Giáo dục, chọn người làm, kinh phí hay 99% đỗ tốt nghiệp?

26/09/2018 07:07
Xuân Dương
(GDVN) - Luật Giáo dục quy định, kết thúc quá trình giáo dục, đào tạo phải có sát hạch, đánh giá chất lượng, vậy giáo dục phổ thông nên tiến hành đánh giá thế nào?

Việc hàng loạt giáo viên thuộc nhiều tỉnh - có người làm việc trên 20 năm - bị chấm dứt hợp đồng lao động và gian lận thi cử tại một số địa phương (Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 khiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) phải tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày quan điểm của bộ trước các vấn đề mà Ủy ban nêu ra.

Có hai vấn đề lớn mà dư luận xã hội rất quan tâm:

Thứ nhất, bãi bỏ kỳ thi “2 trong 1”, chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Báo chí dẫn nguyên văn phát biểu của Bộ trưởng Nhạ như sau:

Tới đây, cách tiếp cận của đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi "2 trong 1", mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học trung học phổ thông”.[1]

Việc bãi bỏ kỳ thi “2 trong 1” đã được dư luận đề cập nhiều, đặc biệt là những ý kiến liên quan đến quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Có cần tốt nghiệp 99%? Ảnh minh họa: TL/ Giaoduc.net.vn
Có cần tốt nghiệp 99%? Ảnh minh họa: TL/ Giaoduc.net.vn

Thiết nghĩ không phải vì tiêu cực đã xảy ra hay vì áp lực của dư luận mà bãi bỏ kỳ thi “2 trong 1”, việc bãi bỏ phải dựa vào cơ sở pháp lý, đó là Luật Giáo dục quy định chỉ có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không có kỳ thi “2 trong 1”.

Mặt khác một khi đã “tự chủ” thì cơ sở giáo dục đại học phải tự mình làm công tác tuyển sinh chứ không thể tuyển sinh theo kiểu “hớt váng” kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhà nước không thể bỏ tiền bao cấp hoạt động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, theo quy định của Luật Giáo dục, kết thúc quá trình giáo dục, đào tạo phải có sát hạch, đánh giá chất lượng, vậy giáo dục phổ thông nên tiến hành đánh giá thế nào?

Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Sẽ từng bước tiến tới điểm công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ.

Chú trọng hơn trong triển khai thi, lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Như vậy ý nghĩa kì thi sẽ cao hơn, hướng tới giá trị thực chất, tránh được những tiêu cực quá lớn như kì thi vừa rồi”.

Giáo dục, chọn người làm, kinh phí hay 99% đỗ tốt nghiệp? ảnh 2Thi quốc gia, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

Người viết cảm thấy phát biểu của Bộ trưởng Nhạ chưa rõ ràng bởi lẽ “Công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ” là với cấp học nào trong “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành.

Về điều này xin nêu vài ý kiến:

Từ năm 2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2001/NĐ-CP “Về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.

Sau khi có Nghị định của Chính phủ, cũng trong năm 2001 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 26/2001/QĐ-BGDĐT “Về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, kiểm tra và công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.

Như vậy gần 20 năm trước “Trung học cơ sở” đã được quy định là cấp “phổ cập giáo dục”.

Học xong cấp học trung học cơ sở là hoàn thành một giai đoạn rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Độ tuổi người học xong cấp học này vào khoảng 15-16 nghĩa là đủ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 điều 3 Bộ Luật lao động 2012 (Tuổi lao động được tính từ đủ 15 tuổi đến thời điểm nghỉ hưu).

Với tính chất quan trọng như vậy, cần tổ chức một kỳ thi công nhận tốt nghiệp cấp học này và có thể gọi là “Kỳ thi tốt nghiệp (công nhận?) phổ cập giáo dục”.

Đối với cấp học trung học phổ thông người viết đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nhạ “công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ”.

Giáo dục, chọn người làm, kinh phí hay 99% đỗ tốt nghiệp? ảnh 3Tại sao Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập đến việc xét tốt nghiệp phổ thông?

Điều này có nghĩa là không cần một kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông.

Người học xong chương trình lớp 12 đạt điểm bình quân ba năm học ở ngưỡng nào đó là được cấp chứng nhận tốt nghiệp.

Muốn vậy cần phải luật hóa trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản pháp luật liên quan.

Khi coi phổ cập giáo dục đến cấp trung học cơ sở là chiến lược giáo dục quốc gia thì cần thiết phải ban hành đồng bộ một số chính sách:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực (20% ngân sách) cho ba cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Theo quy định, giáo dục mầm non gồm “Giáo dục nhà trẻ” được thực hiện đối với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi và “Giáo dục mẫu giáo” được thực hiện đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi.

Tiểu học và trung học cơ sở kéo dài 9 năm, tổng cộng ba cấp học này kéo dài khoảng 15 năm.

Nếu nhà nước bao cấp suốt 15 năm thì việc để cấp học trung học phổ thông tự chủ (có thể có những hỗ trợ nhất định về đất đai, chính sách thuế,…) không có gì phải e ngại.

Thứ hai, từng bước thực hiện tự chủ với các trường trung học phổ thông, nhà nước cần có lộ trình xã hội hóa cấp học trung học phổ thông, chuyển toàn bộ trường công lập hiện tại thành trường tư thục theo hình thức cổ phần hóa hoặc kết hợp công tư (với một số trường đào tạo năng khiếu, chất lượng đặc biệt).

Thứ ba, xóa bỏ kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 10, một kỳ thi tạo nên nhiều hệ lụy với cha mẹ học sinh và các trường trung học phổ thông.

Giáo dục, chọn người làm, kinh phí hay 99% đỗ tốt nghiệp? ảnh 4Giáo dục - Vấn đề không nằm ở Hà Giang

Thực chất của kỳ thi này chỉ là gạt bớt một số học sinh sang các trường ngoài công lập vì các trường công lập không đủ cơ sở vật chất (trường, lớp, giáo viên,…).

Như đã nhiều lần phân tích, kỳ thi chọn học sinh lớp 10 góp phần tạo nên bất công xã hội, những nhóm có hoàn cảnh thiệt thòi (về kinh tế, về khả năng nhận thức,...) phải nộp nhiều tiền để học ở trường ngoài công lập trong khi học sinh các trường công lập được bao cấp nhiều khoản.

Thứ tư, khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì cần có quy chế để các cơ sở giáo dục đại học tổ chức các hình thức tuyển sinh phù hợp để sàng lọc thí sinh có nguyện vọng học tiếp.

Chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông không nên xem là tiêu chuẩn chính cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bãi bỏ một kỳ thi tốn kém, dễ phát sinh tiêu cực trong khi thực chất chỉ loại ra khoảng 2-3% người không đạt là việc phải làm dù có thể còn có những ý kiến tranh luận.

Thứ năm, bài toán kinh phí đối với việc bỏ học phí khối trung học cơ sở đã được thảo luận tại Quốc hội, gần 20 năm sau khi ban hành chủ trương này, việc miễn giảm học phí mới chỉ thực hiện ở cấp tiểu học và cũng không phải trên toàn quốc, ngay thủ đô Hà Nội vẫn thu học phí cấp tiểu học.

Nếu chỉ bằng cách cân đối ngân sách như ý kiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trình này trước Quốc hội thì không thể giải quyết được những khó khăn hiện tại.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không thể chỉ là những mảnh vá, phải may cho giáo dục chiếc áo mới. Vậy thì lấy đâu ra tiền?

Hiện nay, số lượng học sinh trung học phổ thông học các trường ngoài công lập tuy chưa chiếm đa số nhưng cũng không ít và các gia đình, dù thuộc diện nghèo vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con em ăn học.

Chính vì thực tế này, người viết tin rằng, một khi giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được bao cấp thì người dân sẽ không phản đối việc phải bỏ tiền cho con em theo học cấp trung học phổ thông.

Việc tiếp theo là phải đẩy thật nhanh tiến trình tự chủ đại học, phải nêu thời hạn cuối cùng cho các trường còn đang chần chừ, không muốn tự chủ.

Nhà nước chỉ nên dành ngân sách cho một số đại học theo hướng đào tạo nhân tài và đào tạo giáo viên, các trường đào tạo nhân lực phải hoàn toàn tự chủ.

Vấn đề còn lại là ai muốn làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tìm một người như thế trong trào lưu “nhiệm kỳ” liệu có phải là khó khăn lớn nhất chứ không phải chuyện kinh phí?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/su-kien/thi-thpt-quoc-gia-2019-de-thi-khong-phuc-vu-muc-tieu-ky-thi-2-trong-1-20180925051134793.htm

Xuân Dương