Ngày 30/8, tại trường trung học phổ Phan Châu Trinh, sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho các giáo viên trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên trung học phổ thông năm học 2018 – 2019 lựa chọn trường học để dạy.
Việc chọn nhiệm sở theo thứ tự kết quả thi tuyển từ cao đến thấp của từng môn, theo từng khối trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Đại diện lãnh đạo sở đã phát các phiếu thông các trường phổ thông trên địa bàn, trong đó có các môn học đang thiếu giáo viên.
Sau khi suy nghĩ, giáo viên sẽ lựa chọn trường rồi gửi về Sở. Dựa trên kết quả điểm thi, các giáo viên được sắp xếp về nhiệm sở theo nguyện vọng của mình.
Kỳ thi tuyển không có khiếu nại
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc sở sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục địa phương này tuyển 84 giáo viên trung học phổ thông cho các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo quy định, sở đã tiến hành kỳ thi tuyển và có 519 thí sinh từ Đà Nẵng và các địa phương khác tham dự.
79 giáo viên lựa chọn trường học để dạy. Ảnh: TT |
Các thí sinh phải trải qua nhiều vòng thi bao gồm: kiến thức chung, chuyên ngành, soạn giáo án và các môn điều kiện như: Tin học, Ngoại ngữ…
“Mặc dù chỉ tiêu tuyển là 84 giáo viên nhưng kết quả kỳ thi chỉ có 79 thí sinh trúng tuyển.
Có những thí sinh đạt số điểm rất cao nhưng điểm các môn điều kiện như tin học và ngoại ngữ lại rất thấp nên rớt”. Việc thiếu 5 giáo viên thì ông Vĩnh cho biết, sở đưa ra hai phương án cho các trường thực hiện.
Giáo viên được tự do chọn trường để dạy sau khi trúng thi tuyển |
Nếu tổ bộ môn của trường nào có thể “gánh” thêm tiết thì tăng cường tiết dạy và có trả chi phí. Còn nếu không thì báo cáo sớm về sở để tiến hành hợp đồng với giáo viên.
Ông Vĩnh cũng lưu ý việc hợp đồng này phải được tiến hành chặt chẽ chỉ hợp đồng theo từng năm để tránh kiện tụng, khiếu nại về sau.
Nếu như tại các kỳ thi tuyển giáo viên của nhiều địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắc Lắc… đang xảy ra việc kiện tụng, khiếu nại do nghi ngờ kết quả thi bị sai lệch, không công bằng thì tại Đà Nẵng như thế nào?
Ông Vĩnh cho hay: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ một đơn khiếu nại, khiếu kiện gì phản ánh việc có tiêu cực trong kỳ thi từ người trúng tuyển và cả người không trúng tuyển.
Qua đó để thấy rằng, kỳ thi đã được chuẩn bị và tiến hành một cách an toàn, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh”.
Cũng theo ông Vĩnh, khác với những kỳ thi tuyển giáo viên đợt trước, lần này ngành giáo dục Đà Nẵng đã mã hóa tất cả tên tuổi, quê quán… của thí sinh.
Thứ tự thí sinh vào phòng thi cũng khác trước, không phải xếp theo vần ABC nữa. Về phía giáo viên ra đề thi và giám thị cũng được cách ly, không có cơ hội tiếp xúc với thí sinh dự thi.
“Qúa trình ra đề, coi thi, chấm thi đều có sự giám sát chặt chẽ và phối hợp từ phía công an. Để hôm nay cho ra kết quả là cần tuyển 84 giáo viên nhưng chỉ có 79 người đạt tiêu chuẩn”, ông Vĩnh nói thêm.
Tránh cơ chế xin - cho
Theo sở Giáo dục Đà Nẵng thì hiện địa phương này có 30 trường phổ thông công lập, tư thục và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Quảng Ngãi thi tuyển giáo viên, 3 lần chấm, 3 mức điểm, thật không thể tin nổi |
“Khác với những địa phương như: Quảng Nam hay Nghệ An có trường nằm cách xa trung tâm đến 200-300 km, các cơ sở giáo dục ở Đà Nẵng có ưu điểm là không quá xa.
Những trường được xem là xa như: trường Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm cũng chỉ cách trung tâm khoảng 20km. Do đó, việc lựa chọn các trường trung tâm hay vùng ven cũng hoàn toàn là điều bình thường”, ông Vĩnh nói.
Chia sẻ về cách làm mới là cho giáo viên tự chọn nhiệm sở, ông Vĩnh nói: “Nếu như mọi năm, chúng tôi cố gắng phân công giáo viên về dạy học tại các trường gần nhà, dựa trên địa chỉ thí sinh thông tin.
Nhưng như vậy cũng không thể làm vừa lòng mọi người, có người không đồng ý với cách phân công đó. Do đó, chúng tôi cho các thí sinh được quyền lựa chọn nhiệm sở. Một khi đã quyết định chọn thì không đổi nữa”.
Theo ông Vĩnh thì cách làm này cũng tạo sự công bằng giữa các giáo viên. Bởi những người thi có điểm số cao hơn thì được lựa chọn trước và người cuối cùng thì không còn cơ hội lựa chọn, phải chấp nhận.
Về phía Sở giáo dục cũng không phải chịu nhiều áp lực trong việc gửi gắm hay dị nghị này kia.
Tất cả đều được công khai, minh bạch, rõ ràng. Và nhất là hạn chế được tình trạng xin – cho trong giáo dục.