêm hoặc dạy thêm để cải thiện cuộc sống…

Thế nên giáo viên chủ nhiệm không còn thời gian để thực hiện kế hoạch giáo dục học sinh cá biệt đã đề ra.

Mặt khác, công tác quản lý học sinh của Hiệu trưởng ở một số trường phổ thông còn lỏng lẻo: Không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm việc theo dõi sự tiến bộ của học sinh cá biệt.

Thế nên học sinh cá biệt ở trong lớp, không phải giáo viên nào cũng biết, để có ứng xử phù hợp, nhất là khi thầy cô nổi giận đánh hoặc phạt “nhầm” học trò cá biệt hoặc con của phụ huynh cá biệt để rồi học trò hoặc phụ huynh phản ứng lại thầy, cô.

2. Việc giáo dục học sinh cá biệt cần được Giám thị nhà trường hỗ trợ cho thầy, cô.

Tuy nhiên, chức danh này theo Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập không có quy định biên chế.

Còn giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học sinh hiện nay ở trường phổ thông nếu có cũng chỉ là kiêm nhiệm.

Do vậy, việc giáo dục học sinh cá biệt ở trường phổ thông hiện nay không có được hiệu quả như mong muốn.

Từ thực trạng trên đây, để ngăn chặn học sinh cá biệt, phụ huynh xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô và nhà trường, tôi cho rằng:

Thứ nhất, Hiệu trưởng trường phổ thông, ngoài việc nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thực hiện kế hoạch giáo dục học sinh cá biệt trong lớp, đưa vào tiêu chí thi đua và đánh giá xếp loại giáo viên; nhất thiết phải ban hành “ Quy tắc ứng xử trong nhà trường”, trong đó quy định cụ thể:

Đây là những lý do khiến cô giáo chỉ có một con đường duy nhất là...phải quỳ

- Học sinh khi phạm lỗi trong học tập, thì lỗi nào giáo viên phải nhắc nhở hoặc ghi vào sổ đầu bài để giáo viên chủ nhiệm xem xét, xử lý; lỗi nào thì giáo viên được đình chỉ học tập trong tiết học để giám thị hoặc giáo viên tư vấn tâm lý hỗ trợ; lỗi nào phải báo cáo ngay cho giám thị và hiệu trưởng nhà trường xử lý…

Nếu được quy định rõ như thế, nhiều hy vọng giáo viên sẽ kìm chế được cảm xúc của bản thân trong việc xử lý tình huống, nhất là đối với học sinh cá biệt .

- Khi giáo viên dùng đòn roi với học sinh: Hiệu trưởng cần mạnh tay xử lý kỷ luật theo Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 của Chính phủ; chắc chắn giáo viên sẽ thân thiện hơn đối với học sinh, không còn sử dụng các biện pháp giáo dục phản sư phạm để dạy dỗ học sinh cá biệt.

Thứ hai, quan trọng hơn hết, nếu như ở trường phổ thông công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung vào Thông tư 16, đó là thêm biên chế cho chức danh Giám thị và Giáo viên tư vấn tâm lý học sinh thành chuyên trách;

Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ được hưởng cho các chức danh này;

Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng thầy đánh trò hoặc phạt trò “quỳ gối”,  làm hoen ố hình ảnh mẫu mực của người thầy; dẫn đến học sinh hoặc phụ huynh phản ứng lại, làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín và danh dự của người thầy, đến truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Trần Vũ