LTS: Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia vào công tác giáo dục, thẳng thắn cho rằng, giáo viên không vô can khi để học sinh ngồi nhầm lớp, cô giáo Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuối năm giáo viên nhiều trường học lại đau đầu với việc học sinh yếu kém lên lớp hay ở lại.
Nhiều thầy cô ước rằng “biết đến bao giờ giáo viên chúng tôi mới có được quyền cho học sinh ở lại lớp đây?”.
Giáo viên không vô can khi để học sinh ngồi nhầm lớp (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Không có công văn, chỉ thị nào ghi rằng học sinh không có quyền lưu ban nhưng các chỉ tiêu đăng kí chất lượng hàng năm cao ngất ngưởng của các trường học đã đóng chặt cánh cửa được ở lại lớp của học sinh yếu, kém.
Tôi dùng chữ “được” ở lại lớp vì chuyện này nó diễn ra ngược với tự nhiên.
Không giống như nhiều năm về trước, học yếu kém (sau khi giáo viên kèm cặp, phụ đạo không tiến bộ) học sinh sẽ ở lại lớp để học lại kiến thức.
Cũng là học yếu kém nhưng mà rất hiếm hoi mới có trường hợp học sinh được xét ở lại. Thế nên nói là “được” vì nó chẳng khác gì một đặc ân.
Nhiều giáo viên chúng ta nói mình đã mất quyền cho học sinh ở lại lớp như vậy đã thỏa đáng chưa?
Nói như thế, thầy cô thường đổ hết lỗi cho Ban giám hiệu nhà trường nhưng dưới góc nhìn của cá nhân tôi (cũng là giáo viên giảng dạy với hơn 20 năm kinh nghiệm) có thể khẳng định rằng, chính giáo viên chúng ta đang trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi hoàn toàn cho người khác.
Xét một cách công bằng thì trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở đây cũng không hề nhỏ.
Bởi, hầu như chưa có Ban giám hiệu nào lại ra lệnh thẳng thừng “cô (thầy) phải cho học sinh này lên lớp” hay “em này không được ở lại”…
Việc họ luôn dùng là tạo áp lực để gây khó khăn cho giáo viên buộc thầy cô phải tự nguyện cho học sinh lên lớp (vì điều này nên khi chuyện học sinh ngồi nhầm lớp bị phát hiện và phanh phui thì chính giáo viên là người chịu trách nhiệm cao nhất).
Nếu giáo viên vẫn cương quyết không bị chi phối bởi một số áp lực vô hình thì chính Ban giám hiệu nhà trường cũng chịu bó tay.
Chính thầy cô giáo chúng ta cũng đang vì thành tích của cá nhân mình để đẩy học sinh lên lớp.
Ví như sợ bị Ban giám hiệu làm khó trong giảng dạy, sợ bị cắt thi đua vì không đạt chỉ tiêu…vì đủ kiểu sợ nên chúng ta dễ dàng chiều theo ý của người lãnh đạo.
Tôi cũng đã có vài lần, cương quyết để học sinh ở lại lớp.
Sau nhiều lần được Ban giám hiệu mời họp kín (nhẹ nhàng phân tích về chỉ tiêu khống chế, về những danh hiệu sẽ tuột khỏi tầm tay, về việc sẽ liên lụy một số cơ quan đoàn thể liên quan…) đến việc hùng hổ quy trách nhiệm (không quan tâm học sinh kịp thời, không có biện pháp giúp đỡ hữu hiệu…) nhưng tôi vẫn không lay chuyển.
Học sinh được ở lại lớp còn tôi thì “lên bờ xuống ruộng” khi dám trái lời cấp trên.
Đang dạy có hiệu phó vào lớp ngồi dự, bị nhắc nhở trên hội đồng, bị hạ bậc thi đua…
Dù thế, tôi vẫn rất vui đã không vì cá nhân mình mà đẩy các em vào con đường phải nghỉ học sớm do không thể theo kịp chúng bạn.
Giáo viên vẫn có quyền cho học sinh ở lại lớp khi chúng ta đã bỏ hết công sức vì các em nhưng vẫn không tiến bộ.
Có điều, thầy cô phải chịu thiệt thòi một chút là hy sinh thành tích của cá nhân và phải cố gắng trau dồi thật nhiều về chuyên môn, nỗ lực thật nhiều trong mọi công tác để Ban giám hiệu nhà trường dù muốn gây áp lực với bạn cũng chẳng có lý do gì có thể bắt bẻ bạn được.