Đến nay đã hơn 1 năm kể từ khi Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá (chây ì không nộp tiền) lô đất ký hiệu ĐM1 có diện tích 6,4 héc-ta (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) vẫn chưa bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Thời điểm đấu giá là ngày 25/7/2017, Tập đoàn FLC đã trúng đấu giá lô đất trên mức 860 tỷ đồng. Theo quy định, sau 21 ngày kể từ ngày có công bố quyết định trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền.
Với hàng loạt resort, khu nghỉ dưỡng có mặt trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, một tập đoàn bất động sản lớn thì nhiều người tin rằng con số 860 tỷ đồng trong tầm tay của Tập đoàn FLC.
Trái lại, thực tế không như nhiều người nghĩ, Tập đoàn FLC chỉ nộp một phần rất nhỏ là 98/860 tỷ đồng (tương đương trên 11%) vào ngân sách, số tiền còn lại doanh nghiệp này chây ì đến mức Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm phải báo cáo Thành phố Hà Nội xem xét hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định.
Ngày 7/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Ngọc Vân – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết: “Khoảng 2 tuần trước, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức họp liên ngành theo chỉ đạo của Thành phố về lô đất ĐM1 do Tập đoàn FLC trúng đấu giá.
Liên ngành đã gửi báo cáo lên Thành phố Hà Nội theo quy định. Tuy nhiên, thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá lô đất ĐM1 là Thành phố”.
Trong khi đó, ông Phùng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm thông tin thêm: “Buổi họp liên ngành gồm quận Nam Từ Liêm, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội… và có đại diện Tập đoàn FLC.
Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn này vẫn chỉ nộp 98 tỷ đồng. Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn FLC cũng đề đạt nguyện vọng xin được nộp đầy đủ số tiền còn lại để sở hữu lô đất ĐM1.
Tuy nhiên, liên ngành cũng thống nhất thực hiện đúng quy trình và quy định. Liên ngành đã báo cáo lên thành phố, quyết định cuối cùng vẫn là thành phố”.
Trụ sở Tập đoàn FLC - nơi cách đây ít ngày nhiều người dân theo băng-rôn, khẩu hiệu đòi quyền lợi và đòi nhà. Ảnh: V.P |
Trước đó, làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: “Ngày 26/1/2018, liên ngành Tài chính – Tài nguyên – Thuế - quận Nam Từ Liêm đã gửi tờ trình số 718 gửi lên Thành phố Hà Nội đề xuất hủy kết quả trúng đấu giá đối với lô đất ĐM1 (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) của Tập đoàn FLC.
Liên ngành đã gửi văn bản lên Thành phố yêu cầu hủy kết quả trúng đấu giá của FLC lô đất trên. Sau đó, thành phố Hà Nội giao cho Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm là đơn vị tổ chức đấu giá lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hủy kết quả trúng đấu giá lô đất ĐM1”.
Như vậy, quy định đã rất rõ, Tập đoàn FLC sau nhiều tháng chây ì chưa nộp đủ số tiền trúng đấu giá cần phải hủy kết quả theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật; không làm mất đi cơ hội của các doanh nghiệp khác và không làm thất thu ngân sách.
Điều khó hiểu là Hà Nội không hủy kết quả trúng đấu giá đối với FLC ngay khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì họp liên ngành mà tiếp tục giao Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm xem xét báo cáo việc hủy kết quả trúng đấu giá của FLC.
Sau hai lần họp liên ngành, nhưng việc hủy kết quả trúng đấu giá lô đất ĐM1 không thành và điệp khúc “chờ” thành phố Hà Nội quyết định hủy đấu giá lại tiếp diễn.
Vi trí lô đất ĐM1 rộng 6,4ha, Tập đoàn FLC trúng đấu giá từ tháng 7/2017 đến nay đã hơn 1 năm mà Hà Nội chưa hủy kết quả trúng đấu giá. Ảnh: Chụp từ bản đồ vệ tinh. |
Việc để Tập đoàn FLC trúng đấu giá nhưng trì hoãn nộp số tiền lớn còn lại hơn 1 năm qua mà không hủy kết quả sẽ dẫn đến nhờn luật, coi thường sự nghiêm minh của pháp luật.
Điều này cũng vô tình tạo tiền lệ xấu sau này cho Hà Nội nếu như nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá rồi cũng chây ì, thách thức pháp luật thì việc thu ngân sách khó đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Hơn nữa, việc Tập đoàn FLC tham gia trúng đấu giá nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính sẽ làm mất cơ hội cho nhiều đơn vị khác có thực lực muốn đầu tư.
Điều này ít nhiều làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền Hà Nội. Đặc biệt khi Chính phủ đang xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính và phục vụ.
Cần phải nhắc lại rằng ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng đáng kể vì những doanh nghiệp chây ì như Tập đoàn FLC. Đã đến lúc Hà Nội cần xử lý dứt điểm việc này để tạo môi trường đầu tư công bằng, công khai, minh bạch và phát triển.
Trước khi xây dựng một thương hiệu lớn, FLC nên học cách cư xử đàng hoàng |
Một trong những câu hỏi được không ít người đặt ra về thực lực tài chính của Tập đoàn FLC?
Bởi thực tế, trong thời gian gần đây khi không ít vụ việc gây bức xúc cho người dân liên quan đến tập đoàn này.
Đầu tiên phải kể là dự án FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) của Tập đoàn FLC có dự kiến đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng 3 năm nay gần như vẫn nằm trên giấy.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm héc-ta đất bị "treo", hàng nghìn người dân rơi vào cảnh thiếu tư liệu sản xuất và bị ảnh hưởng nặng nề cách làm ăn "đem con bỏ chợ" như FLC đang làm.
Cả dự án rộng mênh mông, cỏ mọc hoang hóa, um tùm có duy nhất chiếc cổng chào do FLC xây dựng. Câu hỏi đến bao giờ lời hứa của chủ đầu tư về dự án nghìn tỷ thành hiện thực vẫn còn bỏ ngỏ.
Cả khu đất rộng lớn của bà con vốn trước kia là đất sản xuất, mảnh đất nuôi sống họ nay trở nên “hoang hóa” và vô cùng lãng phí.
Người thiệt thòi nhất trong dự án này không ai khác chính là người dân - đối tượng bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất nhưng chưa nhận được tiền đền bù từ Tập đoàn FLC.
Trong cảnh khốn khó, có lẽ người dân cũng nhận thấy một sự thật hết sức bẽ bàng, đó là FLC dù là tập đoàn kinh tế lớn, nhưng không trả nổi mấy đồng đền bù cho dân nghèo.
Còn tại Hà Nội, dự án FLC Garden City nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, không ít người dân mua nhà dự án này thất vọng và bức xúc trước cách làm ăn của chủ đầu tư.
Vào ngày 25/8, nhiều cư dân mua nhà HH3 đã kéo đến tụ tập rất đông người mang theo băng-rôn, khẩu hiệu trước cửa trụ sở chính Tập đoàn FLC để đòi nhà và đòi quyền lợi chính đáng.
Cụ thể, cư dân mua nhà chung cư HH3 của dự án FLC Garden City (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) dự kiến ngày bàn giao nhà vào quý 4 năm 2017, nhưng đến nay dự án mới vừa cất nóc, nhiều hạng mục còn thi công.
Đáng nói, chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, nhưng quay ngoắt lật kèo” cư dân bằng việc chỉ chấp nhận khoản phạt theo lãi suất tiền gửi (trong khi đó hợp đồng là lãi suất tiền vay kỳ hạn 12 tháng).
Trước đó, cũng tại dự án FLC Garden City, cư dân mua nhà HH2 vào đầu tháng 11/2017 bị chủ đầu tư ép nhận nhà khi dự án còn ngổn ngang như một đại công trình. Hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa nghiệm thu đã ép dân vào ở.