Các Giám đốc sở Giáo dục nói gì về nạn lạm thu?

05/10/2018 06:21
An Nguyên
(GDVN) - Ngoài văn bản của Bộ Giáo dục thì nhiều địa phương cũng đã đưa ra các phương án nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học.

Bài 1, Bài 2, Bài 3Bài 4

Nhiều ý kiến của các Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cho rằng, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ra đời, tạo điều kiện cho các trường huy động nguồn lực xã hội hóa một cách công khai, minh bạch và tránh được nạn lạm thu.

Cho vận động nhưng phải có giám sát

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp tới, Sở sẽ mời lãnh đạo các Phòng giáo dục, Hiệu trưởng các trường để thảo thuận và triển khai phương án thực tiện Thông tư 16 của Bộ Giáo dục.

Thông tư 16 của Bộ giáo dục ra đời được kỳ vọng sẽ làm cho việc xã hội hóa giáo dục được trong sạch, rõ ràng và minh bạch hơn. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Thông tư 16 của Bộ giáo dục ra đời được kỳ vọng sẽ làm cho việc xã hội hóa giáo dục được trong sạch, rõ ràng và minh bạch hơn. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Mục đích của cuộc họp này là nhằm lắng nghe những ý kiến thực tế từ cơ sở, qua đó triển khai vào thực tiễn cho đúng chủ trương của Bộ. Nếu không, khi triển khai xuống lại có thể “mở đường” cho lạm thu hoành hành.

“Làm sao để việc xã hội hóa nó không bị áp lực, cũng không có chuyện lợi dụng nó để lạm thu. Cách làm như thế nào cho hợp lý thì các cơ sở giáo dục vẫn chưa hình dung được”, ông Quốc nói.

Cũng theo ông Quốc, Thông tư 16 ra đời là kết quả việc lắng nghe góp ý từ thực tiễn thực hiện Thông tư 29 và công văn 5031 của Bộ Giáo dục.

“Một ngàn lẻ một” kiểu lạm thu ở trường học (bài 1)

“Nếu căn cứ vào hai văn bản trước thì việc huy động xã hội hóa trong giáo dục rất khó. Trong khi để nhà trường hoạt động thì ngoài nguồn ngân sách, cần có sự tham gia của xã hội. 

Nếu áp dụng Thông tư 29 và công văn 5031 thì sẽ đụng đến lạm thu ngay”, ông Quốc cho hay.

Thông tư 16 được xem là “chìa khóa” để các trường có thể vận động nguồn lực từ xã hội, hỗ trợ cho việc phát triển giáo dục. Nhưng cách làm thế nào để không dẫn đến chuyện mượn thông tư này để lạm thu cũng là một vấn đề.

“Theo quy định của Thông tư 16 thì các khoản xã hội hóa, nhà trường muốn huy động khoản gì đều chuyển về Sở hoặc Ủy ban các quận/huyện giám sát.

Như vậy khác với lâu nay, các khoản thu của nhà trường đã có sự giám sát. Đây là sự lắng nghe và ưu điểm trong thông tư của Bộ”, ông Quốc giải thích.

Cũng theo giám đốc sở Giáo dục Quảng Nam, muốn chống lạm thu thì đầu tiên phải xác định với các trường là thu cái gì, nội dung thu ra sao…?

Việc này phải có ý kiến từ các cơ quan quản lý, từ sở, Ủy ban… chứ trường không thể mượn tập thể của Hội phụ huynh để thông qua những khoản thu, rồi mình nói là không được.

“Không phải là cấm hẳn việc anh vận động thu các khoản. Nhưng nếu chúng ta công khai minh bạch, có sự giám sát của cơ quan chức năng thì không vấn đề gì.

Anh xin chủ trương, khoản thu, thu vào mục đích gì, thu phải có biên lai, có lưu sổ, có gửi kho bạc, chi đúng quy định… Cái đó phải thực hiện rất cụ thể, đúng theo Luật tài chính”, ông Quốc cho hay.

Không để Hội phụ huynh thành bình phong

Ông Quốc cũng cho rằng, để xảy ra nạn lạm thu là do có tình trạng lợi dụng bình phong của Hội phụ huynh để áp đặt ra các khoản thu vô lý.

Chính thực trạng này xảy ra tại các đơn vị nhỏ lẻ của các cơ sở giáo dục mà làm cho việc xã hội hóa trong giáo dục bị đóng băng một thời gian dài. Khi thực hiện đúng như hướng dẫn thì việc xã hội hóa sẽ thực hiện được.

Lạm thu, toát mồ hôi với những con số mang tên tự nguyện (bài 2)

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề lạm thu lâu nay đều có xuất phát từ tiền Hội phụ huynh.

“Trước đây, mình ra quy định và giao quyền cho Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh nên họ ấn định xuống các khoản thu và đứng ra thu.

Họ thỏa thuận với Hiệu trưởng, thu chi không rõ ràng nên phát sinh lạm thu là từ đây”, ông Phu nói.

Do đó, ngay từ cuối năm học và chuẩn bị năm học mới (tháng 5), sở Giáo dục Quảng Ngãi đã có văn bản quy định tất cả các khoản thu, hướng dẫn cách thu.

Ngay cả chuyện tiền nước uống, đồng phục học sinh… cũng được công khai, rõ ràng.

Sở cũng nhắc nhở các trường giám sát chặt chẽ hoạt động của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, không để xảy ra tình trạng thu chi thiếu minh bạch, cào bằng mức đóng góp…

Việc Thông tư 16 ra đời, quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, ông Phu nhìn nhận văn bản này ban hành hơi muộn so với năm học. Nhưng Thông tư đã quy định chặt chẽ việc các trường muốn huy động nguồn xã hội hóa phải có sự phê duyệt, giám sát của sở, ủy ban.

“Phải nói rõ ra như thế để khỏi xảy ra chuyện núp bóng việc vận động, quyên góp làm chuyện mờ ám. Biến các khoản vận động này thành quà tặng thầy, tặng cô, gây mất hình ảnh của ngành.

Nếu trường vận động có kế hoạch, chi tiết, có hoạch toán, có hóa đơn thì mình ủng hộ. Bởi thực tế, nhiều trường tiểu học không có học phí mà ngân sách chỉ trả lương cho giáo viên và cho tiền mua phấn, mua bảng.

Họ không có cách gì để dọn dẹp, sửa chữa khu vệ sinh, khuôn viên trường... Cái này ra (thông tư 16) sẽ mở đường cho việc này tốt hơn.

Thầy cô khỏi mang tiếng là thu lén lút, thu cái này cái kia, rồi bị kỷ luật, có người còn bị đưa ra tòa”, ông Phu chia sẻ thêm.

An Nguyên