Còn khoảng một tháng nữa là tròn một năm kể từ khi Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá lô đất ĐM1 có diện tích 6,4 héc-ta (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) vẫn chưa bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Thời điểm 25/7/2017, Tập đoàn FLC đưa ra mức giá 860 tỷ đồng khiến không ít nhà phát triển bất động sản, đơn vị tổ chức đấu giá đã choáng váng, bởi với khoản tiền đó có thể sở hữu những lô đất ở khu vực có hạ tầng tốt, có giá trị sinh lời cao hơn.
Nhưng có người tin rằng, với tiềm lực tài chính như Tập đoàn FLC thì việc doanh nghiệp này nộp đầy đủ số tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nhà nước theo đúng quy định là sau 20 ngày có quyết định trúng đấu giá là việc trong tầm tay.
Tuy nhiên, thực tế không như nhiều người nghĩ, Tập đoàn FLC chỉ nộp một phần rất nhỏ là 98/860 tỷ đồng vào ngân sách, số tiền còn lại doanh nghiệp này “chây ì” đến mức Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm phải báo cáo Thành phố Hà Nội xem xét hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định.
Theo Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm, số tiền Tập đoàn FLC đặt cọc để tham gia đấu giá lô đất ĐM1 ban đầu là 48 tỷ đồng. Sau nhiều ngày có quyết định trúng đấu giá, FLC mới nộp thêm được 50 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà FLC đã nộp ngân sách gồm cả đặt cọc và nộp sau là 98 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định thì sau 20 ngày theo quy định FLC phải thực hiện việc nộp đủ số tiền còn lại.
Đáng nói, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn vào một số dự án hoành tráng của FLC trong thời gian gần đây “treo” như FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) sẽ thấy tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này.
Tại dự án FLC Hoàng Long, mọi việc đã xong, nhưng FLC không trả đủ tiền cho người dân và từ nhiều năm nay dự án “đắp chiếu”. Nhiều người đi qua nơi đây không khỏi xót xa khi cả dự án ngày nào “nổ” với những mỹ từ kiểu như “khu công nghiệp kiểu mẫu” này vẫn chỉ có cái cổng chào và sau nó là cỏ mọc um tùm.
Cũng liên quan tới FLC, mới cách đây chưa lâu nhiều người giật mình khi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khi phát đi văn bản “hỏa tốc” gửi đến các ban ngành yêu cầu “cả hệ thống chính trị” cùng vào cuộc giúp Tập đoàn FLC xây khách sạn, sân golf, nghỉ dưỡng…
Đáng chú ý, Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn giai đoạn 1 chiếm đến 1.243 héc-ta thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Được biết, cả giai đoạn 2 của dự án sẽ có tổng diện tích gần 4.000 héc-ta.
Có ý kiến đặt ra, Tập đoàn FLC “vẽ” ra rất nhiều dự án quy mô, tầm cỡ nhằm mục đích xin nhiều đất sau đó găm đất bán kiếm lời cho những doanh nghiệp có nhu cầu? Năng lực thật sự của FLC có kham nổi cùng lúc làm nhiều đại dự án một lúc hay không? Câu trả lời đã phần nào rõ chỉ cần nhìn vào một vài dự án bỏ hoang.
Vị trí lô đất ĐM1 rộng 6,4ha tại phường Đại Mỗ, Tập đoàn FLC trúng đấu giá từ tháng 7/2017 đến nay là gần 1 năm vẫn chưa nộp đủ số tiền mà Hà Nội chưa hủy kết quả trúng đấu giá. Ảnh: Chụp từ bản đồ vệ tinh. |
Trở lại lô đất ĐM1 tại phường Đại Mỗ mà Tập đoàn FLC trúng đấu giá hồi tháng 7/2017, tính đến thời điểm hiện tại đã gần một năm trôi qua mà đơn vị trúng đấu giá là Tập đoàn FLC vẫn “chây ì” nộp đủ số tiền theo quy định.
Điều này có nghĩa ngân sách bị thất thu số tiền lớn, mất cơ hội của các doanh nghiệp khác có năng lực tài chính và có nhu cầu. Đáng nói là sự giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chính quyền khi để doanh nghiệp “ngồi trên pháp luật”.
Điều đáng ngạc nhiên, gần một năm qua Thành phố Hà Nội không hiểu vì lý do gì không quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của FLC để tạo cơ hội cho doanh nghiệp khác có cơ hội sở hữu lô đất trên.
Số tiền ngân sách nhà nước thất thu, FLC hay thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm hay là sẽ không ai phải chịu trách nhiệm?.
Để làm rõ quy trình hủy kết quả trúng đấu giá lô đất ĐM1 của Tập đoàn FLC, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần cập nhật thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị được giao xem xét hủy kết quả trúng đấu giá lô đất này.
Đáng nói, từ thời điểm xem xét hủy kết quả trúng đấu giá lô đất trên đã kéo dài từ cuối năm 2017, nhưng mọi việc vẫn dừng lại ở “chờ thành phố Hà Nội quyết định”.
Nhiều năm Dự án FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) chỉ có cái cổng chào, bên trong cỏ mọc hoang hóa. Nhiều hộ dân có đất trong dự án vẫn chưa được FLC đền bù. Ảnh: Hữu Chí. |
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: “Ngày 26/1/2018, Liên ngành Tài chính – Tài nguyên – Thuế - quận Nam Từ Liêm đã gửi tờ trình số 718 gửi lên Thành phố Hà Nội đề xuất hủy kết quả trúng đấu giá đối với lô đất ĐM1 (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) của Tập đoàn FLC.
Sau đó, Thành phố lại giao cho Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm là đơn vị tổ chức đấu giá lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hủy kết quả trúng đấu giá lô đất ĐM1”.
Cũng theo cán bộ này thông tin: “Vào ngày 31/1/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC có kiến nghị, đề xuất nộp tiền trúng đấu giá lô đấy ĐM1.
Bao giờ Hà Nội mới thu hồi khu đất FLC chây ì không nộp tiền? |
Đến 7/2, thành phố lại giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét và báo cáo. Ngày 7/3, chúng tôi đã rà soát và có văn bản báo cáo lại thành phố là việc đề xuất, kiến nghị nộp làm nhiều đợt số tiền trúng đấu giá lô đất ĐM1 là đúng quy định.
Chúng tôi tiếp tục đề nghị Thành phố tiếp tục giao quận Nam Từ Liêm lập hồ sơ hủy kết quả trúng đấu giá lô đất trên”.
Vị cán bộ này cũng cho biết thêm: “Theo báo cáo của quận Nam Từ Liêm, Tập đoàn FLC mới nộp được 98 tỷ đồng. Quy định sau 20 ngày trúng đấu giá, đơn vị trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá.
Bởi vậy, việc đề xuất nộp làm nhiều đợt số tiền trúng đấu giá của Tập đoàn FLC là không đúng quy định và không được chấp thuận”.
Một lần nữa lô đất ĐM1 của Tập đoàn FLC trúng đấu giá nhưng doanh nghiệp này cố tình "chây ì" suốt nhiều tháng lại rơi vào bế tắc do Hà Nội thiếu kiên quyết hay vì lý do gì?