Thiếu tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm
Hàng loạt các vụ bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, bổ nhiệm nợ tiêu chuẩn xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua không còn là điều xa lạ đối với dư luận.
Không ít cán bộ được bổ nhiệm theo kiểu này đã bị hủy bỏ, thu hồi quyết định bổ nhiệm. Cá nhân, tập thể có liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ trái luật cũng bị xử lý trách nhiệm.
Điều này cũng cho thấy một thực tế, quy trình bổ nhiệm được quy định rất chặt chẽ, nhưng xem ra "con voi vẫn chui lọt lỗ kim".
Vụ việc bổ nhiệm bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa năm 2007 (hiện bà Đài giữ chức Trưởng phòng) một lần nữa là minh chứng cụ thể cho nhận định trên.
Nguồn tin của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, việc bổ nhiệm bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc thời điểm năm 2007 có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về công tác cán bộ.
Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc. Ảnh của Thanh Minh. |
Theo đó, ngày 18/8/2017, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc ra quyết định số 2121/QĐ-UBND về việc cử công chức đi học quản lý nhà nước, ngạch chuyên viên. Quyết định do ông Nguyễn Văn Luệ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký.
Điều này đồng nghĩa với việc, tại thời điểm (năm 2007) bà Chung Thị Đài được bổ nhiệm Phó phòng Giáo dục và Đào tạo, vị này chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước, ngạch chuyên viên?
Cũng tại thời điểm bổ nhiệm, bà Chung Thị Đài còn được cho là thiếu chứng chỉ trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Hôm 26/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Chung Thị Đài cho biết, bản thân không nắm rõ thông tin tại thời điểm bổ nhiệm Phó phòng Giáo dục và Đào tạo mình đã hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm hay chưa.
Vị này nói: “Việc này (việc học quản lý nhà nước, trung cấp lý luận chính trị) tôi không nắm rõ. Cái đó là do nội vụ quản lý và việc cử đi học do lãnh đạo phân công cắt cử chứ tôi có dám đề nghị đi học đâu".
Tuy nhiên, xác minh lý lịch tự thuật và các văn bản (chứng chỉ, bằng cấp) khác có liên quan tới bà Chung Thị Đài được lưu trữ tại Ban Tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc cũng cho thấy, trong hồ sơ bổ nhiệm cán bộ này (thời điểm bổ nhiệm năm 2007) không có chứng chỉ trình độ trung cấp lý luận chính trị và chứng chỉ quản lý nhà nước, ngạch chuyên viên.
Ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc cho biết, những nội dung phản ánh nêu trên là có căn cứ.
Được biết, bà Chung Thị Đài, chuyên môn mầm non, từng là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc (từ năm 1997-2007). Từ năm 2007 đến 2017, bà Đài giữ chức vụ Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Tháng 9/2018, vị này được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo.
“Không bổ nhiệm lấy người đâu mà làm”
Như vậy, với các căn cứ có được, việc huyện Hậu Lộc bổ nhiệm bà Chung Thị Đài giữ chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo năm 2007 là trái với công văn Số: 1138/2002/QĐ-UB, quyết định về việc ban hành quy chế bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thời điểm bấy giờ (hiện được thay thế bằng quyết định 2235/2017/QĐ-UBND...).
Theo đó, tại điểm C (về trình độ), Điều 4 (tiêu chuẩn bổ nhiệm), Chương 2 (đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và thời hạn bổ nhiệm công chức, việc chức) của quyết định này nêu rõ, cán bộ được bổ nhiệm phải có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên; Đã qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý Nhà nước.
"Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả” |
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là, để ban hành được quyết định bổ nhiệm bà Chung Thị Đài thì phải thông qua ý kiến và sự thống nhất từ cơ sở (phòng Giáo dục và Đào tạo) đến Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện/thành phố, đồng thời phải tuân thủ các bước quy trình bổ nhiệm hết sức nghiêm ngặt.
Vậy tại sao, cán bộ thiếu tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm vẫn được bổ nhiệm?
Hôm 25/9, trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ấp – Bí thư huyện Ủy Hậu Lộc cho biết, việc bổ nhiệm bà Chung Thị Đài khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn như phản ánh có nguyên nhân do yếu tố khách quan.
“Từ 2010 trở về trước, hầu như tỉnh không mở lớp quản lý nhà nước để cán bộ đi học. Khi đó, cũng chưa có quy định cần trình độ trung cấp lý luận chính trị khi bổ nhiệm.
Đối với vị trí trưởng phòng thì mới bắt buộc phải có, còn phó phòng thì chưa cần thiết về trung cấp lý luận chính trị", ông Ấp cho biết.
Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cũng cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn đối với trường hợp của bà Chung Thị Đài cũng nhằm đáp ứng nhu cầu công việc thời điểm đó (năm 2007).
"Vấn đề bổ nhiệm kiểu này nhiều nơi tồn tại chứ không chỉ riêng tại huyện Hậu Lộc. Cho nên, trong tình thế không có người để bổ nhiệm mà cứ chờ người ta đủ điều kiện thì lấy người đâu mà làm.
Việc bổ nhiệm bà Đài chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo cấp tỉnh rồi”, ông Ấp cho biết.
Khi được hỏi về việc xử lý cán bộ bổ nhiệm không đủ điều kiện tiêu chuẩn, ông Nguyễn Văn Ấp cho biết Huyện ủy sẽ yêu cầu cho kiểm tra lại trường hợp này một cách cụ thể trước khi thông tin tới báo chí.