Oan khuất khó giãi bày của những giáo viên bị ...hạ cấp

07/09/2018 06:21
Trinh Phúc
(GDVN) - “Nhà báo ơi, những ông đồ xứ Nghệ như bọn em bị đẩy ra bên lề cuộc sống rồi còn chi nựa. Bao năm cống hiến, nay có mặt mũi nào nhìn phụ huynh và học sinh".

Xấu hổ vì bị điều chuyển

Đó là tiếng than vãn của một giáo viên ở huyện Diễn Châu, Nghệ An khi chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi cô và nhiều đồng nghiệp bị điều chuyển từ bậc trung học cơ sở xuống dạy tiểu học.

Tâm trạng đó cũng là tâm trạng của nhiều giáo viên bỗng nhiên bị điều từ cấp học này, sang cấp học khác.

Các giáo viên tỏ ra xót xa, ái ngại vì trong con mắt của phụ huynh họ là những giáo viên chuyên môn yếu, năng lực kém mới bị điều chuyển xuống dạy cấp tiểu học.

Những giáo viên bị điều chuyển luôn ám ảnh bởi những dị nghị từ xã hội khi bị điều chuyển (ảnh VTV).
Những giáo viên bị điều chuyển luôn ám ảnh bởi những dị nghị từ xã hội khi bị điều chuyển (ảnh VTV).

Chính vì vậy, nhiều người buồn bởi ánh mắt hoài nghi và sự đánh giá của xã hội mặc dù các giáo viên chẳng có lỗi lầm gì trong việc này.

Theo cô K. (đề nghị không nêu tên) một giáo viên bị điều chuyển xuống dạy tiểu học ở Diễn Châu, Nghệ An thì việc thừa giáo viên ở bậc trung học cơ sở không phải lỗi của giáo viên.

Thế nhưng, hiện bao nhiêu tủi hổ giáo viên đành gánh chịu.

Qua trao đổi với cô K. có thể thấy, trong 20 năm cầm phấn, ôn luyện giáo viên dạy giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng giờ nhiều người cho rằng cô chuyên môn yếu nên bị điều chuyển. “Chẳng khác nào bôi tro vào mặt” – cô K. xót xa.

Oan khuất khó giãi bày của những giáo viên bị ...hạ cấp ảnh 2Xót xa, bấn loạn vì 20 năm dạy ngữ văn, nay xuống tiểu học dạy thể dục

Chia sẻ Thêm, cô K. cho biết, huyện Diễn Châu đưa ra tiêu chuẩn điều chuyển giáo viên dựa vào căn cứ vào xếp loại thi đua hàng năm.

Theo đó, những giáo viên bộ môn văn trong 3 năm (2015 – 2016, 2016 – 2017, 2017 – 2018) có hai năm xếp loại khá thì bị điều chuyển.

Cô K. cho rằng, cô là giáo viên chủ nhiệm xuất sắc, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao nhưng vì thiếu sáng kiến kinh nghiệm nên mới bị xếp loại khá.

Cách đánh giá xếp loại giáo viên nặng về hình thức, nhiều giáo viên dạy bình thường, đứng lớp bình thường, không bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng có sáng kiến kinh nghiệm nên cuối cùng được xếp xuất sắc nên cô K. cảm thấy không thỏa đáng.

Đồng quan điểm, cô Th. ở Diễn Châu chia sẻ, việc xếp loại giáo viên căn cứ vào sáng kiến kinh nghiệm là một bất cập.

Vì vậy trong đợt điều chuyển lần này nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện bị điều chuyển xuống dạy tiểu học.

Xuống dạy tiểu học là để giải quyết tình thế cho ngành, nay mang cái phận dạy kém bị đều chuyển nên nhiều giáo viên cảm thấy xấu hổ, không đủ tự tin để đứng lớp và tiếp xúc với phụ huynh.

“Nghề nào cũng cần danh dự, nhưng nghề giáo mà danh dự bị tổn thương thì biết ăn nói thế nào với học sinh và phụ huynh” – cô Th. tâm tư.

Cần phải đào tạo chuyên nghiệp

Cô Th. chia sẻ rằng, có phụ huynh hỏi, vì sao cô bị điều chuyển xuống dạy tiểu học. Nhìn phụ huynh lòng cô Th. thắt lại, không biết trả lời sao cả.

Đáng lẽ, những giáo viên bị điều chuyển cần được tôn trọng thì nay lại trong tâm trạng của kẻ “chiến bại”.

Oan khuất khó giãi bày của những giáo viên bị ...hạ cấp ảnh 3Quy hoạch nhân sự giáo dục còn yếu thì nước mắt giáo viên vẫn chảy dài!

Việc điều chuyển xuống dạy tiểu học là một bước ngoặt trong nghề đối với hơn 100 giáo viên ở huyện Diễn Châu.

Qua trao đổi có thể thấy, điều giáo viên cần lúc này là sự động viên, khích lệ và được bồi dưỡng chuyên môn để đứng lớp một cách nghiêm túc.

Thế nhưng, ngoài những áp lực tinh thần thì việc đào tạo đối với những giáo viên này hiện không được như ý muốn.

Theo cô K., từ khi nhận lệnh điều chuyển đến nay, các cô thầy ở Diễn Châu chỉ được học vài buổi. Nếu hôm nào có báo chí đến tiếp cận thì chỉ điểm danh xong rồi về.

Thử thách phía trước đối với các cô thầy diện điều chuyển là rất lớn. Nếu không được trang bị chuẩn về chuyên môn thì vào cuối năm nguy cơ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ là rất cao.

“Bây giờ các giáo viên bị điều chuyển đang ở thế bí. Nếu sau đây, nhiệm vụ không hoàn thành thì bị đào thải. Đó là điều bất cập và không công bằng” – cô K. than thở.

Trinh Phúc