Nguồn tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa hôm 3/10 cho biết, đơn vị sẽ đề nghị huyện Hậu Lộc trả lời thông tin phản ánh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vụ Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc được bổ nhiệm "không trong sáng", thời điểm năm 2007.
Trước đó, xác minh lý lịch tự thuật và các văn bản (chứng chỉ, bằng cấp) khác có liên quan tới bà Chung Thị Đài được lưu trữ tại Ban Tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc cho thấy, trong hồ sơ bổ nhiệm cán bộ này (thời điểm bổ nhiệm năm 2007) không có chứng chỉ trình độ trung cấp lý luận chính trị và chứng chỉ quản lý nhà nước, ngạch chuyên viên.
Như vậy, việc huyện Hậu Lộc bổ nhiệm bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo năm 2007 (hiện bà Đài vừa được bổ nhiệm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo) là trái với công văn số: 1138/2002/QĐ-UB, quyết định về việc ban hành quy chế bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thời điểm bấy giờ (hiện được thay thế bằng quyết định 2235/2017/QĐ-UBND...).
Theo đó, tại điểm C (về trình độ), Điều 4 (tiêu chuẩn bổ nhiệm), Chương 2 (đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và thời hạn bổ nhiệm công chức, việc chức) của quyết định này nêu rõ, cán bộ được bổ nhiệm phải có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên; Đã qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý Nhà nước.
Quyết định bổ nhiệm bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Ảnh của Thanh Minh. |
Mặt khác, việc bổ nhiệm cán bộ phải tuân thủ quy trình bổ nhiệm hết sức nghiêm ngặt. Để ban hành được quyết định bổ nhiệm bà Chung Thị Đài thì phải thông qua ý kiến tập thể từ cơ sở (phòng Giáo dục và Đào tạo) đến Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện/thành phố, sau đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện sẽ ra quyết định bổ nhiệm.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng bà Chung Thị Đài - người thiếu điều kiện, thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm vẫn lọt qua các khâu quan trọng về quy trình thực hiện bổ nhiệm cán bộ.
Từ căn cứ tại văn bản 1138, các cá nhân tổ chức có liên quan tới trách nhiệm trong việc bổ nhiệm "không trong sáng" bà Đài thuộc về người ký quyết định bổ nhiệm (ông Trần Quang Thiêm, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc) và các cá nhân, tổ chức tham mưu việc bổ nhiệm cán bộ này (phòng Nội vụ, Phòng Tổ chức cán bộ...).
Khi được hỏi về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn đối với bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo (năm 2007), ông Trịnh Ngọc Tùng - nguyên Trưởng ban Tổ chức huyện Hậu Lộc cho biết, cá nhân ông không nhớ rõ việc này.
"Việc bổ nhiệm bà Đài diễn ra cách đây lâu lắm rồi nên tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng nguyên tắc trong việc bổ nhiệm cán bộ thì phải thông qua tập thể Thường vụ, Ủy ban bàn bạc, cho ý kiến.
Có những trường hợp khi bổ nhiệm phải cho nợ điều kiện tiêu chuẩn vì rơi vào hoàn cảnh nguồn nhân sự có nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, phải xem lại văn bản của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc bổ nhiệm cán bộ thời điểm đó như thế nào mới kết luận chính xác được?", ông Trịnh Ngọc Tùng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Luệ (nguyên Trưởng phòng Nội vụ, hiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc) cũng tỏ ra lơ mơ về việc bổ nhiệm này.
"Việc bổ nhiệm thời điểm đó phải gắn liền với thực trạng công tác bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Thường vụ Huyện ủy quản lý thì Ủy ban phải có tờ trình, báo cáo Thường vụ, tổ chức xem xét.
Nhưng chắc là các tiêu chuẩn trong việc bổ nhiệm cán bộ trước đây chưa đặt ra quá cao như bây giờ", ông Luệ cho biết.
Cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc cho biết, Lãnh đạo Huyện ủy Hậu Lộc đã đề nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ thông tin bổ nhiệm Phó phòng Giáo dục và Đào tạo theo phản ánh của phóng viên.