Thi quốc gia, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

23/09/2018 07:06
Thùy Linh
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia, địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng.

Ngày 17/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 mở rộng. 

Kết thúc cuộc họp, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ được duy trì đến hết năm 2020, tất nhiên kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật trong thời gian tới. 

Thi quốc gia, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương  ảnh 1Đề xuất tách đề thi quốc gia thành 2 phần: tốt nghiệp và thi đại học

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ:

Chủ trương, định hướng về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số bất cập do đó để hoàn thiện kỳ thi này thì cần tập trung thực đột phá 2 giải pháp lớn ngay trong thời gian tới. 

Theo đó, ông Khuyến nêu, thứ nhất, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy trình làm đề thi, kiện toàn ngân hàng câu hỏi. 

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết kế đề thi tiêu chuẩn hóa, tức là mức độ khó, dễ đề thi qua các năm phải như nhau. 

Khi đề thi đạt tiêu chuẩn hóa thì phổ điểm sẽ phân bố chuẩn, đồng nghĩa với việc ngân hàng câu hỏi đạt chất lượng. 

Tránh tình trạng, ví dụ, năm nay đề Toán dễ đến mức cả nước “mưa” điểm 10, sang năm đề Toán lại quá khó khiến giáo sư ngành Toán cũng than trời.

Hơn nữa, nếu thi trung học phổ thông quốc gia mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lên tới 98%, 99% thì tổ chức làm gì?”, ông Khuyến nhấn mạnh. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Kỳ thi quốc gia, địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Kỳ thi quốc gia, địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Để khắc phục những điều đó, ông Khuyến cho rằng, trước hết Bộ phải bám sát chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình phổ thông để soạn đề thi, khi xây dựng ngân hàng câu hỏi cần được thử nghiệm trên một số lượng học sinh tương đối lớn, chứ không phải “vỗ trán ra đề”. 

Đặc biệt, đề thi phải thiết kế làm sao để thí sinh đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới được tốt nghiệp, tức là thí sinh phải đạt tối thiểu 5,0 điểm/1 bài thi; dưới 5,0 đều là liệt chứ không thể điểm liệt là 1,0 điểm như hiện nay. 

Tuy nhiên, chuẩn đầu ra phải căn cứ vào mặt bằng chung của học sinh cả nước. 
Ngoài ra, đề thi sẽ có những câu hỏi khác ở mức độ khó hơn, cao hơn để các trường đại học có thể sử dụng kết quả xét tuyển sinh.

Thi quốc gia, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương  ảnh 3Giữ kỳ thi quốc gia đến năm 2020 với 6 thay đổi, điều chỉnh

Trong khi mục đích của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, ông Khuyến cho rằng, việc lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển chỉ nên áp dụng đối với các trường top giữa, top dưới. 

Còn đối với các trường top trên cần xét tuyển sinh những thí sinh có điểm thi trung học phổ thông nhưng đây chỉ là vòng sơ tuyển, sau đó bản thân trường đại học cần phải tổ chức thi hoặc cho thí sinh làm thêm bài kiểm tra để tuyển chọn.

Thứ hai, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức, giảm tốn kém cho phụ huynh và xã hội. 

Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội.

Nhiều người băn khoăn khi giao kỳ thi về cho địa phương thì dễ nảy sinh tiêu cực như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 vừa qua, ông Khuyến cho rằng, khi đã phân cấp cho địa phương thì phải giao quyền và gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương. 

Ví như, có những vấn đề rất lớn như bầu Đại biểu Quốc hội, ở đâu đó còn có chuyện này chuyện kia nhưng chẳng lẽ vì vậy mà mang tất cả phiếu ở các tỉnh tập trung về Quốc hội để kiểm phiếu. 

Do đó, trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. 

“Tôi tin với việc gắn trách nhiệm như vậy, các địa phương sẽ huy động tất cả nguồn lực của mình để tổ chức kỳ thi quốc gia tốt, hiệu quả” - ông Khuyến bày tỏ.

Thùy Linh