LTS: Tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" đã được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh.
Tuy nhiên, "bao giờ tình trạng này mới chấm dứt, bao giờ học sinh được quyền lưu ban" là câu hỏi cô Thảo Ly đặt ra trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Học sinh lên lớp 6 bị trả về trường học lại từ lớp 1. Học sinh chuyển trường vì học quá yếu cũng không được nhận.
Phụ huynh chạy theo thầy cô năn nỉ “cho con tôi được ở lại lớp”, giáo viên dù cảm thông cũng không thể làm khác.
Những nghịch lý này không còn là chuyện hiếm trong ngành giáo dục hiện nay. Một số phụ huynh bất bình, phẫn nộ, giáo viên cũng chẳng sung sướng gì và chính những học sinh rơi vào tình cảnh ấy cũng gần như sẽ chấm dứt con đường học tập trước mắt.
Vậy tại sao những chuyện buồn, những nghịch lý bất thường kia vẫn cứ nhơn nhơn tồn tại? Câu hỏi “bao giờ học sinh mới được quyền lưu ban?”cứ vang lên không chỉ một lần mà rất nhiều lần vẫn như lọt vào khoảng không vô định.
Học sinh ngồi nhầm lớp trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Đương nhiên giáo viên sẽ là người phải gánh chịu đầu tiên. Nhưng mấy ai biết được rằng, các thầy cô đã phải nỗ lực rất nhiều nhưng không phải học sinh nào cũng có thể tiến bộ.
Ảnh minh họa học sinh ngồi nhầm lớp, nguồn: http://congly.vn |
Những nỗ lực trong vô vọng
Gặp chị bạn đồng nghiệp than rằng “lớp mình năm nay (lớp 4) có 2 đứa gần như không biết đọc. Nhà trường kêu kèm, không biết phải kèm sao đây?”.
Ai cũng biết, lớp 4 làm gì có tiết học vần, có giờ phát âm? Giáo viên dạy còn chưa xong kiến thức cho lớp, thời gian nào ngồi kèm riêng cho những em này?
Lẽ ra, ngay từ khi còn học lớp 1 những học sinh học yếu phải được lưu ban. Học lại lớp 1 thêm năm nữa, chắc chắn sẽ giúp các em biết đọc. Nhưng buộc phải lên lớp, chẳng khác nào chặt đứt cơ hội biết chữ của các em.
Không thể để học sinh lưu ban, chị đồng nghiệp phải vừa dạy lớp 4, vừa dạy lớp 1. Cứ vào giờ ra chơi, chị lại cùng hai học trò đọc âm, ghép vần.
Rồi những tiết được nghỉ, chị đưa hai trò về văn phòng dạy tiếp. Hai đứa được đặc cách chỉ học đọc, học viết, những môn học khác gần như miễn luôn.
Nếu học sinh không được lên lớp, giáo viên phải đem về nhà dạy |
Giáo viên khốn đốn, Ban giám hiệu cũng lo ngay ngáy chứ nào thảnh thơi gì.
Họ nhẩm tính, nếu hai trò này không thể lên được lớp thì mọi chỉ tiêu của trường đều tuột khỏi tầm tay.
Nào thế đã hết, trường mất thi đua thì có hề gì? Nhưng mất chuẩn mới kéo theo bao hệ lụy.
Sẽ có nhiều đơn vị “chết chùm” vì vướng chỉ tiêu phổ cập. Đơn cử là xã phường, phòng giáo dục và Ủy ban nhân dân huyện.
Thế nên, nhà trường yêu cầu lên danh sách, ghi rõ những mặt mạnh, những điểm yếu của các em.
Chẳng hạn, yếu môn gì, yếu nhất mảng kiến thức nào?...rồi phân công cho các tổ lên kế hoạch giúp đỡ, phân công cụ thể từng giáo viên kèm cặp (dĩ nhiên là miễn phí) luân phiên. Dạy vào giờ nghỉ, ngày nghỉ.
Thế nhưng cuối năm học, trình độ các em cũng cải thiện không nhiều. Kế hoạch kèm trong hè lại được vạch ra. Và thầy cô lại tiếp tục công việc kèm cặp như trước.
Những nỗ lực của thầy cô, của nhà trường cũng chỉ cải thiện được một phần nào đó. Và rồi dù các em vẫn chỉ đọc cà rịch cà tang cũng phải lên lớp.
Nếu thật sự tốt cho các em, những học sinh này cần được ở lại lớp. Dù ai cũng hiểu nhưng chẳng trường học nào dám mạnh dạn làm điều đó.
Cần đổi mới từ cấp Bộ
Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bởi, sự lên án, công kích của công luận đang đi chệch hướng, sai đường.
Mục tiêu công luận chĩa mũi nhọn khi có học sinh ngồi nhầm lớp thường đổ trách nhiệm lên giáo viên và nhà trường nhưng công luận lại quên mất rằng chính những chỉ tiêu đưa ra từ cấp Bộ, những danh hiệu thi đua lá cờ đầu, danh hiệu trường chuẩn quốc gia, chuẩn phổ cập… nên nhiều trường đã không dám thẳng tay.
Trả lại quyền được lưu ban cho chính học trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thôi áp chỉ tiêu về các trường như cách mà lâu nay vẫn làm.