LTS: Câu chuyện về những lùm xùm xung quanh việc thi tuyển giáo viên ở Quảng Ngãi khiến dư luận rất quan tâm.
Thầy giáo Hữu Sơn đặt câu hỏi về việc tại sao qua 3 lần chấm, kết quả thi lại có sự chênh lệch rất lớn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Báo Quảng Ngãi đưa tin, chiều 15/8, Sở Nội vụ đã công bố kết quả chấm thẩm định 1.411 bài thi của kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017 tại 11 huyện trong tỉnh.
Kết quả chấm thẩm định của 11 huyện, gồm: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Sơn Tây, Ba Tơ, Tư Nghĩa và Tây Trà được công bố trên trang web của Sở Nội vụ ở địa chỉ http://www.quangngai.gov.vn/vi/sonv/Pages/home.asx.
Kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng phản ánh: "Tại kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017 tại Quảng Ngãi gây xôn xao dư luận khi kết quả chấm phúc khảo ở nhiều hội đồng thi biến động, đặc biệt tại Hội đồng thi huyện Bình Sơn.
Tại Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện Bình Sơn, sau khi thông báo kết quả vào tháng 2 vừa qua thì có đến 86 trường hợp thí sinh có đơn xin phúc khảo.
Điểm khá bất thường là sau phúc khảo, có đến 74 trường hợp biến đổi điểm (71 thí sinh tăng điểm và chỉ 3 thí sinh giảm điểm), trong đó có đến 14 người được tăng điểm ở cả hai môn, 10 thí sinh hết điểm liệt.
Việc tăng điểm một cách đột biến tại Hội đồng thi này đã gây xôn xao dư luận.
Nhiều nghi vấn được đặt ra sau khi có điểm phúc khảo, bởi có người tăng đến 14 điểm.
Hệ lụy của nó là hàng loạt trường hợp thí sinh từ chỗ bị rớt thành đậu và ngược lại, từ đậu thành rớt.
Thắt ruột, bất an vì kết quả thi tuyển giáo viên ở Quảng Ngãi thay đổi |
Ở bộ môn Hóa học (giáo viên trung học cơ sở) có số lượng chỉ tiêu là 2 người nhưng có đến 41 thí sinh tham dự.
Theo đó, chị N.T.T.O có số điểm đứng thứ 3 và bị rớt.
Nhưng sau khi phúc khảo, số điểm chị O. được tăng lên thành 365,67 điểm, vượt qua hai thí sinh được xếp thứ nhất và thứ hai trước đó.
Còn chị N.T.H với số điểm 363,17 điểm đã bị loại. Ở bộ môn Tin học có 62 thí sinh tham dự nhưng chỉ có 32 chỉ tiêu tuyển dụng.
Trong lần công bố kết quả điểm đầu tiên thì chỉ có 26 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, những thí sinh còn lại bị “điểm liệt”.
Tuy nhiên, sau khi phúc khảo thì có 11/11 thí sinh được tăng điểm, cá biệt có người tăng lên đến 10 điểm.
Qua đó, nhiều thí sinh đã vượt qua kỳ thi để được tuyển dụng với nhiều nghi ngờ.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, có 86 thí sinh bị rớt đã nộp đơn xin phúc khảo bài thi và sau đó thì có đến 13 trường hợp từ không trúng tuyển lên trúng tuyển.
Theo tìm hiểu, tình trạng “tăng đột biến” điểm sau phúc khảo không chỉ xảy ra ở Bình Sơn mà còn ở nhiều Hội đồng thi tuyển giáo viên các huyện khác như: Đức Phổ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa…”
Chấm bài thi tuyển giáo viên lần 3: Bài thi 62 điểm nhưng chỉ công bố 26 điểm |
Với nhiều biểu hiện bất thường và nghi vấn từ kết quả thi tuyển dụng giáo viên ở các huyện, Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã vào cuộc chấm thẩm định 1.411 bài thi ở 11 hội đồng thi.
Kết quả, qua chấm thẩm định 1.411 bài thi cho thấy có 93 bài thi có điểm tăng hoặc giảm điểm từ 10 điểm trở lên (chiếm 6,6%), thậm chí có bài thi giảm từ 36 - 39/100 điểm.
Trường hợp, những bài thi tăng hoặc giảm từ 10 điểm trở lên, Sở Nội vụ đã mời các cặp giám khảo qua các vòng thi để đối chất với cặp giám khảo chấm thẩm định để xác định điểm cuối cùng trên bài thi của thí sinh.
Các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo ở Quảng Ngãi từng có nhiều năm và kinh nghiệm tham gia nhiều kỳ thi, cuộc thi liên quan đến ngành giáo dục đưa ra một số nhận định và giả thuyết về tình trạng “lệch” điểm quá lớn từ chấm lần đầu, chấm phúc khảo đến chấm thẩm định tại kỳ thi tuyển dụng giáo viên của địa phương này.
Đây là lần đầu tiên các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ Quảng Ngãi tổ chức kỳ thi tuyển dụng giáo viên với quy mô lớn, số lượng thí sinh tham gia đông nên chưa lường hết những khó khăn, bất cập, tình huống rối rắm, phức tạp nảy sinh trong quá trình tổ chức: ra đề thi - hướng dẫn chấm, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định.
Các đơn vị ở đây đều áp dụng Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức (Thông tư 16 năm 2012) của Bộ Nội vụ để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong khi đó Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức của Bộ Nội vụ bị giới chuyên gia đánh giá là còn sơ sài, lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, dễ phát sinh tiêu cực, nhất là những quy định về khâu ra đề thi, bảo mật đề thi, khâu coi thi, khâu chấm thi (thua xa Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi Trung học phổ thông Quốc gia).
Tiếp đến, khâu điều hành, quản lý, chỉ đạo chấm thi của các hội đồng chấm thi huyện lại non nớt, thiếu kinh nghiệm, không phát hiện và điều chỉnh kịp thời những lệch lạc, bất ổn trong chấm bài thi và thống nhất điểm.
Mặt khác, với số lượng bài thi lớn, thời gian chấm ngắn, số lượng giám khảo chấm ít dễ dẫn đến hiện tượng giám khảo chấm vội vàng, cẩu thả, bỏ sót câu, ý đúng, cộng điểm không chính xác.
Có thực tế, nhiều địa phương đã giao cho các cán bộ, công chức thuộc Văn phòng, Phòng Nội vụ của huyện đảm trách khâu đề thi- đáp án và khâu chấm thi môn kiến thức chung.
Phúc khảo trượt thành thủ khoa hay gì nữa, do bên Nội vụ cả! |
Miễn đề cập đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở đây, song rõ ràng các cán bộ của huyện khó có thể chấm đúng, chấm tốt như các thầy cô giáo của các cơ sở giáo dục.
Hơn nữa, khâu thảo luận thang điểm, đáp áp và chấm chung một số bài thiếu chặt chẽ, nghiêm túc, không có sự đồng bộ, thống nhất cao, trong quá trình chấm độc lập hai vòng và thống nhất điểm dễ nảy sinh chuyện mỗi người, cặp chấm “có một vẻ riêng”.
Cho nên có những bài ghi điểm thống nhất giữa 2 giám khảo ra điểm lẻ đến “lạ lùng”: 050; 015 điểm.
Điều đáng quan ngại nhất là có thể một số giám khảo chấm lần đầu, chấm phúc khảo cố tình chấm sai lệch, tìm cách nâng, cho điểm khống những bài thi của thí sinh vì có tiêu cực, gửi gắm, nhờ cậy, quen biết này, nọ… và hạ điểm những bài thi của thí sinh bình thường, không có “quan hệ” nào.
Mặc dù, khâu chấm thẩm định (do Sở Nội vụ Quảng Ngãi chủ trì trong thời gian qua) là lần chấm cuối cùng, các địa phương phải lấy kết quả này để dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển và ra quyết định bổ nhiệm viên chức nhưng nhiều thí sinh, phụ huynh và dư luận ở Quảng Ngãi cũng chưa thật sự tin tưởng vào tính nghiêm túc, công tâm, khách quan, công bằng của khâu chấm thẩm định này.
Vẫn còn đó những nghi vấn, liệu một số cán bộ của Sở Nội vụ Quảng Ngãi, của một số Hội đồng thi tuyển dụng giáo viên cấp huyện và một số giám khảo chấm thẩm định có thông đồng, dàn xếp, thỏa hiệp… theo hướng có lợi cho con em, cho “gà” của mình hay không?
Khi được hỏi: lần này thi không đậu, nếu vài năm sau tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức thi tuyển dụng giáo viên mới, các em có muốn thi nữa không?
Nhiều em thẳng thắn: "Không bao giờ, kiếm nghề khác mưu sinh thôi, vì tụi em đã nản lắm rồi. Học đã khó, thi tuyển còn khó hơn, bây giờ không “chạy”, không có “quan hệ” nào thì đừng có mơ được chỗ dạy học- đam mê với nghề sư phạm."