LTS: Bữa ăn trưa tại trường của các bạn nhỏ ở Mỹ sẽ diễn ra như thế nào, cô Thu Hồng - giáo viên tiểu học bang Georgia, Hoa Kỳ sẽ có những thông tin cụ thể và chi tiết gửi tới quý vị độc giả thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thời gian: 30-40 phút, kiểu cuốn chiếu cho từng khối
Thường các bạn lớp bé ăn trước, các bạn học sinh lớp lớn ăn sau. Ví dụ học sinh mẫu giáo ăn ca đầu tiên lúc 10.30 hoặc 10.45 sáng, sau đó lúc 11.00 hoặc 11.15 đến lượt lớp 1-2.
Trong ngày, ngoài bữa trưa thì các bạn từ lớp 2 trở xuống còn có giờ ăn quà (snack time), kéo dài khoảng 15 phút.
Bữa ăn trưa tại trường chỉ kéo dài đúng 30 phút, nhất là tại các tiểu bang phía Nam nước Mỹ. Những tiểu bang phía Bắc như New Jersey trước đây mình dạy thì được khoảng 40 phút.
30 phút nhưng nếu trừ thời gian các em phải đứng xếp hàng lấy đồ ăn thì nhiều khi chỉ 15 phút hoặc ít hơn.
Trường nào rộng thì nhiều khi lớp ở một đầu, phòng ăn ở đầu bên kia toà nhà, riêng đoạn dắt cả lớp đến phòng ăn đã mất 5 phút. Rồi đoạn hâm đồ ăn mất thêm 5 phút (nhiều khi hơn vì có một lò vi sóng trong khi 3-4 cô đứng chờ đến lượt).
Giờ các em ăn cũng là giờ cô ăn thế nên nhiều khi thầy cô chỉ có 10 phút để ăn. Rồi đôi khi chưa kịp xong bữa đã đến giờ đi đón các bạn về phòng học tiếp.
Vì thời gian eo hẹp nên thầy cô bên này đại đa số mang đồ ăn từ nhà đi hoặc gọi đồ ăn tới. Gọi đồ ăn tới thì tốn tiền nên đa số tự mang đồ đi.
Cũng có khi bận quá không chuẩn bị kịp tại nhà, mình mua bữa ăn trưa tại trường, giống như suất bán cho học sinh.
Học sinh Mỹ ăn trưa tại trường (Ảnh minh họa: news.zing.vn). |
Tuỳ từng trường và học khu, tiểu bang hay thành phố mà có 3 cách thức sau:
1. Thầy cô giáo được ăn trong phòng học hay phòng của giáo viên, không phải làm nhiệm vụ trông coi học sinh ăn (lunch duty).
2. Thầy cô ăn cùng học sinh trong 2 tuần đầu năm học.
3. Thầy cô ăn trong phòng ăn cùng học sinh, ngồi bàn riêng hoặc bàn chung với học sinh.
Trường mình đang dạy theo cách thứ 3. Những trường cũ mình từng dạy thì theo cách 1 hoặc 2.
Mình thích cách thứ 3 như hiện nay vì bữa trưa là dịp quan sát, tìm hiểu thêm về gia cảnh, tính cách học sinh của mình.
Nhìn bữa trưa và nhìn cách các em ăn cũng biết nhiều về hoàn cảnh, về gia đình nền nếp hay không, các em gọn gàng hay nhường nhịn hay không...
Cũng rất nhiều thầy cô không thích ăn cùng học sinh vì giờ ăn trưa là quãng thời gian hiếm hoi thầy cô được “nói chuyện và tiếp xúc” với người lớn, được tạm xa tiếng ồn ào của trẻ nhỏ.
Vì thời gian eo hẹp đối với cả trò nên nhiều em không kịp ăn hết bữa trưa. Thầy cô lúc nào cũng nhắc liên tục là ăn hết đồ ăn xong mới nói chuyện. Nhưng trẻ con mà, cả buổi sáng đã bị kìm kẹp không được nói chuyện trong lớp, có mỗi giờ ăn trưa và ra chơi để giao lưu.
Nhiều khi các em mải nói, mải chơi không ăn, ăn chậm hoặc nhút nhát không xin phép thầy cô đứng lên lấy thìa, không nhờ ai mở hộ được hộp đựng đồ ăn (nhất là những bạn mang đồ ăn nóng từ nhà đi).
Hiện cũng có những bàn bạc, than phiền về bữa ăn trưa của các học sinh Mỹ quá eo hẹp thời gian nên dẫn đến những vấn đề về hệ tiêu hoá hay việc bỏ phí đồ ăn của các em.
Nhiều trường bán quà vặt lúc giờ ăn trưa như bim bim, kẹo, bánh. Các bạn nhỏ lại thích ăn vặt hơn ăn đồ ăn giàu dinh dưỡng. Thầy cô như mình thường yêu cầu các em ăn hết suất ăn trưa xong mới được ăn quà.
Tương tự như vậy, hôm nào trong lớp có bạn sinh nhật, mang bánh sinh nhật hay cupcakes đến là chỉ được ăn vào cuối bữa trưa hoặc buổi chiều sau khi ăn trưa xong.
Nếu bố mẹ nào có con nhỏ học bên này nhớ hỏi thầy cô con mình xem con có ăn hết đồ ăn trong bữa trưa không, vì nhiều khi các em không kịp ăn hết, đến giờ phải dọn các em sẽ đổ hết đồ ăn vào thùng rác.
Đồ ăn/thực đơn: các em có thể mang đồ ăn từ nhà hoặc mua đồ ăn tại trường
Home lunch: mang đồ từ nhà
Một lợi thế là con có được những đồ ăn mình thích, kể cả những món có nước như súp. Những món các em thích ăn rất quan trọng vì so với đồ ăn mua tại trường, đồ ăn mang đi từ nhà hạn chế và giảm thiểu khả năng các em bỏ bữa vì không thích đồ ăn.
Tuy nhiên, bố mẹ sẽ vất vả hơn vì phải chuẩn bị đồ ăn mỗi ngày, khá mất thời gian. Nhất là những bố mẹ chu đáo, lại muốn viết mẩu tin nhỏ yêu thương cho con hay chuẩn bị những món ăn đẹp mắt.
Một nguy cơ khác là nhiều khi vội vàng, bố mẹ và con có thể để quên đồ ăn ở nhà là chuyện không hiếm gặp.
Những lần như thế, mình thường để các em gọi điện thoại cho bố mẹ mang đồ ăn đến, hoặc mình cho các em mượn tiền mua đồ ăn tại trường, hoặc mình cho các em cái gì đó ăn tạm cho đỡ đói như bánh quy, quả táo hay gói bim bim.
School lunch: mua đồ ăn tại trường
Bữa trưa thường gồm món chính, rau/quả và đồ uống (chủ yếu sữa hoặc nước hoa quả). Món chính bao giờ cũng có ít nhất 2-3 lựa chọn khác nhau.
Đa số các trường, ngoài những món chính, đều có bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mứt (peanut butter and jelly sandwich/PB & J), chủ yếu phục vụ những em theo đạo Hồi không ăn thịt lợn.
Nhưng nhìn chung các món chính tại trường ít khi có thịt lợn trong thực đơn. Đa số là thịt gà, bò và thỉnh thoảng có cá.
Tất cả thực đơn của các trường cho từng ngày đều được cập nhật và có sẵn trên trang web của trường.
Khi xem thực đơn từng ngày, sẽ có thông tin chi tiết dinh dưỡng (hàm lượng chất béo, vitamin, lượng đạm, muối, đường...) cho từng món.
Bố mẹ có thể chọn mua theo ngày, tuần, hay tháng. Phương thức thanh toán có thể tiền mặt đưa cho con hay qua mạng dùng thẻ tín dụng, hay tài khoản ngân hàng.
Càng lên cấp học cao hơn sẽ càng nhiều món để chọn hơn. Ví dụ cho một ngày có những sự lựa chọn về món chính như sau:
Cấp 1: gà nướng BBQ, bánh mì que, bánh kẹp rau (vegetarian garden burger), bánh kẹp bơ đậu phộng và mứt (PB & J).
Cấp 2: gà rán miếng nhỏ ướp vị châu Á, Mac & cheese (mì và pho mát), bánh pizza (2 loại: thường/cheese và Pepporonis), sữa chua, PB &J
Cấp 3: pizza (3 loại khác nhau: thường/pho mát không/cheese, pepporonis, thịt), gà (3 loại khác nhau), bánh mì kẹp đồ nguội và rau, salad, giỏ ăn nhẹ kèm sữa chua, PB & J
Mọi quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện hết sức ngặt nghèo, năm nào cũng có đoàn kiểm tra về kiểm định tiêu chuẩn vệ sinh.
Cũng có ngày học sinh phát hiện thấy sữa có những hộp đúng ngày hết hạn. Mình nói các em phải đổ đi ngay, chỉ uống nước. Nước tại trường có thể uống trực tiếp tại vòi.
Có những trường có vườn, trong thực đơn có sử dụng rau quả của vườn trường nếu thu hoạch tốt.
Khi lớp đi tham quan hay nhà ăn đang sửa, đồ ăn sẽ được cho vào túi giấy.
Có thể tham khảo trang nơi mình dạy để biết về các món cho mỗi ngày:
Menu: https://gwinnett.nutrislice.com/menu
Thủ tục khi ăn
Các em học sinh sẽ xịt nước rửa tay (hand sanitizer) trước khi ăn.
Tự phục vụ: xếp hàng theo lớp, tự chọn món; tự lấy những đồ ăn kèm (đồ uống, tương cà...) và thìa dĩa, giấy ăn; tự dọn dẹp sau khi ăn xong.
Mỗi em được cấp 1 số chính là số ID của mình để xếp hàng “thanh toán” ở quầy lấy đồ ăn.
Đây là số có 7 chữ số nên khó nhớ cho các bạn nhỏ lớp mẫu giáo đến lớp 2, lớp 3 trở lên là có thể thuộc được số ID của mình.
Thường học sinh lớp nhỏ thầy cô sẽ viết số ID ra tờ giấy cho các em cầm theo lúc đi ăn trưa.
Trong lúc ăn tuyệt đối không cho bạn khác đồ ăn của mình (no sharing food), nếu muốn phải xin phép thầy cô. Thông thường chỉ được phép cho những đồ ăn đóng gói sẵn như gói bim bim, kẹo, túi bánh nhỏ.
Xếp hàng theo lớp khi ăn xong, đứng chờ thầy cô giáo dẫn về lớp.
Giá tiền đồ ăn
Có 3 loại: trả phí hoàn toàn (tuỳ khu vực và tiểu bang mà mức trung bình phổ biến là từ 2.25 đến 3.5 USD), trả một phần (reduced-price meals) và miễn phí (free meals).
Riêng về loại free hay reduced lunch, phụ huynh phải khai hồ sơ thu nhập. Tuỳ kích thước hộ gia đình mà mức thu nhập đủ tiêu chuẩn cho từng loại khác nhau.
Cũng tuỳ từng năm học mà con số thay đổi đôi chút. Quy định chung của liên bang cho 48 tiểu bang và vùng lãnh thổ, dựa theo mức quy định về nghèo đói là:
Giảm giá: thu nhập 38.443 USD/năm cho hộ 3 người và 46.435 USD/năm hộ 4 người.
Miễn phí: thu nhập 27.014 USD/năm hộ 3 người và 32.630 USD/năm hộ 4 người.
Mức cho Alaska và Hawaii cao hơn đôi chút do mức quy định về nghèo đói cao hơn.
Mọi người có thể đọc kỹ hơn với thông tin chi tiết theo link sau để tham khảo mức thu nhập đủ tiêu chuẩn: https://www.gpo.gov/fdsys/…/FR-2018-05-08/pdf/2018-09679.pdf
Túi đựng đồ ăn
Các bạn nhỏ bên này thường cho đồ ăn vào túi vải với nhiều thiết kế, kiểu dáng khác nhau. Giới thiệu với cả nhà vài loại túi cho bé trai và gái:
Link Amazon các loại cho bé gái: https://amzn.to/2xDUZ7c ; https://amzn.to/2xr0GGn ; https://amzn.to/2O2u3YQ
Link Amazon các loại cho bé trai: https://amzn.to/2NWOBSG ; https://amzn.to/2OBpSQS
Thermal Bottle/Soup jar: https://amzn.to/2prmAEP ; https://amzn.to/2ppYtq5
Mình dạy cấp 1 nên mình biết không có chuyện phân biệt giàu nghèo qua bữa ăn trưa như bài báo trên VnExpress viết. Mọi thông tin là hoàn toàn bảo mật, bản thân học sinh cũng không biết mà chỉ cô giáo và bố mẹ biết.
Các em chỉ biết mình mua đồ ăn tại trường (get hot lunch), còn mua thế nào là việc của bố mẹ.
Có thể lên cấp 2 và 3 các bạn học sinh biết nhiều hơn nên dẫn đến chuyện bàn tán, so sánh, đánh giá, chứ ở bậc tiểu học thì theo mình quan sát qua những trường mình từng dạy thì không có chuyện phân biệt giàu nghèo qua bữa ăn trưa.
Sau đây là vài số liệu liên quan đến Chương trình Dinh dưỡng học đường (School Nutrition Program - SNP) tại khu mình dạy:
- Tổng cộng có 1.400 nhân viên, phục vụ bữa ăn cho 132 trường.
- Trong năm học 2017, chương trình SNP cung cấp trung bình 177.449 bữa ăn một ngày.
- Ngân sách cho năm học này 2018 là hơn 93 triệu USD.
- Chương trình hoạt động độc lập về mặt tài chính với Ban quản lý học khu. Doanh thu từ việc bán các bữa ăn (26,40%), tiểu bang hỗ trợ (2,3%), và liên bang hỗ trợ (71,20%).